Phương hướng hoạt động của Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu – lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025 (13-10-2020)

Ngày 10/10/2020, Đại hội Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu – lần thứ I (nhiệm kỳ 2020-2025) đã bầu Ban Chấp hành (gồm 37 thành viên) và giao Ban Chấp hành Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu căn cứ Nghị quyết Đại hội, xây dựng chương trình/kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
Phương hướng hoạt động của Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu – lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025

Những kết quả đã đạt được trong gần 10 năm qua

Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 05/6/2019 (Quyết định số 1031/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu) trên cơ sở kiện toàn, củng cố Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu. Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu được thành lập từ năm 2011, gần 10 năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Qua 10 năm, thủy sản Bạc Liêu đã có bước phát triển nhảy vọt cả về diện tích, năng suất và sản lượng; ngành Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu trong nền kinh tế của tỉnh, từng bước xây dựng tiền đề đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 1,66 lần, từ 241 nghìn tấn (năm 2010) tăng lên 400 nghìn tấn (năm 2020); trong đó, sản lượng tôm tăng 2,41 lần, từ 83 nghìn tấn (năm 2010) tăng lên 200 nghìn tấn (năm 2020). Về mô hình nuôi cũng có sự chuyển đổi tích cực theo hướng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả trên đơn vị sản xuất: Nuôi tôm siêu thâm canh bắt đầu từ năm 2015 với diện tích 76 ha tăng lên 2.250 ha năm 2020 (tăng gần 30 lần), diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh từ 10.770 ha năm 2010 tăng lên 23.550 ha năm 2020 (tăng 2,19 lần), diện tích sản xuất kết hợp tôm với nhiều loài thủy sản khác từ 114.997 ha năm 2010 tăng lên 116.618 ha năm 2020 (tăng 1,01 lần).

Tổ chức liên kết sản xuất trong nuôi trồng thủy sản theo chuỗi an toàn thực phẩm bắt đầu từ năm 2016-2020, có 05 doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản ký kết hợp tác, liên kết với nông dân thực hiện nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (theo tiêu chuẩn ASC, Global Gap/ASC). Mô hình tôm - rừng (đã được công nhận tiêu chuẩn Organic) với diện tích gần 7.087 lượt ha và bao tiêu 5.522 tấn tôm của nông dân. Sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm tiếp tục được xác định là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Về công tác tuyên truyền, vận động: Đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu và công ty thuốc, thức ăn thủy sản tổ chức hội thảo, hội thảo đầu bờ và tập huấn cho hội viên và nông dân với tổng số 57 cuộc có trên 3.800 người tham dự; phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức thành công Triển lãm công nghệ ngành Tôm Việt Nam (Vietshrimp) vào năm 2016 và 2018. Vận động hội viên, công ty và doanh nghiệp thả ra biển 22 triệu con tôm sú giống và 60 nghìn con cá nước ngọt ở nội địa để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Một số quy định trong Điều lệ của Hiệp hội

Theo Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 05/6/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu là một Tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hiệp hội, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 10/10/2020, Điều lệ của Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu lần thứ I (nhiệm kỳ 2020-2025) đã được nhất trí thông qua. Theo đó, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu (tên tiếng Anh: Bac Lieu Association of Shrimp) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong các lĩnh vực ngành tôm và ngành thủy sản khác trên địa bàn tỉnh tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội đuợc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trụ sở của Hiệp hội đặt tại khu các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu (số 457, đường 23/8, Phường 8, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Hiệp hội hoạt động trên phạm vi tỉnh Bạc Liêu, trong lĩnh vực ngành tôm và ngành thủy sản khác. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, các Sở, Ban, Ngành có liên quan theo quy định của pháp luật. Hiệp hội tổ chức,  hoạt động trên nguyên tắc “Tự nguyện, tự quản. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Không vì mục đích lợi nhuận. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu”.

Theo Điều lệ Hiệp hội, Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 05 năm một lần; Đại hội bất thường sẽ được triệu tập khi ít nhất có 2/3 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị. Đại hội nhiệm kỳ/ Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được tổ chức khi có trên 1/2 số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 số đại biểu chính thức có mặt.

Hội viên của Hiệp hội gồm: Hội viên chính thức, Hội viên liên kết và Hội viên danh dự. Trong đó: Hội viên chính thức là các tổ chức Việt Nam/công dân Việt Nam (từ đủ 18 tuổi trở lên) hoạt động trong các lĩnh vực ngành tôm và ngành thủy sản khác, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; Hội viên liên kết là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, có đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội; Hội viên danh dự là công dân, tổ chức Việt Nam không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội, tán thành điều lệ Hiệp hội, tự nguyện xin vào Hiệp hội, được Hiệp hội công nhận là Hội viên.

Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025

Tại Đại hội, ông Tạ Hoàng Nhiệm (Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020-2025) đã trình bày Phương hướng, nhiệm vụ hoạt động chủ yếu của Hiệp hội nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, Hiệp hội sẽ tập trung kiện toàn bộ máy và tổ chức hoạt động; Triển khai công tác đối ngoại, liên kết hợp tác; Quảng bá, giới thiệu thông tin của Hiệp hội (trên các báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Hội Nghề cá Việt Nam...); Là đầu mối phối hợp với các Cơ quan Quản lý nhà nước thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển bền vững theo tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tham gia với các Cơ quan Quản lý nhà nước trong việc phát triển thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu đến năm 2025 đạt được các chỉ tiêu kế hoạch: Tổng sản lượng thủy sản 550 nghìn tấn (trong đó, tôm 280 nghìn tấn, cá và thủy sản khác 270 nghìn tấn); Sản lượng nuôi trồng thủy sản 420 nghìn tấn (tôm 269 nghìn tấn, cá và thủy sản khác 151 nghìn tấn); Sản lượng thủy sản khai thác 130 nghìn tấn (tôm 11 nghìn tấn, cá và thủy sản khác 119 nghìn tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản 151,66 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 4 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 31,9 nghìn ha. Đặc biệt, xây dựng hoàn thành Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu là hạt nhân để thực hiện thành công Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Thực hiện tuyên truyền, vận động Hội viên và người dân phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh; Từng bước xây dựng, phát triển thành Trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, uy tín; Vận động Hội viên và nông dân tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành Tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn; Khuyến cáo nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín; Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Tại đại hội, các mục tiêu cụ thể 2020-2025 cũng đã được Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên và các hộ nuôi tôm đăng ký, sử dụng Nhật ký nuôi tôm điện tử (để tôm Bạc Liêu khi bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm); Phối hợp với chính quyền, đoàn thể, vận động hội viên và các hộ nuôi tôm tham gia Tổ hợp tác/Hợp tác xã; Tuyên truyền, vận động các Hợp tác xã nuôi tôm xây dựng tiêu chuẩn châu Âu (ASC); Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường vận động, nỗ lực phấn đấu để đến cuối nhiệm kỳ 2025 xây dựng thành công thương hiệu “Tôm Bạc Liêu” trở thành thương hiệu Tôm quốc gia.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc