Hải quan Việt Nam tăng cường Kiểm tra sau thông quan (11-12-2019)

Ngày 19 tháng 11 năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 7180/CT-TCHQ về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác Kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc. 
Hải quan Việt Nam tăng cường Kiểm tra sau thông quan
Ảnh minh họa

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, hoạt động Kiểm tra sau thông quan đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào công tác Quản lý nhà nước về Hải quan, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Công tác Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện theo các Chuyên đề, từng bước đáp ứng yêu cầu Quản lý nhà nước về Hải quan.

Năm 2018, toàn ngành đã thực hiện 6.320 cuộc Kiểm tra sau thông quan, trong đó có 1.313 cuộc tại trụ sở người khai hải quan; riêng Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện 174 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (bằng 2,7% tổng số cuộc toàn lực lượng). Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện tốt công tác phân tích đánh giá rủi ro, lựa chọn đối tượng kiểm tra nên số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.012 tỷ đồng (bằng 44,7% tổng số thu toàn lực lượng). Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra sau thông quan còn đóng góp ý kiến kiến nghị, sửa đổi các Chính sách, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của lực lượng Kiểm tra sau thông quan, toàn ngành Hải quan đã đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh kiểm tra tràn lan; trình độ và ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ công chức làm công tác Kiểm tra sau thông quan đã được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một bộ phận lãnh đạo, công chức và cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm tra sau thông quan. Lãnh đạo lực lượng Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh/thành phố chưa dành sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với nhiệm vụ này. Cục Kiểm tra sau thông quan chưa làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác Kiểm tra sau thông quan.

Nâng cao hiệu quả công tác Kiểm tra sau thông quan

Nhằm chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác Kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc; đồng thời xác định công tác Kiểm tra sau thông quan trở thành trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc quán triệt; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và một số quan điểm về Kiểm tra sau thông quan. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cán bộ công chức làm công tác Kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Về phía Cục Kiểm tra sau thông quan, có nhiệm vụ xây dựng Đề án Nâng cấp hệ thống thông tin dữ liệu STQ_01 nhằm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động Kiểm tra sau thông quan toàn quốc; Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, triển khai và hệ thống hóa thông tin, thực hiện sàng lọc, phân loại doanh nghiệp để đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch định hướng Kiểm tra sau thông quan (trong từng giai đoạn).

Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra sau thông quan và các Chi Cục Kiểm tra sau thông quan (tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố) tập trung lực lượng để thực hiện nhiệm vụ Kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch nhằm hạn chế bỏ sót, lọt sai phạm của doanh nghiệp và tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện nhiệm vụ Kiểm tra sau thông quan theo quy định của Luật Hải quan. Cụ thể là thanh tra chuyên ngành theo quy định đối với Hồ sơ thuế, hải quan quá thời hạn Kiểm tra sau thông quan; Các trường hợp đã kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan nhưng phát hiện có thông tin mới hoặc vụ việc có tính chất phức tạp hoặc có dấu hiệu vi phạm khác.

Trong quá trình Kiểm tra sau thông quan nếu phát sinh vướng mắc có liên quan đến chính sách, văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (do các đơn vị Kiểm tra sau thông quan toàn quốc chuyển về), Cục Kiểm tra sau thông quan là đầu mối đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chuyển các Cục, Vụ tham mưu trả lời theo chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với các Cục Hải quan tỉnh/thành phố không có Chi Cục Kiểm tra sau thông quan, sẽ thực hiện Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan theo quy định. Kết thúc Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, nếu phát hiện có thông tin mới, dấu hiệu vi phạm khác thì báo cáo Tổng cục Hải quan (trước khi kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan). Cục Kiểm tra sau thông quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

Để tránh sự tùy tiện trong Kiểm tra sau thông quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trước khi tiến hành kiểm tra cần thực hiện thu thập thông tin trên cơ sở chương trình, hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu có sẵn của Ngành như: STQ01, VNACCS/VCIS, GTT02, MHS... xác định rõ dấu hiệu rủi ro và dự kiến phương pháp, kết quả kiểm tra. Trường hợp các thông tin thu thập chưa đủ để phân tích, đánh giá rủi ro thì có văn bản đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin theo quy trình.

Cục Kiểm tra sau thông quan chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; Đồng thời, tăng cường kiểm tra theo quy chế kiểm tra nội bộ ban hành kèm theo Quyết định số 2009/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Kết thúc một cuộc kiểm tra, cán bộ công chức hải quan bị phát hiện có hành vi vi phạm ở khâu trước và sau thông quan, Thủ trưởng các cấp phải kịp thời xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. Ngược lại, đối với các cán bộ công chức làm công tác Kiểm tra sau thông quan có tinh thần thái độ làm việc tích cực; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, thủ đoạn gian lận tinh vi có tính chất mới thì đề xuất khen thưởng kịp thời theo quy định.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác