Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 (29-11-2018)

Ngày 29/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2018 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp dinh dưỡng bền vững: Hành động của Việt Nam để không còn nạn đói đến 2025”, công bố “Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025”.
Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường và Ông Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO Việt Nam, đồng chủ tọa. Khoảng 200 đại biểu của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cộng đồng quốc tế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… đã đến tham dự Hội nghị.

Theo báo cáo mới nhất của FAO về “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2018”, trên thế giới hiện có trên 820 triệu người đang bị suy dinh dưỡng. Một báo cáo khác về “Tình hình lương thực và triển vọng mùa màng” của FAO cũng cho thấy, có khoảng 37 quốc gia, trong đó có 29 nước châu Phi, cần phải có viện trợ lương thực từ bên ngoài.

Biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan được cho là một nguyên nhân quan trọng đe dọa an ninh lương thực thế giới, dẫn đến nguồn cung lương thực không được bảo đảm. Việc nguồn cung không được bảo đảm sẽ tác động đến an ninh lương thực của trên 7,6 tỷ người trên thế giới. Gánh nặng này càng tăng nếu dân số thế giới tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.

Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu nguồn cung lương thực không được bảo đảm, đến năm 2020, thế giới sẽ có thêm 60 triệu người nữa bị thiếu ăn cùng với gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng.

Sáng kiến “Không còn nạn đói” do Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đưa ra và liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình này, ngày 12/6/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định 712/QĐ-TTg kèm theo Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm; Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%; tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400 g/ngày. Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi, với các chỉ tiêu như sau: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% (riêng vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 25%); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 8%. Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững: 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất. Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập: Các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%. Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Việt Nam được công nhận là một trong những nước đạt thành công đáng kể về giảm số người thiếu đói và nghèo. Hiện, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo. Tuy nhiên, người Việt Nam đang mất cân bằng dinh dưỡng, theo đó, béo phì gia tăng ở trẻ em thành phố, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở khu vực miền núi chưa được cải thiện. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, các hộ có đủ lương thực, thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng; giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm...

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác