Kết quả quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Sóc Trăng 9 tháng đầu năm 2020 (10-09-2020)

9 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực khai thác thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả từ lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Cùng với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của công chức và sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương.
Kết quả quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Sóc Trăng 9 tháng đầu năm 2020
Ảnh minh họa

Khai thác thủy sản

Về chứng nhận thủy sản xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm, Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 02/2018/BNNPTNT ngày 31/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu, lũy kế đã thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu được 249 giấy với tổng khối lượng là 3.919 tấn; Đồng thời, thông báo đến các công ty chứng nhận thủy sản khai thác tại tỉnh Sóc Trăng, thống nhất cách ghi số giấy phép khai thác thủy sản trong chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu việc phối hợp thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ước tổng sản lượng khai thác thủy sản quý III năm 2020 là 21.201 tấn; Trong đó: khai thác hải sản 19.028 tấn (tôm 1.608 tấn, cá 13.199 tấn, hải sản khác 4.221 tấn), khai thác nội địa 2.173 tấn. Lũy kế tổng sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 26.544 tấn; Trong đó: khai thác hải sản 24.154 tấn (tôm 1.930 tấn, cá 17.159 tấn, hải sản khác 5.065 tấn), khai thác nội địa 2.390 tấn.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tàu cá được kiểm tra lần đầu trong quý III là 05 tàu cá; kết quả 05 tàu cá đạt Loại B – đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Lũy kế đến nay đã cấp 40 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá.

Phát triển nguồn lợi thủy sản

Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, xã Mỹ Tú, xã Mỹ Phước huyện Mỹ Tú. Kết quả đã thả trên 13.000 cua giống và trên 48.000 cá đồng giống về tự nhiên. Và đề xuất với Tổng cục Thủy sản về khu vực thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Sóc Trăng; tham mưu Tổng cục Thủy sản thực hiện công văn về cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam.

Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá

Tổng số tàu thuyền trong tỉnh Sóc Trăng hiện nay là 1.216 tàu với tổng công suất 204.630 CV; trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 366 tàu. Trong Quý III-2020, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã hoàn thành xử lý 34 hồ sơ tàu cá, ban hành 05 thông báo hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết về thủ tục hành chính, tham mưu 03 văn bản chấp thuận về cải hoán, mua tàu cá. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương, Biên phòng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu để xem xét, rà soát hồ sơ 02 tàu cá xin chuyển đổi nghề; Tiếp tục rà soát tàu cá hoạt động ven bờ và vùng lộng, kết quả là: có 90 tàu cá nghỉ hoạt động, 118 tàu cá đang hoạt động.

Về cơ sở đăng kiểm tàu cá, đã tham mưu lãnh đạo ký hợp đồng mua sắm trang thiết bị đăng kiểm phục vụ công tác công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; dự thảo Quyết định thành lập Tổ tham mưu mua sắm trang thiết bị; Phối hợp các cán bộ đã cử tập huấn đăng kiểm viên tại Hà Nội cung cấp hồ sơ cá nhân, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Đăng kiểm viên và liên hệ phối hợp Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Quốc gia để trình hồ sơ; gửi hồ sơ bổ nhiệm Đăng kiểm viên và hồ sơ xin công nhận Cơ sở đăng kiểm gửi về Tổng cục Thủy sản. Đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá, đã liên lạc với chủ cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền Long Ánh về việc hỗ trợ thực hiện thủ tục công nhận cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá.

Tham mưu dự thảo báo cáo về hoàn thiện số liệu tàu cá trên Vnfishbase, thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho tàu cá và vận hành hệ thống giám sát tàu cá tại tỉnh Sóc Trăng trình lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét; Tham mưu phát hành văn bản gửi đến các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, xin cấp lại tài khoản để theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển; Tham mưu Dự thảo sửa đổi 02 quy trình ISO tàu cá về quy trình kiểm tra, cấp Giấy Chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và quy trình thẩm định, cấp Giấy Chứng nhận thẩm định thiết kế tàu cá trình lãnh đạo xem xét.

Đồng thời, tham mưu Sở về báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ gửi về UBND tỉnh Sóc Trăng; Tham mưu phát hành văn bản xóa dữ liệu tàu cá hết hạn cấp phép khai thác thủy sản theo danh sách rà soát tàu cá tại huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung (106 phương tiện). Thực hiện báo cáo về việc thông báo hoạt động khảo sát thu nổ địa chấn 3D lô16-2 ngoài khơi biển Việt Nam và tờ rơi cảnh báo hàng hải cho Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Đề, UBND thị trấn Trần Đề, UBND xã Trung Bình, Đồn Biên Phòng Trung Bình.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã phổ biến nội dung cuộc họp Tổ Chuyên viên Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến 02 chủ tàu xin tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP; Tham quan và làm việc với các cơ sở đóng tàu vật liệu Composite tại tỉnh Khánh Hòa (theo chỉ đạo của Tổ Chuyên viên thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP), 02 cơ sở chuyên đóng tàu composite, đã đóng 57 tàu trong diện chính sách Nghị định 67 và Nghị định 17 cho các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, với các nghề Lưới rê, Lưới vây và hậu cần. Bên cạnh đó, liên hệ chủ đầu tư theo dõi tiến độ hợp đồng với cơ sở đóng tàu tại Nha Trang (thực hiện theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP); Cung cấp hồ sơ, văn bản về hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thanh tra chuyên ngành

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Sóc Trăng đã thực hiện 04 Quyết định thành lập đoàn thanh tra, tổng số 04 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số lần thanh tra, kiểm tra 24 lần (16 lần cơ sở kinh doanh, 06 lần kiểm tra, tuần tra, giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, 0 vùng nuôi và 02 lần phối hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa). Số cơ sở/tàu cá kiểm tra là 105 cơ sở/tàu cá (38 cơ sở kinh doanh, 67 tàu cá, 0 cơ sở nuôi tôm/cá, 0 cơ sở đóng mới cải hoán sữa chữa tàu cá). Số quyết định xử phạt là 21 Quyết định xử phạt hành chính (trong đó: 05 Quyết định năm 2019 chưa nộp phạt), đạt 26,34% kế hoạch. Những hành vi vi phạm chủ yếu trong xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ yếu liên quan đến việc sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Tuyên truyên phổ biến giáo dục pháp luật

Đến nay, đã tổ chức 05 cuộc tuyên truyền Luật thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các chủ tàu trên địa bàn huyện Trần Đề.

Kiểm tra, kiểm soát tàu ra/vào Cảng

Tính đến ngày 09 tháng 8 năm 2020, đã kiểm tra 1.553 lượt tàu ra/vào cảng. Nhìn chung, khi tàu rời cảng, chủ tàu có cung cấp giấy tờ đầy đủ. Đối với việc ghi chép và nộp sổ nhật ký khai thác, các chủ tàu thực hiện còn chậm; Có khai báo, có ghi chép nhưng thông tin chưa đầy đủ.

Trong 9 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát ven bờ; Tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá và bến cá. Tuyên truyền cho các chủ tàu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); việc nộp nhật ký khai thác và cho chủ tàu thực hiện cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh thực hiện 08 cuộc tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng trên tuyến sông Hậu.

Đánh giá chung 9 tháng đầu năm

Tại Sóc Trăng, công tác an toàn thực phẩm trên tàu cá ngày được người dân quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh. 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển khai thác dài ngày; nhận thức của ngư dân có chuyển biến tích cực trong việc thực thi các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 (đặc biệt là các nội dung liên quan đến các khuyến nghị của Ủy ban Châu âu về cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác biển).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số tồn tại như sau: Thẻ vàng cảnh báo của EU về xuất khẩu thủy sản khai thác đã làm cho công tác quản lý truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (vì EU kiểm tra hồ sơ đối chiếu với cơ quan thẩm quyền Việt Nam đối với gần như 100% lô hàng xuất khẩu). Tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến phức tạp, vấn đề ngư trường diễn ra gay gắt, tình trạng vi phạm vùng khai thác của các tàu cá vẫn còn. Bên cạnh đó, lao động nghề cá ngày càng khan hiếm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trên biển (nhiều tàu cá phải nằm bờ do thiếu lao động đi biển).

Đồng thời, vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa nhận thức được việc chấp hành các quy định trong việc ghi nhật khai thác, báo cáo khai thác, dánh dấu tàu cá, lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá… cũng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý khai thác thủy sản. Nhìn chung, Sóc Trăng chưa phát huy tuyệt đối việc sử dụng các thiết bị vệ tinh gắn trên tàu cá để gửi về trạm bờ. Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động khai thác thủy sản ven bờ còn hạn chế nên ngư dân chưa quan tâm chấp hành tốt các quy định trong quản lý tàu cá; hiện vẫn còn nhiều tàu cá nhỏ quá hạn đăng kiểm đang hoạt động khai thác do một số địa bàn bãi ngang, công tác kiểm tra kiểm soát hạn chế. Việc triển khai một số quy định mới còn chậm và khó khăn (như việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ).

Đa số chủ tàu và thuyền trưởng trình độ còn hạn chế nên việc tiếp thu các quy định về ghi, nộp nhật ký khai thác hoặc nắm bắt các thông tin tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Vẫn còn vài trường hợp tàu xuất bến và cập bến không qua khai báo với Văn phòng kiểm soát tại cảng (nhất là các chủ tàu cá lớn). Đặc thù địa lý tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều cửa sông, kênh, rạch thông từ đất liền ra biển. Tuy nhiên chỉ khoảng 1/3 lượng tàu toàn tỉnh (chủ yếu là đội tàu khai thác xa bờ có công suất trên 90cv) cập cảng, lên cá tại Cảng Trần Đề được quản lý và giám sát khối lượng thủy sản. Đội tàu còn lại thường có công suất nhỏ nên ngư dân thường đánh bắt trong ngày, không khai báo nên rất khó kiểm soát theo qui định. Một số hộ dân vẫn còn sử dụng sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, chưa ghi chép, chưa ghi sổ nhật ký.

Giải pháp cho Quý IV/2020

Đối với công tác quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, sẽ tổ chức thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số vùng nội đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Tổ chức rà soát và vận động người dân cam kết không vi phạm nghề cấm trong hoạt động thủy sản; Tiếp tục tổ chức thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu; Tiếp tục tổ chức thực kiểm tra điều kiện và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; Thực hiện công tác thống kê sản lượng khai thác.

Về quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá, thực hiện tiếp nhận, kiểm tra và hoàn chỉnh và chuyển hồ sơ xử lý về Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; Chuẩn bị triển khai tập huấn Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho ngư dân 03 huyện ven biển; Phối hợp với địa phương tổ chức cuộc họp giữa các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình và ngư dân có tàu thường xuyên mất kết nối để tìm giải pháp khắc phục sự cố; Phối hợp địa phương và các Đồn Biên phòng vận động người dân gia hạn giấy phép khai thác đã hết hạn đối với khối tàu hoạt động ven bờ.
 

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển; Tổ chức tuyên truyền các quy định mới của Luật Thủy sản 2017; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; Nghiên cứu, cập nhật các thông tin chuyên ngành thủy sản để phát triển hoạt động khai thác xa bờ, thúc đẩy nghề cá theo hướng hiện đại; Thực hiện tốt các quy định không phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo; Vận động, tuyên truyền chống đánh bắt bất hợp pháp; Thực hiện tốt lộ trình tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định Luật thủy sản 2017.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngư dân; Thông báo, vận động ngư dân sơn đánh dấu tàu, lắp thiết bị giám sát hành trình và gia hạn lại giấy phép khai thác thủy sản; Duy trì hoạt động trạm bờ nhằm hỗ trợ cho ngư dân gửi tín hiệu vị trí hoạt động của tàu. Đồng thời, phối hợp với công ty cung cấp thiết bị nâng cấp thiết bị VX1700 tự động gửi tín hiệu; Tập huấn, tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển; Hướng dẫn các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá lập thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định mới của Nghị định 26/2019/NĐCP.

Phối hợp với các huyện/ thị tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát trên biển và các tuyến sông; Tiếp tục tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại cảng cá và bến cá, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Đặc biệt là, phân công Cán bộ trực Tổ IUU tại Cảng cá Trần Đề nhằm ngăn chặn mọi hành vi vi phạm về IUU.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc