Thành lập Ban Cố vấn “Thúc đẩy Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản” ở Việt Nam (21-02-2020)

 Ngày 20/02/2020, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã tổ chức một cuộc họp tại Hà Nội nhằm bàn luận, trao đổi và chia sẻ các thông tin liên quan đến chủ đề “Trách nhiệm Xã hội”; đồng thời, ra mắt Ban Cố vấn “Thúc đẩy Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản” với khoảng 14 thành viên.
Thành lập Ban Cố vấn “Thúc đẩy Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản” ở Việt Nam

Đến tham dự buổi họp có các lãnh đạo, cán bộ đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu; Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), OXFAM, ICAFIS, VCCI thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ. Về phía các đại biểu quốc tế có ông Chang-Hee (ILO Viet Nam) và các đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu; Hội đồng Kinh doanh châu Âu; Dự án RSCA.

Được sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU), dự án “Các chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á” (RAS/16/13/EUR), gọi tắt là RSCA, đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp triển khai tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Dự án RSCA hướng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và các đối tác thuộc Liên minh châu Âu triển khai các hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần tạo một môi trường chính sách thuận lợi cho việc thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong chuỗi cung ứng thủy sản.  

Để kịp thời xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện các hoạt động thúc đẩy và nhân rộng các thực hành tốt về kinh doanh hiệu quả, có trách nhiệm trong ngành Thủy sản Việt Nam, ICAFIS đã sáng kiến thành lập một “Ban Cố vấn” (Think Tank) về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong chuỗi cung ứng thủy sản, gồm các lãnh đạo và chuyên gia thủy sản với kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm và uy tín trong ngành Thủy sản. Quá trình vận hành của Ban Cố vấn sẽ được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổng Cục Thủy Sản, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam).   

Tại cuộc họp, các đại biểu đã xem xét, thảo luận những vấn đề về Lao động trong ngành Thủy sản Việt Nam, đặc điểm lao động trong các lĩnh vực (khai thác, nuôi trồng, chế biến), kinh nghiệm thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong chuỗi cung ứng thủy sản, những thách thức trong quá trình thực hiện CRS, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện CRS, vai trò của các Tổ chức phi Chính phủ NGOs/ hội/ hiệp hội trong việc thúc đẩy thực hiện CRS trong ngành Thủy sản, vấn đề phát triển nguồn nhân lực để thực hiện và đặc biệt là các hoạt động tiếp theo của Ban Cố vấn “Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp”.

Cuộc họp này được xác định là cuộc họp khởi động của Ban Cố vấn “Thúc đẩy Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản” ở Việt Nam. Thành viên dự kiến là 14 người thuộc các cơ quan, đơn vị và tổ chức sau: Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Cá da trơn, VCCI HCM, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Dự án RSCA. Ban Cố vấn sẽ cùng nhau thống nhất các cam kết và ký Biên bản ghi nhớ và Kế hoạch hoạt động hàng kỳ của Ban. Hiện tại, Biên bản Thỏa thuận về Hoạt động của Ban Cố Vấn đang được các thành viên cùng thảo luận để đi đến thống nhất.

Cuộc họp tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 7/2020.

 Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác