Một số quy định mới về Kinh tế trang trại (20-03-2020)

Ngày 28 tháng 02 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT quy định Tiêu chí Kinh tế trang trại. Theo đó, Tiêu chí Kinh tế trang trại quy định tại Thông tư này sẽ là căn cứ để xác định đối tượng hưởng các Chính sách của Nhà nước áp dụng cho Kinh tế trang trại.
Một số quy định mới về Kinh tế trang trại
Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng là (1) Cá nhân/chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) đáp ứng các Tiêu chí Kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư này; và (2) Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT đã phân chia trang trại thành những loại sau: (1) “Trang trại chuyên ngành” được xác định theo lĩnh vực sản xuất (như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. “Trang trại chuyên ngành” được phân loại thành: Trang trại nuôi trồng thủy sản; Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại sản xuất muối. (2) “Trang trại tổng hợp” là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.

Tiêu chí và Chế độ báo cáo về Kinh tế trang trại

Liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Tiêu chí Kinh tế trang trại đối với “Trang trại chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản” như sau: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên. Đối với “Trang trại tổng hợp” được quy định về Tiêu chí Kinh tế trang trại như sau: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Cách tính “Tổng diện tích đất sản xuất”: Tổng diện tích đất sản xuất quy định tại Thông tư này là tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai (bao gồm: diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai).

Cách tính “Giá trị sản xuất của trang trại”: Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm. Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

Liên quan đến các chế độ Theo dõi/ Thống kê/ Báo cáo về Kinh tế trang trại, Thông tư đã quy định:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Hướng dẫn, phổ biến Tiêu chí Kinh tế trang trại cho cá nhân/chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp trên địa bàn cấp xã; Triển khai theo dõi, thống kê, cập nhật các biến động về chủ trang trại, diện tích đất sản xuất, loại trang trại; Lập sổ theo dõi phát triển Kinh tế trang trại trên địa bàn theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư.

Chế độ báo cáo về Kinh tế trang trại: Thực hiện theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư. Cụ thể là: Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo về Kinh tế trang trại trên địa bàn xã trong năm gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trước ngày 19 tháng 12 hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo về Kinh tế trang trại trong năm trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phương thức gửi, nhận báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 12 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước.

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2020 và thay thế Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về Tiêu chí và Thủ tục cấp giấy chứng nhận Kinh tế trang trại. Giấy chứng nhận Kinh tế trang trại được cấp theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2020.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc