Nhiều địa phương cấm tuyệt đối việc cho tàu thuyền ra biển, trực 24/24 phòng chống bão số 5 (17-09-2020)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, để chủ động phòng chống thiệt hại do bão số 5 gây ra, các tỉnh, thành phố được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã tiến hành cấm biển từ ngày 16/9. Trong ngày hôm nay, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi tiếp tục cấm biển. Ngoài ra, một số tỉnh thành/phố đã có thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh bão an toàn.
Nhiều địa phương cấm tuyệt đối việc cho tàu thuyền ra biển, trực 24/24 phòng chống bão số 5

Theo đó, trong ngày 17/9, tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo cấm tàu, thuyền ra khơi, trong khi Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cho học sinh nghỉ học trong ngày 18/9 khi bão số 5 sắp đổ bộ đất liền.

Trước dự báo bão số 5 (Noul) có thể đổ bộ đất liền vào sáng 18/9 với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (nằm trong vùng ảnh hưởng của bão) đang gấp rút triển khai phương án ứng phó.

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đã công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó với bão số 5 và mưa lũ. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết từ chiều 17/9 để tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống bão số 5.

Lực lượng chức năng và các địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Hiện, hơn 2.300 tàu thuyền với 7.163 thuyền viên còn hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin về bão số 5 và đang di chuyển về nơi tránh trú.

Tỉnh Quảng Trị cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/9 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng chống bão tại trường học.

Lực lượng chức năng và các địa phương triển khai ngay phương án ứng phó với bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác sơ tán dân; không để ngư dân ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè nuôi trồng thủy sản; chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân tại các điểm sơ tán.

Tại Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cấm tuyệt đối việc cho tàu thuyền ra biển. Chủ tịch tỉnh yêu cầu kiểm tra phương án sơ tán dân vùng ven biển, vùng có nguy cơ nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối. Việc di dời dân trong vùng nguy hiểm dự kiến hoàn thành vào trước 19h ngày 17/9.

Tỉnh cũng giao Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế chủ động thông báo các trường nghỉ học ngày 18/9 để đảm bảo an toàn cho học sinh, cho học sinh trở lại học khi có thông báo mới.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công cần có phương án khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.

Cùng ngày tại Quãng Ngãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng ký văn bản hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng địa phương nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra biển hoạt động. Các phương tiện vận tải hành khách trên tuyến Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại cũng tạm dừng hoạt động từ 13h ngày 17/9 cho đến khi có thông báo mới.

Công văn yêu cầu các huyện Bình Sơn và Lý Sơn khẩn trương rà soát, lập phương án chi tiết ứng phó bão số 5; huy động lực lượng hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa, sơ tán dân đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Các địa phương lập Ban chỉ huy tiền phương kịp thời ứng phó phù hợp với tình hình, diễn biến của bão, lũ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý các cảng cá và Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn ngư dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè, tránh va đập và bị bừa neo, đứt neo khi có gió bão mạnh xảy ra.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối khẩn trương triển khai phương án phòng, chống thiên tai, thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Dự báo sẽ đỗ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc, hồi 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa có gió bão mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội.

Từ sáng sớm ngày mai (18/9), do ảnh hưởng của bão số 5, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ)  có gió bão mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (90-100km/giờ), giật cấp 12 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 19/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Thái Lan.

Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt. Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng đến chiều mai (18/9), trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
      Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ  17-19/9 trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác