Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong phát triển lĩnh vực nuôi biển (06-09-2018)

Ngày 05/9/2018, tại Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong phát triển lĩnh vực nuôi biển

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh thành ven biển khu vực phía Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam,

Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản và Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã đồng chủ trì Hội thảo.

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh nuôi biển với vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông;  biển dài 3.260km, với hơn 3.000 đảo và các quần đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Côn Sơn, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa… Đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, chế biến và thương mại các loài sinh vật biển. Hiện cả nước có khoảng 20 triệu cư dân sống ven biển và ở các đảo, là lực lượng lao động quan trọng, để phát triển kinh tế-xã hội, gìn giữ an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong thời gian qua, nghề nuôi biển đã phát triển rộng rãi trên nhiều vùng của đất nước. Tuy nhiên, nghề nuôi biển Việt Nam mới ở trình độ thấp, chủ yếu ở vùng ven bờ và đã bộc lộ một số bất cập như: Chưa tuân thủ theo quy hoạch; còn rất manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng yếu, việc cung cấp con giống, thức ăn, công nghệ nuôi nhiều hạn chế; chưa hình thành được các chuỗi giá trị, chưa có thị trường ổn định; phải đối mặt với không ít những rủi ro về thiên tai, sức tải môi trường và dịch bệnh,… dẫn đến phát triển thiếu bền vững.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, lĩnh vực nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng đã không ngừng tăng. Trong giai đoạn 2010 – 2017, từ diện tích 38,8 nghìn ha trong năm 2010 đã tăng lên hơn 246 nghìn ha (năm 2017). Sản lượng nuôi biển tăng từ 156 nghìn tấn năm 2010, đến năm 2017 đạt trên 377 nghìn tấn. Các đối tượng hải sản được nuôi trồng chủ yếu là các loài cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua, ghẹ và rong biển..; trong đó đối tượng chính là các loài cá biển (cá song, cá giò, cá vược, cá hồng,...), tôm hùm  và nhuyễn thể (ngao, hàu, sò, tu hài, ốc hương…).

Để phát huy tiềm năng và lợi thế của lĩnh vực nuôi biển, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó mục tiêu duy trì và ổn định vùng nuôi ven biển, đảo gần bờ có hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái; Phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, đạt 810.000 tấn; sản lượng đạt 810.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 500 - 700 triệu USD. Và đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng đạt 1.750.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỷ USD. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi vào năm 2050. Với sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy lĩnh vực nuôi biển phát triển một cách bền vững. Đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành một trong trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới.

 Phát biểu tại Hội Thảo, Ông Quảng Trọng Thao cho biết, trong những năm gần đây phát triển lĩnh vực nuôi biển tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô và sản lượng. Trong đó, một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, và một số tỉnh thành ven biển đã hình thành các mô hình nuôi biển quy mô lớn áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến trên thế giới. Nghề nuôi biển, đặc biệt là một số đối tượng có giá trị mặc dù đưa lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước những thách thức về quản lý quy hoạch, chưa theo kịp kịp thực tiễn sản xuất, mật độ lồng/bè nuôi ngày càng gia tăng, vị trí vùng nuôi trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi đã gây ảnh hưởng cho sự phát triển. Mặc dù đã làm chủ công nghệ sản xuất giống của nhiều loài cá biển nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất giống nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thực sự cao. Đối với nuôi tôm hùm hiện nay nguồn giống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, vẫn chưa sản xuất được giống nhân tạo, đây là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm. Công nghệ nuôi vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, thức ăn chủ yếu sử dụng cá tạp dễ gây ô nhiễm môi trường, không chủ động nguồn thức ăn nhất là mùa mưa bão, dễ gây bùng phát dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Bá Sơn – Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, một trong những thách thức đối với lĩnh vực nuôi biển hiện nay là nguồn con giống chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, một số đối tượng như cá biển mặc dù đã làm chủ công nghệ sản xuất giống nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất giống nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thực sự cao. Ngoài ra, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái thu gom nên bấp bênh về giá và không ổn định. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nuôi biển là chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa. Do đó, thị trường tiêu thụ thiếu tính bền vững chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong các sản phẩm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản trong nước và quốc tế đã đánh giá cao tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đều cho rằng để đánh thức tiềm năng và lợi thế đó, Việt Nam cần tạo ra chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, chính sách hỗ trợ tín dụng trong phát triển lĩnh vực nuôi biển. Song song với đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới phù hợp điều kiện khí hậu của Việt Nam trong phát triển nuôi biển. Trong đó, công nghệ trong sử dụng vận hành lồng nuôi là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến thành công trong phát triển nuôi biển mà Việt Nam đang cần thiết hiện nay.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác