Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão (22-11-2018)

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão.
Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão

Cập nhật thông tin mới nhất tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định trong chiều tối nay, áp thấp nhiệt sẽ mạnh lên thành bão. Đáng lưu ý, bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24/11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12.

Ông Hoàng Đức Cường lưu ý, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh bắc Tây Nguyên, nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến từ 100 - 200 mm. Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi mưa có thể lên 600 mm. Trong ngày 25/11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300 mm/24 giờ. Bão đổ bộ vào bờ vào thời điểm sáng sớm, triều cường và nước biển dâng do bão cao khoảng 1 m sẽ là tình huống nguy hiểm ở các vùng ven biển.

Về tình hình tàu thuyền và nuôi trồng thuỷ sản: Tổng số tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên của 09 tỉnh từ Quảng Nam – TP Hồ Chí Minh là 29.427 tàu cá, trong đó có 17.703 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Qua hệ thống giám sát tàu cá, hiện có 01 tàu cá của Bình Định (BĐ-98172-TS) trong vùng dự kiến bão ảnh hưởng và đang di chuyển trú tránh. Có 27 khu neo đậu theo tiêu chuẩn với tổng công suất là: 22.527 tàu, đáp ứng 76% nhu cầu. Nuôi trồng thuỷ sản tập trung rất lớn: 11.327 ha và 2,019 triệu m3 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản (năm 2017 là 3,077 triệu m3). Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tại khu vực dự kiến bão đổ bộ còn hơn 45.000 lồng bè nuôi tôm hùm, hơn 6.000 lồng bè nuôi cá, nhuyễn thể.

Đại diện các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… cho biết đang tập trung triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão: Kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn; vận động các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển di chuyển người và tài sản lên bờ; lập phương án sẵn sàng di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; bố trí lực lượng chốt chặn, cảnh báo nhân dân đi qua các ngầm tràn; rà soát phương án vận hành, bảo vệ an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện… 

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), mưa lớn do bão sẽ uy hiếp trực tiếp đến các công trình hồ chứa xung yếu. Ở các công trình này, 100% là đập đất và đều giao cho các huyện, xã quản lý trình độ, năng lực quản lý còn hạn chế. Khi mưa lớn chỉ có cách để tự tràn chứ không chủ động xả được. Điểm qua ở vùng nam Trung bộ hiện có gần 200 hồ chứa xung yếu và Tây Nguyên cũng có 204 hồ chứa xung yếu, ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các địa phương phải tăng cường lực lượng canh gác, cảnh giới để sớm phát hiện và xử lý những hiện tượng bất thường ở các công trình này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Thông tin về đợt kiểm tra hồ đập sau mưa bão số 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, nhiều hồ chỉ tăng 5 - 10% dung tích tích nước nhưng có những hồ tăng lên đến 40%. Hiện tại, nhiều hồ ở khu vực Khánh Hoà đạt 70% dung tích thiết kế, nhưng cũng có hồ chưa đạt mức tích nước yêu cầu. Việc điều hành quản lý hồ hiện nay ở khu vực nam Trung bộ phải đáp ứng 2 yêu cầu: vừa đảm bảo công trình an toàn và vùng hạ du, nhưng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tích nước chống hạn. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị: Có dung tích chênh lệch rất khác nhau nên công trình hồ đập hiện nay không thể chung cách vận hành. Cách tốt nhất là đơn vị quản lý phải dàn lực lượng đến tận các công trình theo dõi thực tế để ra các quyết định điều tiết hợp lý.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định đây là áp thấp nhiệt đới rất nguy hiểm, có khả năng mạnh lên thành bão đổ bộ vào khu vực rất dễ bị tổn thương: Nhiều năm không xảy ra bão lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế trên biển rất lớn và đang phải khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 8. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương rà soát phương án ứng phó trên tinh thần “4 tại chỗ”; phải bảo đảm an toàn cho nhân dân trên biển, kiên quyết không để ngư dân trên biển, sắp xếp an toàn tàu thuyền nơi neo đậu; bảo đảm an toàn cho khách du lịch; đặc biệt quan tâm bảo đảm tàu thuyền vãng lai; kịp thời triển khai phương án sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; căn cứ diễn biến thực tế có thể cấm tàu thuyền ra khơi. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây vừa là cơ hội tăng nguồn nước cho các hồ chứa, phục vụ chống hạn sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, tích nước phát điện trong mùa khô nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro cho vùng hạ du nếu không kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Nhận định thời tiết trong những ngày tới rất nguy hiểm, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn trên biển: Không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi xảy ra mưa bão; đồng thời, bảo đảm an toàn cho người dân trên đất liền: Chủ động di dời người dân ra khỏi nhà yếu, vùng ngập úng, có nguy cơ sạt lở đất, nhà ở gần công trình không an toàn. Các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra phương án vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ du, nguồn nước phục vụ sản xuất; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn…

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác