WCPFC: BÁO CÁO TỔNG QUAN THÁNG 9/2022 (18-11-2022)

Theo Báo cáo tổng quan mới được công bố vào cuối tháng 9 vừa qua, năm 2022 đã có khoản ngân sách trị giá 130.000 USD được phân bổ cho các Hội thảo nâng cao năng lực khu vực (Regional Capacity Building Workshops).  
WCPFC: BÁO CÁO TỔNG QUAN THÁNG 9/2022
Ảnh minh họa

Hiện Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) cũng đang quản lý một số quỹ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực, bao gồm: Quỹ Yêu cầu Đặc biệt (Special Requirements Fund); Quỹ ủy thác Nhật Bản và Quỹ ủy thác Đài Bắc Trung Hoa (Japan Trust Fund and Chinese Taipei Trust Fund). Bên cạnh đó còn có Dự án Đông Á Tây Thái Bình Dương (West Pacific East Asia Project - WPEA) tích cực hỗ trợ cho 03 quốc gia (Philippines, Indonesia, Việt Nam) trong việc thu thập dữ liệu và một số lĩnh vực khác có liên quan.

Tại WCPFC15, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương đã chỉ đạo Ban Thư ký phát triển một trang web dành riêng cho việc thực hiện Điều 30 của Công ước (the Implementation of Article 30 of the Convention). Theo Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương, trang web này sẽ công khai những thông tin sau:

Công nhận các yêu cầu đặc biệt của các Quốc gia đang phát triển

1. Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) công nhận đầy đủ các yêu cầu đặc biệt của các Quốc gia đang phát triển là thành viên của Công ước (nhất là các Quốc đảo nhỏ và các vùng lãnh thổ) liên quan đến việc bảo tồn và quản lý nguồn cá di cư trong Khu vực Công ước (highly migratory fish stocks in the Convention Area) cũng như phát triển nghề cá khu vực.

2. Để thực hiện hợp tác xây dựng các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn cá di cư, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương sẽ tính đến các yêu cầu đặc biệt của các Quốc gia đang phát triển (nhất là các Quốc đảo nhỏ và các vùng lãnh thổ):

(a) Tình trạng dễ bị tổn thương của các Quốc gia đang phát triển (đặc biệt là các Quốc đảo nhỏ) là những quốc gia phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên sinh vật biển để đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng của người dân;

(b) Tránh các tác động bất lợi, đảm bảo khả năng tiếp cận nghề cá của ngư dân và thợ đánh cá thủ công, quy mô nhỏ, cũng như người dân bản địa ở các Quốc gia đang phát triển (nhất là các Quốc đảo nhỏ và các vùng lãnh thổ);

(c) Đảm bảo các biện pháp thực thi trong khu vực không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các Quốc gia đang phát triển, mọi hoạt động bảo tồn không trở thành gánh nặng đối với các Quốc gia thành viên – là các nước đang phát triển và các vùng lãnh thổ.

3. Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương sẽ thành lập một quỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia hiệu quả của các Quốc gia đang phát triển. Các bên, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển (và có thể cả các vùng lãnh thổ) cũng sẽ tham gia công việc của Ủy ban, bao gồm các cuộc họp của Ủy ban và các cuộc họp của các cơ quan trực thuộc Ủy ban. Về quy định tài chính của Ủy ban, sẽ bao gồm các hướng dẫn quản lý quỹ và các điều kiện để nhận được sự hỗ trợ tài chính.

4. Hợp tác với các Quốc gia đang phát triển và vùng lãnh thổ, vì mục đích bảo tồn và quản lý nguồn cá di cư cũng như phát triển nghề cá khu vực, bao gồm việc hỗ trợ tài chính, hỗ trợ phát triển nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, liên doanh, tư vấn. Tất cả các sự hỗ trợ này nhằm hướng tới:

(a) Cải thiện công tác bảo tồn và quản lý nguồn cá di cư thông qua việc thu thập, báo cáo, xác minh, trao đổi và phân tích dữ liệu nghề cá và các thông tin liên quan;

(b) Đánh giá trữ lượng và tiến hành nghiên cứu khoa học;

(c) Giám sát, kiểm soát, tuân thủ và thực thi, bao gồm việc đào tạo và xây dựng năng lực ở cấp địa phương, tài trợ các chương trình quan sát viên quốc gia và khu vực (national and regional observer programmes), tiếp cận công nghệ và thiết bị hiện đại.

Để biết thêm thông tin về việc thực hiện Điều 30 của Công ước (the Implementation of Article 30 of the Convention), vui lòng tham khảo liên kết sau:

https://www.wcpfc.int/implementation-article-30-convention

Dự án Đông Á Tây Thái Bình Dương 

Kể từ năm 2009, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) đã hỗ trợ Dự án Đông Á Tây Thái Bình Dương (West Pacific East Asia Project - WPEA). Nhờ đó, Dự án WPEA đã hỗ trợ năng lực cho ba quốc gia (Indonesia, Philippines, Việt Nam) trong việc thu thập dữ liệu và một số lĩnh vực có liên quan khác.

Cụ thể đối với Việt Nam, Dự án WPEA đã hỗ trợ thực hiện các nội dung sau:  

(1) BÁO CÁO HỘI THẢO THU THẬP DỮ LIỆU CÁ NGỪ VIỆT NAM LẦN ĐẦU TIÊN (VTFDC-1), 15-17 tháng 3 năm 2010, Hải Phòng, Việt Nam;

(2) BÁO CÁO HỘI THẢO THU THẬP DỮ LIỆU CÁ NGỪ VIỆT NAM LẦN THỨ 2 (VTFDC-1), 15-16 tháng 11 năm 2010, Quy Nhơn, Việt Nam;

(3) BÁO CÁO HỘI THẢO THU THẬP DỮ LIỆU CÁ NGỪ VIỆT NAM LẦN THỨ 3 (VTFDC-1), 22-24 tháng 11 năm 2011, Nha Trang, Việt Nam;

(4) Báo cáo của Hội thảo Đánh giá sản lượng khai thác cá ngừ hàng năm của Việt Nam - lần đầu tiên, 2-6 tháng 4 năm 2012, Đà Nẵng, Việt Nam;

(5) Rà soát, đổi mới cơ cấu và chức năng của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam: giải pháp cơ bản để quản lý, phát triển bền vững nghề khai thác cá ngừ tại Việt Nam, tháng 6 năm 2012, DECAFIREP, Việt Nam;

(6) Kế hoạch quản lý cá ngừ tại Việt Nam, tháng 11 năm 2012, DECAFIREP, Việt Nam;

(7) Rà soát cơ chế pháp lý, chính sách và thể chế của Việt Nam theo các yêu cầu của WCPFC, tháng 6 năm 2012, DECAFIREP, Việt Nam;

(8) Báo cáo tiến độ - rà soát các cơ chế pháp lý, chính sách và thể chế để giải quyết các thiếu sót theo yêu cầu của WCPFC, tháng 11 năm 2012, Vụ Pháp chế, Việt Nam;

(9) Dữ liệu nghề cá ngừ Việt Nam, tháng 11 năm 2012, DECAFIREP, Việt Nam;

(10) Báo cáo của Hội thảo Đánh giá sản lượng khai thác cá ngừ hàng năm của Việt Nam - lần thứ hai, Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam, 1-5 tháng 4 năm 2013

Để biết thêm thông tin về Dự án Đông Á Tây Thái Bình Dương (WPEA) và các hoạt động của dự án, vui lòng tham khảo liên kết https://www.wcpfc.int/wpea

Ngọc Thúy (theo WCPFC)

Ý kiến bạn đọc