Thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ tuân theo xu hướng mùa vụ (20-11-2024)

Theo báo cáo mới nhất của FAO tại Tạp chí “Globefish Highlights số 3 năm 2024 về thị trường thủy sản thế giới”, nhu cầu nhuyễn thể hai mảnh vỏ không khả quan trong những tháng đầu năm.
Thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ tuân theo xu hướng mùa vụ
Ảnh minh họa

Đầu năm thường là thời kỳ tiêu thụ chậm đối với các loài nhuyễn thể. Sau đợt tiêu thụ mạnh vào dịp lễ hội cuối năm, toàn bộ thị trường sẽ hoạt động chậm lại, đặc biệt là đối với thương mại Hàu. Do đó, nhu cầu được đánh giá là rất kém trong quý đầu tiên của năm 2024 và giá không tăng nhiều như mong đợi. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hè ở châu Âu, giá và nhu cầu về hải sản tăng mạnh; thậm chí đã tăng ở mức độ lớn hơn nhiều so với những năm trước.

Nhập khẩu Vẹm toàn cầu giảm 18%. Nhập khẩu Vẹm trong quý đầu tiên của năm 2024 phản ánh tổng sản lượng hạn chế của giai đoạn này. Tổng lượng nhập khẩu là 60.450 tấn, ít hơn gần 13.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Pháp và Ý là những nước nhập khẩu chính, tiếp theo là Hoa Kỳ, mặc dù cả ba nước đều báo cáo lượng nhập khẩu giảm trong giai đoạn được đánh giá. Ngược lại, Tây Ban Nha, quốc gia nhập khẩu lớn thứ tư, báo cáo lượng nhập khẩu Vẹm cao hơn, chủ yếu phục vụ ngành đóng hộp. Với Chile là nước xuất khẩu Vẹm chính trên thế giới thì xuất khẩu cũng giảm trong quý 1 năm 2024, nhưng ở mức độ thấp hơn. Vương quốc Hà Lan vẫn tiếp tục xu hướng tích cực (kể từ năm 2021): khoảng 10.000 tấn đã được bán ra nước ngoài trong quý đầu tiên của năm 2024, nhiều hơn 2.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với bất kỳ ai có câu hỏi về mùa lý tưởng để ăn Vẹm, ý kiến ​​chung ở Pháp là Vẹm ngon nhất vào những tháng có chữ "r" (theo tiếng Pháp) gồm: tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Tuy nhiên, những người tiêu dùng khác lại khẳng định rằng Vẹm chỉ được ăn vào những tháng có chữ "ber", tức là: tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Trên thực tế thì tháng nào cũng thích hợp để ăn Vẹm; và ở Pháp, người ta có thể ăn Vẹm quanh năm, nhất là với hệ thống làm lạnh hiện đại như ngày nay. Thông thường thì Vẹm xanh ngon nhất từ ​​tháng 4 đến tháng 8 trong khi mùa thích hợp nhất để thưởng thức Vẹm Bouchot là từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. 

Vẹm Bouchot là một món ngon nổi tiếng với phần thịt ngọt, mọng nước và hương vị biển đậm đà. Vẹm Bouchot Morisseau được nuôi gần vịnh Mont-SaintMichel ở Pháp. Quá trình nuôi cấy vẹm này rất độc đáo ở vùng nước nông ven biển và được bảo quản thủ công trong nhiều tháng. Sự khác biệt chính giữa Vẹm Bouchot Morisseau và Vẹm Bouchot Normandy nằm ở chất lượng nước, theo đó Vẹm Bouchot Morisseau mềm hơn và ngọt hơn, có vị mặn độc đáo phản ánh hương vị của biển. Giá của Vẹm Bouchot là 6,20 EUR/kg, tăng khoảng 3% so với mức giá năm ngoái. Những con vẹm này đạt độ chín vào tháng 10/tháng 11 và đặc biệt lý tưởng nhất là có thể thưởng thức liên tục đến đầu tháng 4 năm sau. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản này cũng có sẵn trên kệ của các siêu thị cho tới tận tháng 7. Vào thời điểm này, Vẹm Bouchot rất nhiều thịt và cũng rất sẵn trên thị trường.

Hàu được nuôi ở Trung Quốc cho sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn mỗi năm (chiếm 80% sản lượng thế giới) và nói chung thì ở Châu Á có Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước sản xuất Hàu hàng đầu. Thông thường Quý đầu tiên của năm không phải là thời điểm tiêu thụ và giao dịch chính của Hàu; do đó, giao dịch Hàu chỉ ổn định ở mức 15.000 tấn, nhìn chung không thay đổi so với cùng kỳ năm 2023.

Pháp là nước sản xuất và giao dịch chính của mặt hàng Hàu tại thị trường Châu Âu với khoảng 80.000 tấn mỗi năm. Hàu chiếm tới 50% sản lượng nhuyễn thể nuôi tại Pháp. Trên thực tế, Pháp nhập khẩu rất ít Hàu (chủ yếu từ Ireland) và cũng xuất khẩu khối lượng tương đối nhỏ (chủ yếu sang Ý). Với doanh thu khoảng 1,6 tỷ euro, ngành nuôi nhuyễn thể ở Pháp sử dụng khoảng 20.000 lao động (trong đó, 10.500 người làm việc toàn thời gian và số còn lại là công nhân thời vụ) hoạt động tại 4.000 trang trại trên diện tích hơn 14.000 ha.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực tự động hóa nhưng hầu hết công việc vẫn do người nông dân nuôi Hàu và các nhân viên khác thực hiện thủ công. Chi phí nuôi Hàu tùy thuộc trang trại ước tính vào khoảng 2,3 đến 4,8 EUR/kg so với giá bán từ 2,5 đến 5,3 EUR/kg cho thấy biên lợi nhuận rất eo hẹp. Giá Hàu dao động mạnh trong năm, cao nhất là tháng 12 khi có tới hai phần ba tổng sản lượng được bán ra. Người tiêu dùng Pháp mua Hàu chủ yếu ở các siêu thị và chợ truyền thống.  

Nghề nuôi Hàu ở Pháp bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19. Hàu thuần chủng của Pháp có thân dẹt nhưng hiện nay sản lượng chỉ chiếm 2%. Giữa thế kỷ 19, một loài Hàu của Bồ Đào Nha đã lần đầu xuất hiện tại Pháp (do đắm tàu) và gần như biến mất sau một đợt bùng phát dịch bệnh vào những năm 1970. Hiện nay, phần lớn các giống Hàu nuôi tại Pháp được nhập khẩu từ Nhật Bản và Canada. Nhờ có những giống này mà thị trường Pháp có thể tiêu thụ Hàu trong cả những tháng không có chữ "r", chỉ cần đảm bảo điều kiện tuân thủ chuỗi lạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động nhân giống Hàu còn phải chịu nhiều mối nguy hiểm khác như dịch bệnh, ô nhiễm, axit hóa đại dương và thiên tai địch hại (phải đối phó với các loài săn mồi trong tự nhiên như chim, cua, cá đuối, sao biển và vẹm). Nhiều loại chất ô nhiễm hóa học cũng có thể ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng Hàu, loài thủy sản hết sức nhạy cảm với nhiệt độ nước tăng và axit hóa đại dương (do carbon dioxide). Ví dụ như: Vào mùa hè nóng nực năm 2018, tỷ lệ tử vong của Hàu ở đầm Thau (Thau lagoon) lên tới 60% do thiếu oxy trong nước, buộc người dân phải sáng chế ra các thiết bị để nhấc Hàu lên khỏi mặt nước vào ban đêm, giúp chúng thở.

Xuất khẩu Sò điệp trên thị trường thủy sản thế giới giảm 6,5%. Theo thống kê của FAO, trong quý đầu tiên của năm 2024, thương mại Sò điệp toàn cầu chủ yếu thuộc về các nhà sản xuất châu Á. Khoảng 35.700 tấn Sò điệp đã được đưa vào thương mại quốc tế, giảm 2.500 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc là 10.000 tấn, nhiều hơn 900 tấn so với năm 2023. Trái lại, Nhật Bản đã xuất khẩu 11.700 tấn, và đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất. Cùng với hoạt động xuất khẩu giảm thì hoạt động nhập khẩu Sò điệp trên thị trường thế giới nhìn chung cũng giảm. Tuy nhiên, đối với Hoa Kỳ là điểm đến lớn nhất, đã báo cáo mức tăng trưởng nhập khẩu 8%. Hàn Quốc và Tây Ban Nha là những nhà nhập khẩu Sò điệp lớn thứ hai và thứ ba.

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu Ngao lớn nhất trên thế giới, chiếm một nửa tổng khối lượng xuất khẩu. Trong quý đầu tiên của năm 2024, khoảng 35.000 tấn Ngao đã được Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới, tăng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước nhập khẩu Ngao chính, với lượng nhập khẩu đang dần dần phục hồi từ mức thấp đã được báo cáo vào năm ngoái.

Về triển vọng, giá nhuyễn thể hai mảnh vỏ dự kiến ​​sẽ tăng ở tất cả các thị trường chính, do nhu cầu cao và sản lượng giảm. Nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguồn cung có khả năng tiếp tục giảm trong năm 2024, đặc biệt là ở Ý. Sau thời kỳ tiêu thụ mạnh vào mùa hè, năm nay, thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ được dự đoán là ​​vẫn tuân theo xu hướng thông thường – tiêu thụ chậm vào mùa thu và tăng mạnh trở lại vào dịp cuối năm, nhất là đối với mặt hàng Hàu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc