Quy định chi tiết về Nhãn hàng hóa tại Việt Nam (16-12-2019)

Ngày 26/6/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017 NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa. 
Quy định chi tiết về Nhãn hàng hóa tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Thông tư này áp dụng đối với Tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; Tổ chức/cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Cơ quan nhà nước và Tổ chức/cá nhân có liên quan. Theo đó, hướng dẫn chi tiết các nội dung và cách ghi Nhãn hàng hóa: Phân biệt bao bì chứa đựng hàng hóa; Vị trí Nhãn hàng hóa; Ngôn ngữ trình bày trên Nhãn hàng hóa; Cách thức ghi tên và địa chỉ của Tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Ngày sản xuất, hạn sử dụng; Tên của thành phần được ghi trên Nhãn hàng hóa; Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo; Thực phẩm biến đổi gen; Cách ghi nhãn hóa chất gia dụng; Định lượng hàng hóa trên Nhãn hàng hóa ; Thành phần định lượng của hàng hóa trên Nhãn hàng hóa

Về bao bì, Thông tư đã hướng dẫn cách phân biệt bao bì chứa đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm với bao bì thương phẩm. Đồng thời, chỉ định rõ những loại bao bì phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc (bằng tiếng Việt) theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thay thế cho Nhãn hàng hóa, đó là: Thùng đựng hàng (container), hầm tàu chứa hàng, xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng, dạng khí không có bao bì.

Ví dụ hàng hóa là thủy sản: Thùng đựng hàng (container), bao gồm cả trường hợp hàng hóa bên trong là nguyên liệu thủy sản có một hoặc nhiều loài dạng rời, hoặc đóng khối (block) trần đồng nhất hoặc không đồng nhất; Hầm tàu chứa hàng hóa dạng rời chỉ có một loài hoặc lẫn lộn nhiều loài; Xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng không có bao bì. Trường hợp này hàng hóa không cần dán nhãn/ghi nhãn hàng hóa nhưng phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc (bằng tiếng Việt) theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan; Trường hợp hồ sơ tài liệu kèm theo bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì doanh nghiệp nhập khẩu phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo.

Về ngôn ngữ trình bày trên Nhãn hàng hóa, đối với tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó. Ví dụ: Indonesia, Singapore phiên âm ra tiếng Việt không có nghĩa, được phép sử dụng nguyên tên Indonesia, Singapore, nhưng vẫn có thể dùng tên phiên âm In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po. Trong khi Russia hay Germany thì bắt buộc phải dịch thành Nga, Đức.

Đối với việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên Nhãn hàng hóa, tùy theo loại hàng hóa để áp dụng điều khoản quy định: (1) Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại; (2) Hàng hóa nhập khẩu mà thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng trên nhãn gốc được ghi bằng ký tự chữ.

Trường hợp tên của thành phần được ghi trên Nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng. Trường hợp trên Nhãn hàng hóa có nhấn mạnh sự không có mặt, không chứa hoặc không bổ sung một hoặc một số thành phần thì: Thành phần đó không tồn tại trong hàng hóa và trong các nguyên liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa; Hàng hóa không chứa các thành phần cùng nhóm có tính chất hoặc công dụng tương tự với thành phần đó.

Đối với các Điều ước quốc tế, Tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về mức không có mặt của một thành phần, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế, Tiêu chuẩn quốc tế đó.

Ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen trên Nhãn hàng hóa được quy định tại Điểm e khoản 5 Phụ lục I (ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) áp dụng trong trường hợp thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn năm phần trăm (5%) tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, hàng hóa là hóa chất gia dụng phải thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Tuy nhiên, khuyến khích các Tổ chức/cá nhân và doanh nghiệp áp dụng quy định của Thông tư này trước ngày có hiệu lực thi hành.

Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa và Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác