Hội nghị bàn những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững (04-12-2019)

Ngày 30/11/2019, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Phát triển ngành thủy sản bền vững. Hội nghị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.
Hội nghị bàn những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội Vasep), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh/thành phố ven biển và các chuyên gia, các nhà khoa học, Viện, trường nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản cùng phóng viên báo đài đến đưa tin về hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị.

Đánh giá những thuận lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản trong năm 2019, Tổng cục Thủy sản cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay với thời tiết khá ổn định tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất trên biển. Kết quả sản xuất trên biển đối với các nghề khai thác thủy sản như nghề lưới vây, nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới kéo, nghề chụp mực đạt kết quả khá ổn định. Trong năm 2019, do công tác phòng ngừa tại các địa phương được chỉ đạo quyết liệt do đó tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức thông báo kết quả đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá tra của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý An toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hưởng ưu đãi thuế quan, mở rộng thị trường giúp tăng khả năng cạnh tranh so với các nước khác.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ ra những tồn tại khó khăn mà ngành Thủy sản đang gặp phải như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết; Áp lực cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt; Nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh dồi dào; Giá nguyên liệu thủy sản trong những tháng đầu năm sụt giảm đáng kể; Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp; Cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đã ảnh hưởng đến uy tín, sản phẩm và thương hiệu của sản phẩm thủy sản Việt Nam; Hạ tầng phục vụ trong nuôi trồng, khai thác thủy sản hiện nay xuống cấp và yếu kém, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế; Liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa chặt chẽ; Nguồn nhân lực, lao động trong lĩnh vực thủy sản còn thiếu và trình độ còn yếu; Tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn rất lớn.

Trước những khó khăn trên, chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, các Hội, Hiệp Hội ngành hàng, các doanh nghiệp, bà con cùng vào cuộc nổ lực tháo gỡ những vướng mắc khó khăn liên quan đến thể chế chính sách, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tận dụng những thời cơ thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu đưa kết quả sản xuất ngành thủy sản đạt và vượt những kế hoạch mục tiêu đã đặt ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Ông Trần Đình Luân cho biết: một trong những tồn tại hạn chế đối với lĩnh vực khai thác thủy sản hiện nay là tổn thất trong thu hoạch còn rất lớn, công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác còn lạc hậu; cơ cấu đội tàu còn bất cập; cảnh báo thẻ vàng gây khó khăn đến thương hiệu, uy tín đối với hình ảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Trong nuôi trồng thủy sản, giá thành sản xuất còn cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, bùng nổ diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là diện tích nuôi cá tra khó kiểm soát làm mất cân đối cung cầu dẫn đến mất ổn định thị trường. Bên cạnh đó, giá trị giá tăng trong các sản phẩm chế biến chưa cao, số lượng các mặt hàng chế biến sâu còn hạn chế.

Ngoài những tồn tại khó khăn mà ngành Thủy sản đang gặp phải, ngành Thủy sản đang đứng trước những thách thức không nhỏ, việc các tổ chức nước ngoài, cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài tìm cách bôi nhọ đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản. Bệnh vi bài tử trùng và bệnh phân trắng trên tôm nước lợ. Chất lượng giống cá tra chưa ổn định, tăng trưởng nóng diện tích nuôi trồng cá tra. Quy định của EC về Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi thủy sản. Cảnh báo thẻ vàng của EC, Chất lượng truy xuất trong sản phẩm tôm xuất khẩu, Ông Luân đã chỉ ra tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, lũy kế đến hết tháng 10/2019, tổng sản lượng ước đạt 7.07 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 3.55 nghìn tấn, sản lượng khai thác đạt 3.52 nghìn tấn. Tình hình xuất khẩu thủy sản tính đến 31/10/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản 10 tháng đầu năm ước đạt 7,084 tỷ USD (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái), cá tra 1,64 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái), cá ngừ đạt 609,6 triệu USD (tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018), nhuyễn thể đạt 562,7 triệu USD (giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2018) và các loại thủy sản các đạt 1.493,7 triệu USD.

Đại diện Hiệp hội Vasep, Tổng thư ký Trương Đình Hòe cho biết, giá nguyên liệu những tháng đầu năm 2019 điều chỉnh giảm mạnh, cụ thể cá tra điều chỉnh giảm 2 USD/kg, đối với tôm khoảng 1USD. Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu một số mặt hàng như cá tra giảm 10 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu giảm mạnh. Ngược lại thị trường Nhật, Trung Quốc có xu hướng tăng nhẹ.

Theo nhận định của Hiệp hội Vasep, mặt hàng tôm có nhiều tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu. Năm 2020, thị trường Trung Quốc sẽ ổn định lại chính sách kiểm soát và đồng thời Việt Nam đã có những chuẩn bị cho thị trường chính ngạch. Thị trường cá tra đã có dấu hiệu cân đối lại nguồn cung và nhu cầu thị trường dự báo sẽ ổn định hơn. Chương trình mở rộng thị trường cho sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, với quy mô dân số lớn, đây là thị trường có dung lượng thị trường nhu cầu tiêu thụ về sản phẩm cá tra được dự báo là tương đối lớn trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc công ty thủy sản Biển Đông cho biết, việc chuyển đổi cơ quan kiểm soát của Hoa Kỳ về sản phẩm cá da trơn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ông Trường đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, tận tâm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, các Hiệp hội ngành hàng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc tại thị trường Hoa Kỳ liên quan đến đánh giá sự tương đồng, thuế chống bán phá giá cá tra.

Liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu cá tra giảm trong những tháng đầu năm 2019, Ông Trường cho biết, một phần do nguồn cung tăng đột biến, nhu cầu thị trường giảm. Bên cạnh đó một nguyên nhân được cho là do sự thiếu thông tin, sự liên kết chuỗi kém của một bộ phận nhỏ người nuôi không tham gia vào chuỗi liên kết bán ra thị trường với giá thấp khiến tâm lý của thương lái thu mua có xu hướng ép giá đẩy giá thị trường giảm sâu.

Trong Quý III, IV/2019, giá cá tra nguyên liệu có đã xu hướng tăng trưởng trở lại. Theo xu thế thị trường trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra tăng để phục vụ các dịp lễ Giáng Sinh, Tết Dương lịch tại các thị trường Hoa Kỳ, Châu ÂU và Trung Quốc. Định hướng đối với ngành cá tra năm 2020, cần áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn con giống, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm chế biến sâu. Nhận định về thị trường xuất khẩu năm 2020, dự báo có triển vọng sáng hơn, thị trường tiêu thụ có xu hướng ổn định hơn và không bị tác động bởi các yếu tố đột biến từ thị trường. Xu hướng giá cá tra trong năm 2020 dự báo sẽ tăng lên so với năm 2019.

Kết luận Hội nghị, Thứ trướng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, các Viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng người dân thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu, triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan đến quản lý lĩnh vực thủy sản đã được ban hành. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, người dân liên quan đến thi hành Luật Thủy sản, Nghị định, Thông tư.

Thứ hai, Tổng cục Thủy sản sớm hoàn thiện chiến lược phát triển thủy sản đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, nghiên cứu trình Chính phủ Đề án phát triển nuôi biển trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tiễn của ngành thủy sản cũng như định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

Thứ tư, sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ năm, thực hiện tổng kết Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67/2014/NĐ-CP), trên cơ sở kết quả đạt được tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung những chính sách cho phát triển thủy sản. Nghiên cứu triển khai Nghị quyết số120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi  khí hậu. Tập trung nguồn lực cho đầu tư cho lĩnh vực thủy sản, huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP.

Thứ sáu, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cùng với các doanh nghiệp và ngư dân tập trung vào cuộc quyết liệt thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị nhằm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2019, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu mục tiêu trước mắt, nổ lực hơn nữa đạt mục tiêu đã đặt ra trong năm 2019 về xuất khẩu thủy sản. Các đơn vị liên quan vào cuộc quyết liệt giải quyết những khó khăn vướng mắc, tập trung giải quyết thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mục tiêu như Trung Quốc, có nhu cầu tiêu thụ cao trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tổ chức tổng kết năm 2019, với tinh thần nhìn nhận vào sự thật, rút ra nhưng bài học kinh nghiệm, những khó khăn để đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc đưa ngành phát triển bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tận dụng những thời cơ, thuận lợi và cơ hội có được từ hội nhập kinh tế để bứt phá.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác