Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh (31-10-2019)

Ngày 27/10/2019, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tham dự có các chuyên gia, thành viên hội đồng phản biện, đơn vị tư vấn, cơ quan chủ trì xây dựng đề án và các sở, ngành liên quan. Đơn vị tư vấn của Dự án là Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp&PTNN).
Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp đơn vị xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện Đề án.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNN) đã trình bày tóm tắt về Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án sẽ nâng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2025 đạt 8.400 tỷ đồng với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 152.000 tấn, tăng 1.62 lần so với hiện nay, chiếm 60-65% cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đồng thời, phấn đấu giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 343 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 56.800 lao động với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này đạt 147 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu tương tự cho năm 2030 là giá trị sản xuất thủy sản đạt 11.250 tỷ đồng, tăng 2,17 lần so với hiện nay; tổng sản lượng thủy sản đạt 177.000 tấn; giá trị xuất khẩu đạt 571 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 54.000 lao động với thu nhập khoảng 208 triệu đồng/người/năm… Đề án cũng đề ra định hướng và nhiệm vụ cụ thể đối với phát triển các ngành nuôi trồng, sản xuất, khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Đại diện chuyên gia, thành viên Hội đồng phản biện cho ý kiến góp ý vào Đề án một số nội dung như: đề nghị đơn vị tư vấn, cơ quan soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: chỉ tiêu phát triển; nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn; vấn đề quy hoạch các vùng nuôi; gắn phát triển ngành thủy sản với du lịch, dịch vụ; giải pháp về nhân lực, khoa học công nghệ và bổ sung số liệu, bảng biểu…

Hiện nay, Quảng Ninh đang tập trung phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 27/3/2019 với các nội dung cụ thể như: Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dựa trên phát huy và khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh biển Quảng Ninh; phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ..

Cụ thể, Quảng Ninh tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: tăng cường quản lý tổng hợp, liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ được đặt ra là phát triển kinh tế biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển; gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc