Thị trường cá nổi nhỏ: Hạn ngạch cá thu và cá trích giảm (23-05-2023)

Hội đồng Quốc tế về Khám phá Biển (ICES) đã đề xuất cắt giảm hạn ngạch 2023 đối với cả cá thu Bắc Đại Tây Dương và cá trích Atlanto-Scandian. Do đó, nguồn cung có thể được thắt chặt hơn trong thời gian tới. Giá tăng và dự kiến ​​sẽ giữ nguyên ở mức cao như vậy trong một thời gian. Đồng thời, cá thu Bắc Đại Tây Dương có thể gặp phải sự cạnh tranh của cá thu của Peru.
Thị trường cá nổi nhỏ: Hạn ngạch cá thu và cá trích giảm
Ảnh minh họa

Hạn ngạch và nguồn cung

Hội đồng Quốc tế về Khám phá Biển (the International Council for the Exploration of the Sea - ICES) mới đưa khuyến cáo đối với các loài cá nổi ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Đối với cá thu, ICES đề xuất giảm 2% hạn ngạch. Tuy nhiên, nếu mức đánh bắt không vượt quá 782.066 tấn, điều này có nghĩa là sản lượng khai thác năm 2023 sẽ giảm hơn 30% so với sản lượng khai thác năm 2022.

ICES cũng khuyến cáo năm 2023 nên giảm lượng đánh bắt cá trích Na Uy (Norwegian spring-spawning herring - NSS). Cụ thể, sản lượng đánh bắt không nên vượt quá 511.171 tấn; tức là giảm 15% so với khuyến nghị đã được đưa ra trước đó (từ năm 2022) nhưng giảm tới 38% so với lượng cập cảng ước tính cả năm 2022. Tuy nhiên, vào tháng 11/2022 đã có báo cáo về hoạt động đánh bắt cá rất tốt ở Na Uy, vì vậy nguồn cung tăng.

Cá thu

Câu cá thu Na Uy vào tháng 9 đặc biệt tốt. Chỉ trong một tuần của tháng 9 (từ 19 – 25 tháng 9 năm 2022), trên 63.600 tấn được cập cảng, lập kỷ lục mới mọi thời đại. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến trên bờ không đủ năng lực xử lý lượng cá này (mặc dù đã tăng công suốt hoạt động lên gấp đôi).

Cá thu (Trachurus murphyi) ngoài khơi phía Nam của Nam Mỹ đã bị đánh bắt quá mức, đặc biệt nghiêm trọng vào đầu thiên niên kỷ này. Nhưng một kế hoạch phục hồi đang được triển khai bởi Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực Nam Thái Bình Dương (the South Pacific Regional Fisheries Management Organization - SPRFMO) nhằm phục hồi sinh khối, dẫn đến hạn ngạch được tăng lên. Tổng hạn ngạch đối với cá thu trong khu vực này được ấn định là 460.000 tấn vào năm 2015 nhưng đã tăng gần gấp đôi lên 900.000 tấn vào năm 2022. Điều này cho phép Chile tăng sản lượng khai thác cá thu Trachurus murphyi từ 217.000 tấn năm 2015 lên 581.000 tấn năm 2022.

Nguồn cung cá thu ở khu vực Nam Thái Bình Dương ngày càng tăng khiến một số nhà nhập khẩu ở Liên minh Châu Âu chuyển sang loài cá này như một sự thay thế cho cá thu Bắc Đại Tây Dương. Cá thu Jack mackerel có giá thấp hơn so với cá thu Bắc Đại Tây Dương, do đó có thể là đối thủ cạnh tranh mạnh. Loài này cũng đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường nội địa Chile.

Giá cá thu đã tăng đáng kể. Từ đầu năm đến nay, giá thu mua cá của ngư dân Na Uy đã tăng khoảng 30%, từ 10,20 NOK (1,00 USD)/kg vào năm 2021 lên 13,20 NOK (1,30 USD)/kg vào năm 2022. Tổng hạn ngạch cá thu Na Uy năm 2022 là 284.539 tấn. Gần đây, các nhà xuất khẩu Na Uy đã xuất khẩu cá thu tươi theo đường hàng không đến thị trường Nhật Bản, cùng với cá thu đông lạnh được xuất khẩu trong nhiều năm qua. Đến cuối tháng 9 năm 2022, ước tính có khoảng 146.000 tấn cá thu đã được xuất khẩu từ Na Uy sang Nhật Bản.

Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 18,5% tổng khối lượng), Hàn Quốc (16,4%) và Liên minh châu Âu (11,7%).

Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2021 so với năm 2020 nhưng phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm 2022. Nhập khẩu tăng từ 36.660 tấn năm 2021 lên 39.239 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Nhà cung cấp lớn nhất, Na Uy, giảm 22,9% về khối lượng, trong khi cả Ireland và Quần đảo Faroe đều ghi nhận mức tăng đáng kể.

Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Hàn Quốc giảm nhẹ trong 8 tháng đầu năm 2022 so với năm trước. Tổng cộng 37.323 tấn đã được nhập khẩu. Trong số này, 86,2% (tương đương với 32.171 tấn) đến từ Na Uy. Điều đặc biệt là, cá thu đông lạnh mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Na Uy cũng có giá cao nhất, trung bình 2,48 USD/kg, trong khi cá thu đông lạnh từ Liên bang Nga chỉ được trả 0,89 USD/kg.

Cá trích

Nhập khẩu cá trích Thái Bình Dương đông lạnh của Hàn Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Hàn Quốc đã nhập khẩu 6.647 tấn cá trích Thái Bình Dương đông lạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2022 nhập khẩu tăng vọt lên 20.558 tấn; trong đó, Liên bang Nga chiếm tới 97,5%.

Xuất khẩu cá trích đông lạnh của Nga tăng ấn tượng 65,8%, từ 50.154 tấn trong nửa đầu năm 2021 lên 83.265 tấn trong nửa đầu năm 2022. Xuất khẩu cá trích đông lạnh của Nga sang Trung Quốc giảm đột biến vào năm 2021 (từ 59.058 tấn trong nửa đầu năm 2020 xuống chỉ còn 1.218 tấn so với cùng kỳ năm 2021). Sau đó, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã phục hồi trở lại vào năm 2022. Trung Quốc chiếm 60% xuất khẩu cá trích đông lạnh của Nga trong nửa đầu năm 2022. Thị trường lớn thứ hai - Hàn Quốc - cũng đã phục hồi sau đà lao dốc vào năm 2021.

Trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cá trích của Na Uy đạt 142.155 tấn với giá trị FOB là 1,8 tỷ NOK (171 triệu USD). Đây là mức giảm 15% về lượng và chỉ giảm 3,6% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình tăng từ 11,11 NOK (1,06 USD)/kg vào năm 2021 lên 12,63 NOK (1,20 USD)/kg vào năm 2022.

Nhập khẩu cá trích chế biến/bảo quản của Đức tiếp tục giảm nhẹ và trong nửa đầu năm 2022 đạt 21.673 tấn, so với 22.691 tấn trong nửa đầu năm 2021. Tiêu thụ cá trích của Đức tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 nhưng giảm trở lại khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, hiện đã có những dấu hiệu cho thấy tiêu thụ cá trích có thể tăng trở lại, do giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh, khiến người tiêu dùng tìm kiếm các loài thủy sản có giá thấp hơn.

Cá trứng

Viện Nghiên cứu Thủy hải sản Iceland (Iceland’s Marine and Freshwater Research Institute - MFRI) đã khuyến nghị cắt giảm đáng kể hoạt động đánh bắt cá trứng (capelin) ở vùng biển Iceland cho mùa vụ 2022/2023. Đối với mùa vụ trước đó - 2021/2022, MFRI ban đầu đề xuất tổng sản lượng khai thác được phép (total allowable catch - TAC) là 400.000 tấn, nhưng sau đó đã điều chỉnh tăng 126% lên 904.000 tấn. Và trong giai đoạn sau giảm xuống còn 869.600 tấn.

Đối với niên vụ 2022/2023, MFRI cũng đề xuất TAC là 400.000 tấn. Nhưng một lần nữa, họ đã sửa đổi khuyến nghị này. Tuy nhiên, không giống mùa vụ trước điều chỉnh tăng; trong năm nay lại điều chỉnh giảm xuống còn 218.400 tấn.

Đối với cá trứng ở biển Barents, các nhà khoa học Nga và Na Uy đã đồng ý giảm nhẹ hạn ngạch khai thác cho năm 2023. Trữ lượng cá trứng đã tăng rất ít trong 12 tháng liên tục và do đó nhóm các nhà khoa học Nga và Na Uy đã đề nghị giảm TAC từ 70.000 tấn vào năm 2022 xuống còn 62.000 tấn vào năm 2023. Hạn ngạch này được phân chia giữa Liên bang Nga và Na Uy, với 40% cho Liên bang Nga (24.800 tấn) và Na Uy 60% (37.200 tấn). Liên bang Nga và Na Uy vẫn đang đối thoại tiếp về hạn ngạch khai thác cá trứng bất chấp xung đột giữa Nga và Ukraine.

Cá cơm và cá sardines

Ở vùng Viễn Đông của Nga, sản lượng đánh bắt cá Iwashi sardines cao hơn 10% so với sản lượng năm trước. Trong bảy tháng đầu năm 2022, lượng cá Iwashi sardines cập cảng ở Nga lên tới 45.600 tấn.

Ở Peru, vụ cá cơm đầu tiên đã kết thúc vào cuối tháng 7/2022 với tổng sản lượng cập cảng là 2,34 triệu tấn; chiếm 84% hạn ngạch (2,79 triệu tấn).

Dự báo

Nguồn cung cá thu có thể bị thắt chặt hơn trong năm tới nếu các khuyến nghị của Hội đồng Quốc tế về Khám phá Biển (ICES) được tuân thủ. Tuy nhiên, việc tăng nguồn cung cá thu từ Chile có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ở một số thị trường, chủ yếu là các quốc gia châu Âu.

Hạn ngạch cá trích ở Bắc Đại Tây Dương dự kiến cũng sẽ thấp hơn, vì vậy nguồn cung cá trích có thể sẽ thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các loài thủy sản rẻ tiền (trong đó có cá nổi nhỏ) dự kiến sẽ tăng do tình hình kinh tế khó khăn ở nhiều nước châu Âu, dẫn đến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao đột biến. Thậm chí, giá cá thu dự kiến sẽ cao hơn, trong khi giá cá trích dự kiến sẽ giữ nguyên.

Sẽ có ít cá trứng trên thị trường thế giới trong năm tới, vì cả Iceland, Na Uy và Liên bang Nga đều đồng loạt hạ hạn ngạch. Tuy nhiên, đa số sản lượng khai thác loài cá này được dùng trong hoạt động sản xuất bột cá nên dường như ít tác động đến thị trường thực phẩm thế giới.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc