Vụ cá Nam 2016: Mục tiêu đạt gần 1,5 triệu tấn hải sản (28-10-2016)

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị tổng kết vụ cá Bắc năm 2015 - 2016 và triển khai vụ cá Nam 2016, trong vụ cá Bắc năm 2015 - 2016 đã thu được nhiều thắng lợi, đạt sản lượng 1.348 nghìn tấn thuỷ sản khai thác, tăng 3,93% so với vụ cá Bắc năm 2014 - 2015, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 1.281 nghìn tấn.
Vụ cá Nam 2016: Mục tiêu đạt gần 1,5 triệu tấn hải sản

Bước vào vụ cá Nam, trên cơ sở kế hoạch năm 2016 của ngành thủy sản và dự báo nguồn lợi trên các ngư trường, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu vụ cá Nam 2016 đạt sản lượng thủy sản khai thác 1.576 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản là 1.458 nghìn tấn và khai thác nội địa là 118 nghìn tấn.

Vụ cá Nam 2016 chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam và ảnh hưởng của El-Nino dẫn tới nhiệt độ nước biển tăng. Vùng biển chịu ảnh hưởng nhiều nhất của gió Tây Nam là vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các vùng biển duyên hải miền Trung và Vịnh Bắc Bộ có sự thay đổi rất ít nên không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất của ngư dân. Với nhận định như trên, Tổng cục Thủy sản đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể để có một vụ cá Nam thành công.

Vấn đề đầu tiên được đặt ra là rà soát tham mưu, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động khai thác. Trước mắt, Tổng cục Thủy sản tham mưu trình Bộ NN và PTNT, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân phát triển sản xuất.

Về quản lý hoạt động khai thác hải sản của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển

Cần quy định cụ thể ranh giới vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng biển xa bờ để các địa phương xây dựng quy chế quản lý phù hợp với định hướng phát triển nghề khai thác thuỷ sản của địa phương. Quy định lại từng nhóm nghề, nhóm công suất tàu cá được phép hoạt động trên mỗi vùng biển. Đẩy mạnh phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng ven bờ và vùng lộng, nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ của các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền địa phương. Bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến cấp phép cho tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản ở một số nước, vùng lãnh thổ lân cận mà Việt Nam đã có hợp tác; trách nhiệm trong việc xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch nghề khai thác thuỷ sản của cơ quan trung ương và địa phương và quy định về đánh dấu tàu cá, ghi nhật ký khai thác thuỷ sản phù hợp với quy định của các nước trong khu vực và các quy định của quốc tế.

Các địa phương có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý khai thác thuỷ sản để quản lý phù hợp với định hướng phát triển và thực tế của địa phương; tham mưu ban hành quy hoạch phát triển thuỷ sản, trong đó có phát triển khai thác thuỷ sản, trên địa bàn tỉnh quản lý. Ngoài ra, cần rà soát các nghề mới phát sinh trên địa bàn nhưng có tính chất khai thác tận diệt, xâm hại tới nguồn lợi thuỷ sản để trình Uỷ ban Nhân dân trình quy định tạm ngừng phát triển hoặc cấm hoạt động.

Về chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất: Các cơ quan quản lý cần tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thuỷ sản; nắm chắc tình hình triển khai thực hiện chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP). Tổng hợp, đề xuất tham mưu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc khi thực hiện chính sách; tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 67 và đề xuất chính sách trong thời gian tiếp theo.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ về ban hành chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Về tổ chức sản xuất trên biển

Tiếp tục triển khai thực hiện công văn số 9443/BNN-TCTS-KTTS ngày 18/11/2015 của Bộ NN và PTNT về chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý việc đóng mới tàu cá xa bờ và tạm dừng việc cấp phép đóng mới tàu lưới kéo.

Theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi, cụ thể như sau:

- Đối với các tàu nhỏ khai thác ven bờ: Chủ yếu khai thác các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện như cá nục, cá cơm, cá cơm….

- Đối với khai thác xa bờ: Huy động tối đa tàu thuyền tham gia khai thác các nghề như, rê, vây, câu vàng cá ngừ đại dương. Các đối tượng có khả năng xuất hiện nhiều gồm: cá nục, các bạc má, cá ngừ… tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ; cá nục, cá ngừ đại dương, cá thu, cá chuồn, mực xà… tại ngư trường miền Trung. Vùng biển Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cá khả năng xuất hiện nhiều các loài cá căng, cá đổng, ngừ bò, mực và bạch tuộc…

Tiếp tục khuyến khích ngư dân khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Đồng thời tiếp tục tổng kết, nhân rộng các mô hình tổ, đội ngư dân sản xuất trên biển, duy trì và củng cố hoạt động của các tổ, đội đã có, phát triển thêm các tổ đoàn kết trong khai thác hải sản để giúp nhau trong khai thác; xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho bà con ngư dân: hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác.

Công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 689/CT-TTG ngày 18/5/2010 và Công điện số 1329/CĐ-TTG ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Rà soát các khu neo đậu tránh trú bão để tham mưu Bộ NN và PTNT ban hành Quyết định về công bố danh sách khu neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2016.

Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép khai thác; tàu cá phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn cho người và tàu ngay tại bến.

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý tàu cá, kiểm tra an toàn cho tàu cá; đảm bảo các tàu cá đủ điều kiện an toàn mới cho phép ra khơi khai thác hải sản.

Phối hợp với các Đài Thông tin duyên hải, Bộ đội Biên phòng, Trạm bờ  để thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, về tai nạn của tàu cá và người lao động nhằm tìm các biện pháp cứu hộ, cứu nạn kịp thời, giảm thiểu tổn thất do các sự cố gây nên.

Các địa phương tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản, kịp thời đề xuất bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả quản lư.

Nắm chắc số lượng tàu thuyền trên các ngư trường, theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết đặc biệt khi có thời tiết xấu (bão, áp thấp nhiệt đới) thông báo, yêu cầu các tàu về bờ và tìm nơi neo đậu an toàn.

Công tác bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá

Tích cực triển khai công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản của Chính phủ trong lĩnh vực thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 332/QĐ-BNN-TCTS ngày 26/01/2016 của Bộ NN và PTNT về ban hành kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo tổ chức, thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thu cá ngừ theo chuỗi năm 2016 tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà.

Tổ chức tuyên tuyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng của ngư dân về phương pháp bảo quản sản phẩm sau đánh bắt bằng công nghệ xốp thổi (PU).

Về hợp tác quốc tế trong khai thác thuỷ sản

Tăng cường hợp tác, trao đổi với các nước và các tổ chức nghề cá trong khu vực: Philippin, SEAFDEC, WCPFC… Hợp tác, phối hợp với Ủy ban Châu Âu và các nước khác trên thế giới để thực hiện tốt hơn việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu.

Tiếp tục tham gia các diễn đàn quản lý nghề cá khu vực như: RPOA-IUU, SEAFDEC để xây dựng các kế hoạch hành động chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và quản lý năng lực khai thác hải sản trong khu vực.

Để triển khai tốt vụ cá Nam năm 2016, các Sở NN và PTNT, các Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương cần tổ chức tốt việc huy động lực lượng, phương tiện nghề nghiệp đánh bắt; tổ chức có hiệu quả việc thực thi các chính sách của trung ương và địa phương; tăng cường công tác quản lý tàu cá, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp tham gia quản lý và tổ chức sản xuất nghề cá nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch 2016 và vụ cá Nam năm 2016.

FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác