Doanh nghiệp Việt Nam liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu (09-10-2019)

Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu". Diễn đàn có sự tham gia của Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), các hiệp hội doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp Việt Nam liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

Theo Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT, phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước đã có hơn 2.900 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đối với các chuỗi nông lâm thủy sản an toàn, trên địa bàn cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận, với hơn 1.400 sản phẩm (chủ yếu là các loại rau, củ quả, các loại cá biển, trái cây, trứng, nước mắm). Cả nước có hơn 3.100 điểm bán các sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, trong đó có hơn 640 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bao gồm: chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết một ngành hàng lâm sản chủ lực và chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.

 Theo Bộ NN&PTNT, để nâng cao giá trị chuỗi gia tăng cho chuỗi giá trị nông lâm thủy sản Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn với sản xuất, về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường (giá cả, dự báo thị trường…); Tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu;

Đồng thời, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu; tổ chức đưa DN phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, DN chế biến, xuất khẩu… xuống trực tiếp các vùng sản xuất để hướng dẫn cho HTX, hộ nông dân phương thức bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, tem, nhãn mác…để dễ đưa vào kênh tiêu thụ;

Cùng với đó, đào tạo tập huấn tăng cường năng lực cho các DN, HTX hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập quốc tế...

Tại hội thảo, các chuyên gia của các tổ chức nước ngoài cũng cho rằng, khâu yếu của chuỗi sản xuất nông lâm thủy sản Việt Nam là thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, hơn nữa sự liên kết giữa các DN để nâng cao giá trị nông lâm thủy sản còn thấp.

Theo Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, sự liên kết giữa các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chính doanh nghiệp là lực lượng thâm nhập thương trường quốc tế, hiểu được quy định quốc tế, từ đó hướng dẫn người dân sản xuất, chế biến, đóng gói và giúp bao tiêu sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cần đẩy mạnh và đa dạng hơn nữa sự liên kết, hợp tác, đặc biệt là cần hướng tới sản xuất nông lâm thủy sản an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc và có giá trị gia tăng cao hơn.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác