Chứng nhận xã hội tại thị trường thủy sản châu Âu – Phần 2 (11-01-2023)

Nguồn gốc của các tiêu chuẩn chứng nhận xã hội (the origin of social certification standards) trên thế giới?
Chứng nhận xã hội tại thị trường thủy sản châu Âu – Phần 2
Ảnh minh họa

Sự phát triển và lớn mạnh của phong trào thương mại công bằng (fair trade) chủ yếu gắn liền với viện trợ phát triển (development aid) và hợp tác thương mại (solidarity trade) như giải pháp để đối phó với nghèo đói và thiên tai ở Nam bán cầu. Theo CBI, nguồn gốc của các tiêu chuẩn chứng nhận xã hội có thể bắt nguồn từ những năm 1940-1950 khi các cửa hàng và công ty thương mại công bằng (fair trade shops and companies) lần đầu tiên được thành lập ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong những năm 1960-1970, nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế bắt đầu ủng hộ các tổ chức tiếp thị công bằng (fair marketing organisations) hỗ trợ các nhà sản xuất gặp khó khăn ở Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á.

Mục tiêu là tạo ra sự công bằng lớn hơn trong thương mại quốc tế. Vào thời điểm này, các nước đang phát triển cũng đang tích cực phát biểu trên các diễn đàn chính trị quốc tế để truyền bá thông điệp “Thương mại không viện trợ” (Trade not Aid) nhằm nhấn mạnh quan hệ thương mại bình đẳng với Nam bán cầu. Những phát triển này đã dẫn đến việc thiết lập các nhãn và tiêu chuẩn đầu tiên vào những năm 1980.

Khi toàn cầu hóa diễn ra vào những năm 1990, các vấn đề xã hội được chú ý nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng chuỗi giá trị quốc tế trải dài khắp các châu lục cũng làm gia tăng bất bình đẳng xã hội (social inequality). Nhận thức của công chúng về những phát triển này đã tăng lên thông qua các phong trào công khai, chẳng hạn như chiến dịch chống lại Nike vì lạm dụng và bóc lột công nhân và các bộ phim tài liệu về lao động trẻ em trên các đồn điền ca cao.

Những năm 2000 đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của các tiêu chuẩn bền vững khi mối quan tâm của công chúng về biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội gia tăng. Trên phạm vi toàn cầu có Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (the Millennium Development Goals) và Nguyên tắc Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UN Global Compact Principles). Các tiêu chuẩn hiện được các công ty áp dụng rộng rãi hơn, ngoài ra còn có các tiêu chuẩn mới được thành lập, như UTZ (2002), Fair for Life (2006).

Trong những năm gần đây, các tiêu chuẩn môi trường và xã hội đang ngày một nhiều lên. Một ví dụ thể hiện rõ điều này là chương trình chứng nhận FiBL WeCare (the FiBL certification programme WeCare). Tiêu chuẩn này bao gồm các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một ví dụ khác là Naturland Fair, kết hợp nông nghiệp hữu cơ với trách nhiệm xã hội và các nguyên tắc thương mại công bằng.

Ban đầu, phong trào tập trung vào việc tiếp thị các sản phẩm thủ công và mở rộng sang các sản phẩm thực phẩm vào những năm 1970. Trong những thập kỷ gần đây, các tiêu chuẩn đã phát triển vượt bậc về phạm vi bao trùm của ngành nghề và chủ đề, từ trọng tâm ban đầu là nông nghiệp, lâm nghiệp và thương mại công bằng vào đầu những năm 1990 đến một loạt các vấn đề và lĩnh vực hoạt động ngày nay.

Lời khuyên CBI: Bạn hãy tham khảo trang web của ISEAL Alliance; tại đó cung cấp cái nhìn sâu sắc qua các nghiên cứu gần đây nhất về các tác động của chứng nhận xã hội và đánh giá các chứng nhận xã hội. Đồng thời, bạn có thể tham khảo trang web của UNFSS (the United Nations Forum on Sustainability Standards) - Diễn đàn Liên Hợp Quốc về Tiêu chuẩn Bền vững. Trang web này chứa nhiều thông tin, phân tích và thảo luận về các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững.

Xu hướng phát triển của các tiêu chuẩn chứng nhận xã hội

Kiểm toán tuân thủ xã hội (social compliance audits) và chứng nhận sản phẩm (product certification) là những nội dung hết sức quan trọng đối với người mua châu Âu, cũng như đối với các nhà xuất khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu của người mua châu Âu. Tầm quan trọng của chúng có thể sẽ tăng lên do luật thẩm định mới, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Theo thời gian, khi mối quan tâm về tính bền vững thay đổi, các tiêu chuẩn sẽ được áp dụng một cách linh hoạt, người mua có thể thực hiện hơn cả yêu cầu của tiêu chuẩn chứng nhận để đảm bảo thực hành giao dịch công bằng, đạo đức (ethical and fair trading practices).

Các sáng kiến bền vững cấp quốc gia và cấp ngành (national and sector-wide sustainability initiative) đã thúc đẩy sự phát triển của các loại chứng nhận xã hội. Do mối quan tâm về tính bền vững ngày càng tăng trên khắp châu Âu, ngày càng có nhiều sáng kiến nhằm tăng lợi nhuận cho nông nghiệp, cải thiện sinh kế và phúc lợi cũng như bảo tồn thiên nhiên. Có các sáng kiến ở cấp quốc gia (national levels) cũng như các sáng kiến toàn ngành trên toàn cầu (global sector-wide initiatives).

Điểm chung của tất cả các sáng kiến này là: cung cấp một nền tảng cơ bản cho các bên tham gia chuỗi cung ứng chia sẻ kinh nghiệm và tạo sự hiểu biết chung về các vấn đề bền vững. Tầm quan trọng của tính bền vững đối với các công ty hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào đều sẽ ngày càng tăng lên; đồng thời tăng cường, mở rộng trọng tâm của tính bền vững, bao gồm các vấn đề quan trọng như thu nhập sống.

Sáng kiến bền vững toàn ngành (sector-wide sustainability initiatives)

Dưới đây là một số ví dụ về các sáng kiến đa bên, toàn ngành (multi-stakeholder, sector-wide initiatives) giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu dễ hình dung hơn về loại sáng kiến bền vững này:

• Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (the Global Coffee Platform - GCP) là nơi tập hợp các nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến, bán lẻ, các tiêu chuẩn bền vững, chính phủ, các nhà tài trợ… cùng có tầm nhìn chung hướng tới một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững cho các thế hệ mai sau.

• Sáng kiến Gia vị Bền vững (the Sustainable Spice Initiative - SSI) nhằm chuyển đổi bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng trong tương lai và kích thích tăng trưởng kinh tế ở các nước sản xuất.

• Sáng kiến Quả hạch Bền vững (the Sustainable Nut Initiative - SNI) nhằm cải thiện tình hình ở các quốc gia sản xuất quả hạch, đồng thời hướng tới chuỗi cung ứng bền vững. Các thành viên của SNI bao gồm các nhà bán lẻ, doanh nghiệp và nhà chế biến quy mô lớn.

• Sáng kiến Bông tốt (the Better Cotton Initiative - BCI) nhằm giúp các cộng đồng trồng bông tồn tại, phát triển, đồng thời giúp bảo vệ và phục hồi môi trường. BCI xác định cách trồng bông tốt hơn, bền vững hơn, hỗ trợ nông dân thích ứng với các kỹ thuật tiên tiến. BCI hợp nhất toàn bộ các bên liên quan trong ngành, từ những người thu hoạch và kéo sợi đến chủ sở hữu thương hiệu, các tổ chức xã hội và chính phủ.

Tất cả những sáng kiến này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu chứng nhận bền vững toàn cầu. Chẳng hạn như: các thành viên của SSI cam kết phấn đấu vì một ngành sản xuất và kinh doanh gia vị “hoàn toàn bền vững”.

Ngành cà phê cũng là trường hợp tương tự. Trong một động thái nâng cao tính minh bạch của ngành, GCP đã công nhận 9 chương trình bền vững. Năm 2020, các nhà bán lẻ và rang xay cà phê lớn nhất thông báo rằng 48% cà phê tiêu thụ trên thị trường là sản phẩm bền vững (tăng từ 36% năm 2018).

Sáng kiến bền vững quốc gia (national sustainability initiatives)

Một số ví dụ về các sáng kiến đa bên, cấp quốc gia (national multi-stakeholder initiatives):

• Sáng kiến Ca cao Bền vững của Đức (the German Initiative on Sustainable Cocoa), Sáng kiến Ca cao Bền vững của Thụy Sĩ (the Swiss Platform for Sustainable Cocoa), Sáng kiến Ca cao Bền vững của Hà Lan (the Dutch Initiative for Sustainable Cocoa - DISCO), đối tác Beyond Chocolate của Bỉ (Belgium’s partnership Beyond Chocolate) và Sáng kiến Ca cao Bền vững của Pháp (the French Sustainable Cocoa Initiative). Trong năm 2021, các sáng kiến phát triển bền vững quốc gia này đã cùng nhau ký Biên bản ghi nhớ để hợp tác chặt chẽ hơn và tăng cường tính minh bạch. Điều này xảy ra trong bối cảnh có nhiều vấn nạn trong ngành ca cao ở Tây Phi, chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em và nạn phá rừng quy mô lớn.

• Chương trình Dệt may của Vương quốc Anh 2030 (the UK’s Textiles 2030), Hiệp hội dệt may bền vững của Đức (the German Partnership for Sustainable Textile) và Hiệp định Dệt và may mặc bền vững Hà Lan (the Dutch Agreement on Sustainable Garments and Textile). Những sáng kiến này giúp giải quyết các vụ bê bối trong lĩnh vực may mặc, chẳng hạn như nạn ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, các công ty thành viên của các sáng kiến nêu trên đã áp dụng các phương pháp của riêng mình nhằm đạt được các mục tiêu chung do sáng kiến đặt ra.

Lời khuyên của CBI:

• Vào trang web của CBI, tham khảo kết quả nghiên cứu ở những lĩnh vực cụ thể để biết thêm thông tin về các sáng kiến phát triển bền vững trong từng lĩnh vực.

• Hãy cân nhắc việc trở thành một phần của sáng kiến toàn ngành nếu thấy phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Điều này có thể làm cho công ty của bạn cạnh tranh tốt hơn và hấp dẫn hơn trong việc hợp tác với nhà nhập khẩu thủy sản châu Âu.

• Hãy tìm hiểu thông tin trên trang web Sáng kiến Thương mại Bền vững (the Sustainable Trade Initiative). Đây là Quỹ doanh nghiệp xã hội Hà Lan (the Dutch social enterprise foundation). Quỹ này hướng đến sự chuyển đổi bền vững chuỗi cung ứng hàng hóa và là cái nôi của nhiều sáng kiến bền vững toàn ngành (sector-wide sustainability initiatives), trong đó có SSI, SNI, SVI, SIFAV.

• Chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn bền vững hiện có do các nhà bán lẻ và các bên liên quan khác thiết lập trong lĩnh vực cụ thể của bạn. Bạn có thể tìm thấy những thứ này ở chuyên mục bền vững trên các trang web hoặc bạn có thể hỏi những người mua tiềm năng của bạn. Tự đánh giá xem doanh nghiệp của bạn có thể tuân thủ các nguyên tắc được đặt ra bởi các tiêu chuẩn này không. Chúng có thể là điểm khởi đầu tốt nếu bạn muốn cung cấp sản phẩm cho những công ty này.

Các nhãn hiệu riêng của các nhà bán lẻ (retailers’ own-label brands) thúc đẩy nhu cầu chứng nhận trên toàn châu Âu

Chứng nhận bền vững ngày càng được sử dụng nhiều hơn, trở thành yêu cầu bắt buộc để gia nhập thị trường thương mại một số ngành hàng. Điều này được thúc đẩy một phần bởi các cam kết gia tăng từ các nhà bán lẻ. Do các yêu cầu thực hành bền vững trở nên nghiêm ngặt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về tính minh bạch của sản phẩm, dẫn tới việc các nhà cung cấp không có được chứng nhận bền vững sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường châu Âu. Tuy thị phần tổng thể của các sản phẩm bền vững trong thương mại quốc tế vẫn còn khá nhỏ, nhưng sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ cho thấy tầm quan trọng của chứng nhận bền vững cũng như thể hiện rõ sự tăng trưởng liên tục của việc sử dụng chứng nhận bền vững của bên thứ ba.

Cam kết của nhà bán lẻ đối với chứng nhận của bên thứ ba là mạnh nhất đối với các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ. Những loại sản phẩm này đang trở nên phổ biến và chiếm thị phần lớn ở thị trường châu Âu; đồng thời được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển ở các thị trường khác. Một trong những nguyên nhân là do đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có ngân sách chi tiêu giảm, dễ bị thu hút bởi các nhãn hiệu riêng của các nhà bán lẻ có giá cả phải chăng.

Chẳng hạn, nhà bán lẻ Waitrose (Anh) bán tất cả trà, cà phê, đường và ca cao nhãn hiệu riêng của họ dưới dạng bánh kẹo được chứng nhận 100% Fairtrade kể từ năm 2020. Cà phê, ca cao và gạo được bán dưới nhãn hiệu riêng của nhà bán lẻ Coop (Thụy Sĩ) cũng được chứng nhận đầy đủ Fairtrade. Nhà bán lẻ Lidl (Đức) với hệ thống cửa hàng khắp châu Âu cũng cam kết sản phẩm có đầy đủ chứng chỉ: 100% sản phẩm của họ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn RSPO Palm Oil. Ngoài ra, tất cả ca cao, trà và cà phê được sử dụng trong các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ đều được chứng nhận theo tiêu chuẩn Fairtrade, Rainforest Alliance/UTZ và/hoặc hữu cơ, và tất cả các sản phẩm thủy sản ướp lạnh/ đông lạnh sử dụng nhãn hiệu riêng của họ đều được chứng nhận MSC hoặc ASC.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc