Bão số 5 giật cấp 12 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Nam (10-09-2021)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Bão số 5 giật cấp 12 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Nam

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 04 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ 24-48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,0 đến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Tại tỉnh Thanh Hóa, trong ngày hôm qua 09/9 đến nay, các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão, đồng thời kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến. Các địa phương sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch COVID-19 cho phương tiện và người trên các tàu thuyền, nhất là phương tiện từ các địa phương đang có dịch vào tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại Cảng Lạch Hới và Âu tránh trú bão tàu thuyền Bắc Trung Bộ (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) chiều 9/9, tranh thủ nước thủy triều lên, hàng trăm phương tiện đang tích cực di chuyển về bến, cũng như tiến hành các công đoạn neo đậu, chằng chống tàu thuyền. Các vật dụng thiết yếu từ tàu thuyền cùng ngư lưới cụ được khẩn trương đưa từ thuyền lên bờ để đề phòng bão đổ bộ bất ngờ. Hệ thống tời dây được huy động tối đa để kéo tàu thuyền lên bãi tránh trú.

Tại Quảng Bình, Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến chiều ngày 9/9 địa phương đã kêu gọi 121 phương tiện/660 thuyền viên vào bờ, neo đậu tại vị trí an toàn.

Hiện có 59 phương tiện /769 lao động đang hoạt động trên biển, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ 49 phương tiện /667 lao động, vùng biển Quảng Trị và Quảng Ngãi 10 phương tiện/102 lao động. Các phương tiện đã nắm được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Neo đậu tại bến 6.635 phương tiện.

Các sở ngành, địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão đã được UBND tỉnh phê duyệt, sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, dự kiến di dời dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12 – 13, cụ thể: Dự kiến để ứng phó với bão CONSON, toàn tỉnh sẽ di dời 29.125 hộ/108.177 người, trong đó di dời, sơ tán dân vùng sạt lở là  9.875 hộ/38.630 người. Các xã có nguy cơ cao sạt lở gồm: Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; xã Nam Hóa, Đức Hóa, Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa; xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Hiện địa phương đang rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Chủ động tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra cũng như dịch bệnh COVID - 19.

Tại Thừa Thiên Huế, Chiều 9/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện việc ứng phó với bão số 5. Theo đó, yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế, các sở, ban ngành trong tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 và Văn bản số 1100/TTg-NN ngày 23/8/2021, đặc biệt là phương án sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đến 14 h ngày 10/9 kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định…

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác