Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 5, hết (06-09-2022)

Cố tình hoặc vô ý ghi sai nhãn hàng hóa tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thủy sản toàn cầu.
Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 5, hết
Ảnh minh họa

Tây Bắc Âu là thị trường chính tiêu thụ philê cá và tôm bóc vỏ. Đó lại là những dòng sản phẩm hết sức nhạy cảm với thông tin sai ghi trên nhãn hàng hóa, chẳng hạn như nhà sản xuất cố tình hoặc vô ý ghi sai thông tin hàm lượng nước bổ sung thêm vào sản phẩm trong các quá trình ướp đá và ngâm nước đá (glazing and soaking). Những hoạt động này có vai trò tích cực trong việc giữ ẩm cho thực phẩm thủy sản tại tất cả các khâu của quá trình chế biến và bảo quản. Tuy nhiên, hai phương pháp ướp đá và ngâm nước đá đều phải được xem xét, tính toán để điều chỉnh giá thành sản phẩm. Bởi vì trên thực tế, các sản phẩm có hàm lượng nước cao hoặc sản phẩm có càng nhiều đá bao quanh thì càng có giá bán thấp. Khi đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp thủy sản đang bán nước nhiều hơn là tôm cá, trong khi giá của nước rẻ hơn giá trị thủy sản nhiều lần.

Luật ở châu Âu không cấm xử lý philê cá và tôm bằng phốt-phát, phi phốt-phát (non-phosphates) hoặc muối, cũng không cấm sử dụng phương pháp ướp đá (glazing). Tuy nhiên, doanh nghiệp của bạn bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm cuối cùng mọi thông tin chính xác liên quan đến việc này. Vì vậy, nếu bạn xử lý sản phẩm bằng phốt-phát và ngâm sản phẩm ở một tỷ lệ nước nhất định thì theo quy định của Liên minh Châu Âu bạn sẽ phải ghi thông tin này trên bao bì. Điều này cũng được yêu cầu tương tự với trường hợp sử dụng phương pháp ướp đá. Một ví dụ cụ thể: Nếu bạn quyết định ướp đá sản phẩm và hàm lượng nước chứa trong sản phẩm là 20%, doanh nghiệp của bạn được yêu cầu công khai khối lượng tịnh trên nhãn hàng hóa là 800 gam (chứ không phải 1.000 gam).

Một nhà cung cấp rất hiếm khi chủ động dán nhãn mác ghi sai thông tin về sản phẩm; thông thường nhà cung cấp được yêu cầu thực hiện làm việc này theo ý của nhà nhập khẩu. Về phía nhà nhập khẩu, đôi khi thực hiện việc sai trái này theo yêu cầu của khách hàng của họ, thường là nhà bán buôn. Đối với người tiêu dùng, không thể nhìn thấy sự khác biệt giữa hai túi có cùng thông số kỹ thuật trên nhãn nhưng hàm lượng nước trong mỗi gói là khác nhau. Nếu hai gói này có giá khác nhau, khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn gói hàng có giá thấp hơn. Như vậy có thể thấy rõ ràng là khi các sản phẩm, hàng hóa có sự khác biệt về giá do việc ghi sai thông tin trên nhãn sản phẩm, hàng hóa thì điều này thực sự đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thủy sản thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu cực này còn có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho danh tiếng của các nhà sản xuất tham gia vào các hoạt động kinh doanh và đặt các nhà sản xuất (vốn coi trọng sự trung thực trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm) vào một thế bất lợi. Các nhà nhập khẩu châu Âu và khách hàng của họ không có hành vi gian lận về nhãn mác đang ngày càng bức xúc với những đối thủ cạnh tranh của họ khi phát hiện hành vi sai trái như vậy. Một số công ty ở châu Âu đã bắt đầu nỗ lực chống lại tệ nạn này. Mặc dù việc gắn nhãn sai có thể không phải là ý tưởng ban đầu của bạn, nhưng nếu doanh nghiệp của bạn vẫn thực hiện những yêu cầu này (theo ý của bất cứ đối tác nào của bạn) thì bạn đã trở thành kẻ lừa đảo và làm hoen ố danh tiếng doanh nghiệp của bạn.

Một khi tên của bạn cũng như tên công ty của bạn được gắn kết với những hành vi sai trái này, bạn sẽ khó để thoát khỏi tiếng xấu (nhất là ở những thị trường nổi tiếng về khó tính và khắt khe như châu Âu). Mặc dù những cách làm này có thể mang lại cho bạn những lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, một khi thị trường được điều tiết tốt hơn và khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, bạn và doanh nghiệp của bạn sẽ chuốc rắc rối.

Một số lời khuyên của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI):

• Đọc kỹ thông tin chi tiết về vấn đề mạ băng cho các sản phẩm thủy sản và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến ngành công nghiệp thủy sản.

• Trao đổi cởi mở với khách hàng của bạn về các thông số kỹ thuật của sản phẩm bạn sắp sản xuất và ghi rõ vào hợp đồng tất cả các chi tiết đã thỏa thuận (về thông số kỹ thuật, phương pháp xử lý bảo quản sản phẩm) để không có sự hiểu lầm nào có thể xảy ra khi sản phẩm đến tay khách hàng Châu Âu.

• Thường xuyên tìm hiểu xem có bất kỳ sai sót nào xảy ra với sản phẩm bạn đang kinh doanh không. Ngay khi phát hiện hành vi sai trái của đối tác, hãy nhanh chóng thực hiện giải pháp để tránh tham gia hoặc bị liên đới với các hoạt động gian lận, hành vi sai trái.

• Ngay trong những câu chuyện về thương hiệu, doanh nghiệp của bạn hãy chủ động quảng bá về tính chính xác của các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa. Điều này có thể khiến doanh nghiệp của bạn trở thành nhà cung cấp được ưu tiên lựa chọn trong thị trường mục tiêu của bạn.

• Tìm hiểu thêm về các yêu cầu ghi nhãn thông qua “hướng dẫn bỏ túi về nhãn hàng hóa thủy sản và người tiêu dùng Châu Âu” (pocket guide to Europe’s fish and consumer label).

Thực hiện việc sáp nhập (mergers) hoặc mua lại (acquisitions)

Trong lĩnh vực thủy sản, xu hướng hợp nhất toàn cầu thông qua sáp nhập và mua lại cũng đang diễn ra ở châu Âu.

Theo truyền thống của ngành công nghiệp thủy sản, các công ty hoạt động trong ngành khai thác thủy sản toàn cầu khi đầu tư vào các thị trường mục tiêu sẽ có xu hướng thúc đẩy thực hiện mua lại và sáp nhập. Những người mua chiến lược (strategic buyers) coi việc mua lại các công ty khác là cơ hội để phát triển và củng cố hoạt động kinh doanh. Bằng cách mua các công ty phân phối (distribution companies) – là các công ty đang thực hiện việc bán hàng cho các thị trường bán buôn và bán lẻ, các công ty chiến lược (strategic buyers) hy vọng có được các kênh bán hàng tốt hơn. Ngoài ra, họ cũng hy vọng cải thiện tỷ suất lợi nhuận của mình bằng cách kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hiện tại, ngành tài chính cũng đang bắt đầu chú ý đến việc này. Tính tới nay, ngành thủy sản chưa đạt được mức hợp nhất như các ngành sản xuất thực phẩm khác, nên hiện đang có rất nhiều cơ hội cho các công ty đầu tư (investment companies) thực hiện việc mua lại các doanh nghiệp.

Điều này cũng có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của bạn: Khi các công ty hợp nhất hoặc được mua lại, tất cả các công ty trong nhóm thường mở rộng danh mục sản phẩm, nhờ đó sẽ tạo ra những người mua tiềm năng mới (new potential buyers) cho doanh nghiệp của bạn. Cùng với đó còn có những công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để tiếp cận nguồn nguyên liệu thô mà doanh nghiệp của bạn đang có. Tuy nhiên, vẫn có một nhược điểm tiềm ẩn cho doanh nghiệp của bạn là việc sáp nhập và mua lại cũng có thể làm tăng khả năng thương lượng của một nhóm, gây thêm áp lực lên lợi nhuận của bạn.

Năm 2013, một công ty thủy sản lớn nhất thế giới (tên là Maruha Nichiro) đã mua Seafood Connection để tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn, và sau đó, thông qua Seafood Connection, thực hiện các thương vụ mua lại tương tự khác như Anova Seafood ở Hà Lan (vào năm 2018) và Inlet Seafish ở Tây Ban Nha (vào năm 2019).

Cũng như vậy, năm 2018, Parlevliet & van der Plas đã mua lại Deutsche See để thâm nhập các thị trường mới và quan trọng về mặt chiến lược ở Đức. Các công ty con nổi bật có thể kể đến là Heiploeg group, German Seafrozen và Ouwehand visverwerking.

Gần đây, năm 2020, với quy mô nhỏ hơn trong việc mua bán và sáp nhập, Klaas Puul – một nhà chế biến và nhập khẩu thủy sản Hà Lan - đã được mua lại bởi nhà bán buôn thủy sản Sykes Seafood của Anh. Bằng cách kết hợp giữa Sykes Seafood với Klaas Puul, họ hiện đang cung cấp tôm cho các cơ sở bán lẻ và kênh dịch vụ thực phẩm ở châu Âu.

Trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, hành động theo đuổi việc mua bán và sáp nhập các công ty là một thách thức lớn. Tuy nhiên, khi thế giới bắt đầu phục hồi, các nhà kinh tế thủy sản dự đoán rằng trong thời gian tới sẽ là giai đoạn sôi nổi của các hoạt động mua lại và sáp nhập. Điều này là hệ lụy do một vài nguyên nhân. Trước tiên có thể do COVID-19 đã có tác động lớn, gây khó khăn trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và các công ty nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Hiện dịch vụ ăn uống đã và đang được mở cửa trở lại, tuy nhiên hoạt động với công suất giảm đáng kể. Có khả năng là, khi mọi thứ bắt đầu bình thường hóa, không phải tất cả các công ty (nhỏ) đều có thể phục hồi sau các tác động tiêu cực của nền kinh tế sau đại dịch. Điều này có thể dẫn đến việc các công ty nhỏ hơn phải ngừng kinh doanh hoặc bị mua lại bởi những doanh nghiệp lớn hơn (bigger players).

Tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ là một động lực khả thi cho nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập hơn. Dự đoán là trong tương lai, lãi suất thấp và nguồn vốn dồi dào kết hợp với sự hỗ trợ của chính phủ cho ngành thủy sản có thể là những nhân tố góp phần làm tăng hoạt động mua lại và sáp nhập. Có thể trong thời gian tới các nhà đầu tư tài chính (financial investors) và các nhà đầu tư thủy sản (seafood industry players) sẽ quan tâm tiếp cận các công ty bán lẻ (retail companies). Nhiều khả năng họ sẽ thực hiện việc hợp nhất trong lĩnh vực chế biến, là nơi hiện đang có nhiều công ty riêng biệt.

Lời khuyên của CBI:

• Tìm cách tham gia vào các nhóm lớn hơn và hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp nổi trội, có tên tuổi (preferred supplier). Điều này có thể giúp bạn tiếp cận với các đơn hàng ổn định hơn nhiều và cho phép bạn ít phụ thuộc hơn vào việc bán hàng trên thị trường giao ngay (spot market).

• Theo dõi các bản tin trên các phương tiện truyền thông tin tức thủy sản lớn (như UndercurrentNews, Intrafish, Seafood Source) để cập nhật về các hoạt động mua lại và sáp nhập, từ đó giúp doanh nghiệp của bạn nắm bắt được các động thái mới nhất của thị trường.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc