Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 (19-04-2017)

Chiều ngày 17/4/2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) đã dự Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBQG TKCN, năm 2016, tình hình thời tiết, khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan như: rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là 05 đợt mưa lớn gây lũ chồng lũ khu vực miền Trung. Các sự cố về sập đổ công trình; cháy nổ, cháy rừng; sự cố môi trường; tai nạn máy bay; tai nạn tàu, thuyền trên biển, trên sông gia tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước.

Trong năm 2016, trên toàn quốc xảy ra 2.694 vụ, thiên tai, tai nạn, sự cố (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), làm chết 736 người, mất tích 194 người, bị thương 755 người, chìm 281 phương tiện; cháy, hỏng 319 phương tiện; cháy 1.064 nhà xưởng, sập đổ: 1.272 nhà dân; tốc mái hư hỏng, ngập 349.966 nhà; cháy khoảng 3.374 ha rừng và thảm thực vật, hư hại 329.441 ha hoa màu. Thiệt hại về tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Quý 1/2017 thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp; tai nạn, sự cố gia tăng, cụ thể: Xảy ra 753 vụ/1.667 người/223 phương tiện bị nạn. Hậu quả: chết 187 người; mất tích 64 người; bị thương 244 người; chìm 76 phương tiện; hư hỏng 91 phương tiện; cháy 56 phương tiện, 411 nhà xưởng và hơn 329 ha rừng; sập 827 nhà; hư hỏng tốc mái 735 nhà; ngập 18.369 nhà; thiệt hại 36.882 ha lúa và hoa màu; sạt lở 625 m2 đường giao thông; tràn 10m3 dầu ra biển.

Trước thực tế diễn biến của thiên tai, tai nạn, sự cố, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trong những thời khắc phức tạp, khó khăn đã trực tiếp có mặt ở các khu vực trọng điểm nhất chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm người mất tích trong các sự cố, thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; UBQG TKCN, BCĐTW về PCTT và một số Bộ, ngành đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động, quyết liệt, với tinh thần tự lực, tự cường là chính, tương thân tương ái và tránh tư tưởng chủ quan. Các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên cập nhật, đưa tin về diễn biến các đợt thiên tai, sự cố lớn và công tác chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, UBQG TKCN, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT).                   

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần rút kinh nghiệm, đó là: Sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn bất cập; một số địa phương chưa phát huy vai trò của cơ quan và lực lượng thường trực, dẫn tới khó khăn trong chỉ đạo, điều hành; có nơi cơ quan chủ trì tham mưu, đề xuất thiếu chủ động nắm tình hình, lúng túng trong xử lý. Kiểm tra, rà soát các kế hoạch, phương án; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” của một số địa phương chưa tốt và còn biểu hiện chủ quan, nên khi xảy ra sự cố, bão, lũ còn bị động, có nơi chỉ sau vài ngày đã đề nghị cứu trợ; trong xử lý vụ việc TKCN trên biển nhiều vụ đơn giản có thể huy động lực lượng tại chỗ nhưng vẫn đề nghị UBQG TKCN điều động phương tiện gây lãng phí không cần thiết. Cung cấp và báo cáo thông tin cứu nạn còn chậm, chưa chính xác; tình trạng báo nạn giả chưa được khắc phục, gây khó khăn, tốn kém trong tìm kiếm cứu nạn. Trang bị, phương tiện, vật tư cho các lực lượng tại chỗ để ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; những trang bị hiện đại, chuyên dụng cho các đơn vị chuyên trách và kiêm nhiệm còn thiếu, nhất là các trang bị TKCN biển xa, chữa cháy rừng và ứng cứu sập đổ công trình ngầm. Ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn khó khăn….

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt công tác PCTTcần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp với phương châm lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp lý về PCTT. Hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và Kế hoạch PCTT cấp quốc gia trên cơ sở cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai 2016. Trong đó, tiếp tục phải lấy phòng ngừa là chính, xác định PCTT không chỉ của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp với tinh thần trước hết phải có phương án để tự bảo đảm an toàn cho chính mình, cho gia đình mình.

Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng phương án, nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, ngành, địa phương năm 2017 sát với thực tiễn tình hình, tiếp tục nâng cao năng lực, trong đó có năng lực phòng ngừa, sức chống chịu trước thiên tai và khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hình thái thiên tai cực đoan khác. Tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng làm công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào PCTT, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào xây dựng bản đồ số ở các loại tỉ lệ thích hợp theo từng vùng miền, địa phương; quản lý rủi ro thiên tai thông qua ứng dụng các phần mềm chuyên dùng, thông qua ứng dụng tin học, các nhà mạng để truyền tin, nhận tin, giao ban trực tuyến… Xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ và chia sẻ dữ liệu về PCTT. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực nhằm xã hội hóa công tác PCTT. Nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động PCTT để có khả năng tự bảo vệ mình trước. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể chính trị-xã hội sẵn sàng huy động, hỗ trợ cho người dân vùng thiên tai với tinh thần không để người dân gặp khó khăn, thiếu đói, bệnh tật khi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn xảy ra.

Hà Kiều

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác