Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019 (23-07-2019)

Ngày 19/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019.
Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có khoảng 350 đại biểu đến từ các Bộ ngành và địa phương.

Nam Bộ gồm 2 khu vực là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đây là khu vực tập trung tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 23.261/96.609 tàu chiều dài trên 6m, chiếm 27% cả nước; ngoài ra còn có gần 16.000 tàu thuyền đánh bắt ven bờ công suất nhỏ. Tổng sức chứa các khu neo đậu tàu cá đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 1121/QĐ-TCTS ngày 04/4/2019 là 13.451/43.105 tàu sông suất 300-1000CV các khu neo đậu cả nước (đáp ứng được 58% nhu cầu neo đậu).

Hoạt động phòng chống thiên tai của khu vực đã đạt được các kết quả tích cực như: Trang bị thiết bị định vị vệ tinh cho các tàu cá đánh bắt xa bờ 1.822 tàu (năm 2019), nhất là tại Kiên Giang: 273 tàu, Tiền Giang: 367 tàu; Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển (chỉ có 1 số thuyền nhỏ bị chìm ở bến); Đã thông báo liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn 12.871 tàu/63.541 thuyền viên biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh; gia cố, bảo vệ cho 18.960 lồng bè; di chuyển 2.586 người trên các lồng bè, đăng đáy, chòi canh đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai khu vực miền Nam vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Trong khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động xa bờ, nhưng còn số lượng lớn chưa lắp đặt hệ thống giám sát nên khó khăn trong công tác kêu gọi, thông tin khi có bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Mặt khác, việc quản lý tàu thuyền nhỏ, hoạt động gần bờ còn gặp nhiều khó khăn nên lúng túng trong việc thông tin, quản lý khi có bão, ATNĐ. Trong khu vực còn thiếu các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định (mới chỉ đáp ứng 58% nhu cầu neo đậu).

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh thành khu vực miền Nam cũng chia sẻ về tình hình cũng như kinh nghiệm ứng phó với bão, lũ, phòng chống thiên tai. Một số mô hình hoạt động, công nghệ ngăn mặn giữ ngọt, giải pháp đảm bảo an toàn học sinh mùa mưa lũ cũng được đưa ra để cùng ứng phó thiên tai.

Theo đại diện huyện Cần Giờ, công tác sơ tán, di dời dân khi có thiên tai phải được triển khai hết sức quyết liệt, thực sự chủ động của cả hệ thống chính trị để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực xung yếu, nhà cửa tạm bợ, không chắc chắn; đặc biệt lưu ý đến người dân ở các lồng bè, chòi canh, sở đáy, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản phải được sơ tán vào khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần tập trung triển khai một số vấn đề trong thời gian tới như: Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động lúng túng khi tình huống thiên tai bất lợi xảy ra, nhất là bão mạnh, lũ lớn; trong đó có giải pháp cụ thể để quản lý tàu, thuyền đánh bắt xa bờ cũng như thuyền nhỏ, hoạt động ven bờ; Đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát với các tàu cá có chiều dài trên 15m đảm bảo hoàn thành trước 01/4/2020 như quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác