Bà Rịa – Vũng Tàu: Một số kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp (2017-2020) trong lĩnh vực thủy sản (25-09-2020)

Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-BNN-KH ngày 19/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 2929/QĐ-UBND ngày 26/10/2016); Sau 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp (2017-2020) trong lĩnh vực thủy sản đạt được một số kết quả nổi bật như:
Bà Rịa – Vũng Tàu: Một số kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp (2017-2020) trong lĩnh vực thủy sản
Tàu cá đóng mới bằng vật liệu theo NĐ 67/2014/NĐ-CP

Lĩnh vực khai thác thủy sản:

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khai thác thủy sản giai đoạn 2017-2020 đạt 4,04%/năm. Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm 2020 đạt 352.000 tấn, tăng bình quân tăng 2,9%/năm (tăng 1,12 lần so năm 2016). Trong cơ cấu sản lượng hải sản khai thác, sản lượng hải sản từ đánh bắt xa bờ, có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu được nâng lên, giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp (cụ thể: Cá chiếm tỷ lệ77% tổng sản lượng khai thác, tôm chiếm 3%, ghẹ chiếm 3,93%, mực chiếm 12,78% và hải sản khác chiếm 3,29%).

Tổng số tàu cá của tỉnh có chiều hướng giảm xuống theo quy hoạch, cụ thể số tàu cá đến nay là 5.829 chiếc, tổng công suất 1.500.000cv, giảm 462 chiếc so với năm 2016. Trong khai thác đã chuyển mạnh sang ngư trường đánh bắt xa bờ, số tàu khai thác xa bờ hiện nay là 2.900 chiếc, chiếm 49,75% tổng số tàu cá, giảm những nghề khai thác gần bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản (cụ thể: Nghề lưới kéo giảm còn 1.564 chiếc, giảm 362 chiếc so với năm 2015), đội tàu dịch vụ hậu cần ngày càng tăng để đáp ứng như cầu kịp thời cho các tàu cá khai thác xa bờ, đến nay đã có 160 tàu hoạt động dịch vụ hậu cần, tăng 102 chiếc so với năm 2015. Ngành nghề khai thác đa dạng trên cơ sở tập quán truyền thống và đặc điểm ngư trường nguồn lợi, cải tiến ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả, tập trung là các nghề lưới vây, câu khơi, lưới rê… Trong khai thác xa bờ, bà con ngư dân đã ngày càng nhận thức được việc thành lập các tổ đoàn kết trong đánh bắt, bảo quản hải sản sau khai thác trên biển, đến nay đã thành lập 346 tổ đội đoàn kết khai thác trên biển với 2.453 tàu cá, 2.222 thành viên (trong đó, có 03 hợp tác xã với 22 xã viên, 63 tàu cá; 01 Nghiệp đoàn nghề cá cơm với 40 tàu cá, 42 thành viên).

Trong thời gian qua, ngành khai thác thủy sản tiếp tục được quan tâm, các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản xa bờ tiếp tục được triển khai có hiệu quả (đặc biệt là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018), kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Đóng mới hoàn thành 68 tàu (gồm: 09 tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép, 24 tàu khai thác vỏ thép, 08 tàu khai thác vỏ Composite và 27 tàu khai thác vỏ gỗ) và 01 tàu nâng cấp; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thuyền viên cho 3.347 lượt tàu cá 93,764 tỷ đồng; hỗ trợ duy tu sửa chữa 22 tàu cá vỏ thép 3,55 tỷ đồng; hỗ đào tạo thuyền viên 261 triệu đồng. Qua đó đã động viên ngư dân yên tâm bám biển, thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản, giải quyết một phần khó khăn, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế bà con ngư dân.

Đã thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, cấp giấy chứng nhận nguồn góc thủy sản khai thác, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Riêng từ năm 2018 đến nay, đã và đang tập trung thực hiện thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản:

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020 đạt 4,52%/năm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì qua các năm khoảng 6.800 ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt chiếm 26%; diện tích nuôi nước mặn, lợ chiếm 74%. Các đối tượng thủy sản nuôi trồng chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng (chiếm 54,9% tổng diện tích nuôi), cá nước ngọt và mặn lợ, các loại thủy đặc sản,… Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 19.000 tấn, tăng bình quân 4,73%/năm (tăng 1,20 lần so với năm 2016).

Nuôi trồng thủy sản lồng bè ƯDCNC trên sông Chà và, Long Sơn

Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, người dân ngày càng có ý thức cao trong việc sản xuất sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Nhiều mô hình nuôi ứng dụng theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Do đó, năng suất nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng cao (bình quân tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2 tấn/ha), riêng năng suất nuôi tôm công nghiệp đạt trung bình từ 6-8 tấn/ha, năng suất nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt tới 40 tấn/ha/vụ và có thể nuôi được 3-4 vụ/năm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở sản xuất tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao. Đi đôi với việc chú trọng phát triển ngành tôm của tỉnh, hiện nay đã và đang tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu trung tâm giống thủy sản tập trung diện tích 159,4ha tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ; Giá trị sản phẩm tính trên 01 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 ước đạt 213,95 triệu đồng, tăng 28,11 triệu đồng so với năm 2016.

 Lĩnh vực chế biến thủy sản:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 361 cơ sở chế biến thủy sản (Vũng Tàu có 54 cơ sở, Bà Rịa có 03 cơ sở, Phú Mỹ có 20 cơ sở, Long Điền có 182 cơ sở, Đất Đỏ có 60 cơ sở và Xuyên Mộc có 39 cơ sở) với tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 231.000 tấn thành phẩm/năm, trong đó có 35 cơ sở đạt các tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2008, Code,… có khoảng 56 cơ sở xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Braxin, Nga,… Các mặt hàng chế biến chủ yếu như cá fillet, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ đông lạnh, thủy sản khô, seafood mix (từ mực, bạch tuộc, tôm),… Kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt khoảng 350 triệu USD/năm, hiện đứng thứ 3 trên tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh. Đã phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung công việc để di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm chế biến hải sản tập trung tại xã Lộc An huyện Đất Đỏ và xã Bình Châu huyện Xuyên Mộc. Đồng thời, đã tiến hành khảo sát vị trí để đề xuất bố trí thêm 02 cụm chế biến hải sản tập trung tại thành phố Vũng Tàu và huyện Long Điền.

N.V.B

 

Ý kiến bạn đọc