Năm 2018: Thiên tai gây thiệt hại kinh tế gần 20 nghìn tỷ đồng (26-12-2018)

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2019 của Tổng cục phòng chống thiên tai.
Năm 2018: Thiên tai gây thiệt hại kinh tế gần 20 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), năm 2018, mặc dù thiên tai không khốc liệt như năm 2017 nhưng đã xảy ra trên khắp thế giới với cường độ và tần suất vượt nhiều mốc lịch sử, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hủy hoại môi trường sinh thái.

Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 9 đợt gió mạnh trên biển; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long,…gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20 nghìn tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.

Mặc dù các loại hình thiên tai xảy ra khắp các vùng miền trên cả nước, nhưng nỗ lực chung của các địa phương và sự sát sao trong chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phòng, chống thiên tai cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, khả năng chống chịu thiên tai của các thiết chế hạ tầng kinh tế còn thấp; nhận thức của các cấp chính quyền và người dân ở một số địa phương chưa chủ động; thiệt hại do thiên tai còn lớn, việc khắc phục hậu quả ở một số địa phương chưa kịp thời; việc cảnh báo, dự báo chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới….  

Báo cáo tại Hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết: Ngoài công tác chỉ đạo điều hành thường xuyên để ứng phó với thiên tai, Tổng cục đã tham mưu trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau thiên tai, hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung; Phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ di dời khẩn cấp 5.495 hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc đang ở lều lán, nhà tạm thuộc 13 tỉnh.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Do tác động của hiện tượng El Nino nên năm 2019 thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp: Số lượng cơn bão ít hơn nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn; số lượng trận mưa lớn không nhiều nhưng khốc liệt hơn năm 2018…

Trung tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Cả nước hiện có trên 359 hồ, đập có nguy cơ mất an toàn, đề nghị cần chỉ đạo địa phương có kế hoạch sơ tán dân. Có một thực tế là khi kiểm tra các hồ, đập thì các địa phương có làm kế hoạch, dự kiến các tình huống nguy cơ vỡ hồ, sự cố đập nhưng khi xuống Ban chỉ huy Quân sự các huyện hỏi có kế hoạch sơ tán không thì lại nhận được câu trả lời là không. Như vậy, các cấp chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là ở cấp huyện.    

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Tổng cục PCTT và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu; nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất. Lực lượng quân đội, công an vẫn là lực lượng nòng cốt, tham gia tích cực trong việc phòng chống, ứng phó hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt do thiên tai.

Theo Bộ trưởng, năm 2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai cần đẩy mạnh hoàn thiện bộ máy nhân sự đối với công tác ứng phó thiên tai; Tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo để làm cơ sở cho công tác phòng chống ứng phó thiên tai; Cần chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo công tác dự báo ngày càng chính xác, hiệu quả; Đồng thời rà soát lại các nguồn lực để đảm bảo hỗ trợ người dân và các địa phương kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

NN

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác