Các địa phương gấp rút ứng phó với bão số 9, dừng tất cả cuộc họp không cần thiết (27-10-2020)

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp ứng phó với bão số 9. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trung ương, địa phương không tổ chức cuộc họp không cần thiết, trừ các cuộc họp quan trọng, để tập trung lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.
Các địa phương gấp rút ứng phó với bão số 9, dừng tất cả cuộc họp không cần thiết

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Mưa lớn: Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐPCTT) cho biết, tính đến 6h/27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu/229.290LĐ biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm từ 11-18 độ vĩ Bắc; tây 118 độ kinh Đông: 194 tàu/1.305 lao động. Hiện các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh. Các tàu hoạt động ở khu vực khác: 4.061 tàu/29.748 lao động. Tại các khu neo đậu tại các bến: 40.754/198.237 lao động.

Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản các tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, theo thống kê hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 9 là: 29.980 ha ( trong đó, Thừa Thiên Huế: 6.898ha, Đà Nẵng: 418ha, Quảng Nam: 4.810ha, Quảng Ngãi: 1.554ha, Bình Định: 3.835ha, Phú Yên: 2.628ha, Khánh Hòa: 3.779ha, Ninh Thuận: 908ha, Bình Thuận: 5.150ha). Tổng số số lồng bè trong phạm vi ảnh hưởng là: 190.959 lồng, bè (Thừa Thiên Huế: 7.586 lồng, Đà Nẵng: 1.606 lồng, Quảng Nam: 960lồng, Quảng Ngãi: 67 lồng, Bình Định: 1.118 lồng, Phú Yên: 85.703 lồng, Khánh Hòa: 91.225 lồng, Ninh Thuận: 2.600 lồng, Bình Thuận: 94 lồng).

Các địa phương gấp rút sơ tán dân

Hiện nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Theo thống kê tổng số dân dự kiến sơ tán 146.866 hộ/571.746 người. Trong đó, Thừa Thiên Huế: sơ tán 18.238/63.768, dự kiến xong trước 15h/27/10. Đà Nẵng: sơ tán 35.229/140.868, dự kiến (xong trước 15h/27/10); Quảng Nam: sơ tán 37.169/148.675 dự kiến (xong trước 17h/27/10); Quảng Ngãi: sơ tán 24.507/94.269, dự kiến (xong trước 17h/27/10); Bình Định: sơ tán 23.673/96.513, dự kiến (xong trước 19h/27/10); Phú Yên: sơ tán 8.050/27.653 dự kiến (xong trước 17h/27/10).

Bão số 9 là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh. Sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão tiếp tục đi vào khu vực Tây Nguyên với sức gió còn mạnh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đến 16h/28/10, tâm bão ở trên khu vực Tây Nguyên với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và gây mưa lớn với lượng mưa từ 100-200mm (mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên).

Khu vực các tỉnh Tây Nguyên không được chủ quan trước bão số 9

Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh khu vực Tây Nguyên tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng có có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.

Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là cây trồng lâu năm, cây công nghiệp.

Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng, kể cả đối với nước bạn Campuchia về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh.

Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Chỉ đạo Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ./.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác