Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam (06-09-2019)

Ngày 5-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo: “Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam”.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, Việt Nam có khoảng 76.666 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Nhưng xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước còn khiêm tốn.

Cả nước hiện có 4 tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng) có mô hình nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 134.800ha. Sản phẩm nuôi trồng hữu cơ chủ yếu là tôm, rươi. Tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản hữu cơ đạt khoảng 10 triệu USD và mức giá bán cao hơn khoảng 30% so với nuôi trồng truyền thống. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua khảo sát nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Việt Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên tùy thuộc vào lợi thế mỗi vùng, miền. 

Để có định hướng, mục tiêu phát triển sản xuất hữu cơ, thương mại sản phẩm cũng như các giải pháp, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”. Mục tiêu của dự thảo đề án là đến năm 2030 Việt Nam phấn đấu trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ. 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong các giải pháp triển khai đề án sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu. 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sang thị trường lớn châu Âu. Chính vì vậy, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ các tổ chức chứng nhận, đơn vị được giao trong việc giám sát kết quả chứng nhận. 

Theo các đại biểu, khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay của Việt Nam là do: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, chủ yếu dựa vào hỗ trợ, chưa có định hướng chiến lược sản xuất, tiêu thụ; sản phẩm chưa đa dạng và chất lượng chưa đồng đều...

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2025, khoảng 2 - 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha. Đến năm 2030, khoảng 7 - 8% diện tích diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác