FAO: Tổng hợp các thông tin mới nhất về xu hướng giá cả, thị trường thủy sản toàn cầu (Phần 1) (18-11-2021)

Đây là các thông tin được đăng trên Bản tin “Giá thủy sản Châu Âu” (the European Fish Price Report) - ấn phẩm do FAO GLOBEFISH xuất bản hàng tháng.
FAO: Tổng hợp các thông tin mới nhất về xu hướng giá cả, thị trường thủy sản toàn cầu (Phần 1)
Ảnh minh họa

Số tháng 10/2021 này đã được thực hiện bởi Helga Josupeit và Felix Dent. Nội dung được tổng hợp dựa trên các thông tin do phóng viên ngành thủy sản cung cấp, nhằm đưa ra xu hướng giá cả, thị trường. Thông tin về giá mang tính chất biểu thị và được sử dụng cho công tác dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn.

Theo FAO, việc mua hàng chuẩn bị chào đón mùa Giáng sinh mới đang diễn ra sôi nổi. Giá có thể tăng nhanh do nguồn cung thắt chặt và triển vọng nhu cầu được cải thiện trong mùa lễ hội sắp tới, thời điểm sẽ chứng kiến ​​sự quay trở lại các hoạt động tập trung ăn uống, tiệc tùng. Giá nhiên liệu cao cùng với chi phí tăng là những yếu tố góp phần đẩy giá thủy sản lên cao. Đối với một số mặt hàng thủy sản, giá đã tăng hơn 30% chỉ trong vòng ba tháng và có khả năng sẽ tăng thêm nữa trước khi Giáng sinh tới.

Song nhìn chung, giá các sản phẩm nuôi trồng thủy sản vẫn tương đối ổn định, riêng các mặt hàng thủy sản đánh bắt tự nhiên đang ngày càng trở nên đắt đỏ.

Thị trường Ý đang hứng chịu các cuộc đình công trong lĩnh vực cảng cá và vận tải. Đây là phản ứng xảy ra sau khi Chính phủ Ý quyết định áp dụng Thẻ xanh (the Green Pass) đối với tất cả các nơi làm việc, bắt đầu thực hiện từ ngày 15 tháng 10 năm 2021. Điều mà mọi người hết sức quan ngại là ngành dịch vụ thực phẩm đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

CÁ ĐÁY

Tại Nga, có dấu hiệu cho thấy nguồn cung cá minh thái H&G Alaska đang cạn kiệt do sản lượng khai thác ở Biển Bering giảm. Giá có thể sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới.

Hạn ngạch cá tuyết vào năm 2022 ở Biển Barents cho Nga và Na Uy được đặt ở mức 708.480 tấn, cắt giảm 20% so với hạn ngạch năm 2021. Điều này phù hợp với khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (the International Council for the Exploration of the Sea). Hạn ngạch của Na Uy cho năm 2022 sẽ là 321.600 tấn; trong khi đó, hạn ngạch cá tuyết chấm đen được đặt ở mức 178.500 tấn, ít hơn 23% so với năm 2021. Thị phần của Na Uy sẽ là 88.130 tấn. Việc cắt giảm sản lượng khai thác cho phép (allowed catch) có thể khiến tăng giá đối với cá tuyết (cod) và cá tuyết chấm đen (haddock).

Xuất khẩu cá tuyết khô từ Na Uy đã phục hồi phần nào vào năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số liệu của năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tuyết khô của Na Uy đạt 216 triệu USD, so với lần lượt là 210 triệu USD và 270 triệu USD cùng kỳ năm 2020 và 2019. Quốc gia tiêu thụ chính của sản phẩm này là Bồ Đào Nha, đã tiêu thụ hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Na Uy, tiếp theo là Ý.   

Trong khi đó, xuất khẩu cá tuyết muối của Na Uy giảm trong 9 tháng đầu năm 2021, xuống 87 triệu USD, so với 96 triệu USD và 103 triệu USD trong cùng kỳ năm 2020 và 2019. Cho đến nay, Bồ Đào Nha là nhà nhập khẩu hàng đầu của sản phẩm này, chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu của Na Uy. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm chủ yếu do giá sản phẩm cá tuyết muối giảm, từ 6,80 USD/kg năm 2019 xuống 6,60 USD/kg năm 2020 và sau đó là 5,80 USD/kg vào năm 2021. Tiêu thụ philê cá tuyết muối được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đông lạnh (Gadus macrocephalus) và từ nguồn nguyên liệu tươi (Gadus morhua) có xuất xứ từ Faroe và Iceland đang tăng lên, do được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng của Nam Âu.

Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu thô vẫn còn khó khăn và điều này được phản ánh qua giá cá đã tăng lên và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy cho đến Giáng sinh khi mức tiêu thụ sẽ đạt mức cao nhất. Ngoài sự gia tăng chung về chi phí, đã có một số vấn đề về hậu cần do mạng lưới vận tải quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng – việc lưu thông hàng hóa chậm trễ.

Nhu cầu đối với cá bơn nuôi ở Tây Ban Nha được cho là ổn định và giá cả mặt hàng này cũng ổn định. Kể từ tháng 10 năm ngoái, giá đã ổn định ở mức rất thấp đối với tất cả các kích cỡ chính được tiêu thụ trên thị trường.

CÁ NGỪ

Ở Tây và Trung Thái Bình Dương, hoạt động đánh bắt cá ngừ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và thậm chí rất xấu. Điều này đã dẫn đến việc giảm lượng tàu cập cảng vào Thái Lan và các nhà máy đóng hộp của Thái Lan tiếp tục hoạt động với công suất giảm. Giá cá ngừ vằn (skipjack) vẫn ổn định.

Đánh bắt cá ở Ấn Độ Dương hoạt động với công suất vừa phải. Một số tàu đánh cá đã ngừng hoạt động vì đã hết hạn ngạch cá ngừ vây vàng IOTC cho năm nay. Tồn kho nguyên liệu tại các nhà máy trong nước vẫn giữ ở mức vừa phải. Giá cá ngừ vằn tiếp tục giảm nhưng giá cá ngừ vây vàng đã tăng lên.

Hoạt động đánh bắt cá ở Đại Tây Dương được báo cáo là rất cầm chừng trong khi tồn kho nguyên liệu thô tại các nhà máy đóng hộp địa phương vẫn giữ ở mức vừa phải. Giá cá ngừ vằn đã giảm trong khi giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định.

Ở Đông Thái Bình Dương, sản lượng đánh bắt vừa phải và tồn kho nguyên liệu tại các nhà máy địa phương cũng ở mức vừa phải. Giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng của Ecuador và EU giảm nhẹ.

NHUYỄN THỂ CHÂN ĐẦU (MỰC, BẠCH TUỘC)

Hoạt động đánh bắt bạch tuộc ở Indonesia gần đây kém hiệu quả, do đó, nguồn cung khan hiếm đối với tất cả các nhà đóng gói bạch tuộc trong nước và giá bạch tuộc vì thế đang tăng cao. Nguồn cung có thể sẽ được cải thiện vào cuối tháng 10 do việc đánh bắt tăng lên ở một số khu vực, bao gồm Đảo Nam Java, Sumatra và Sumbawa; tuy nhiên, cũng  sẽ không đủ so với nhu cầu tiêu thụ hiện tại và khả năng giá sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Nhập khẩu mực vào Tây Ban Nha tăng trở lại sau đại dịch năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khoảng 175.000 tấn đã được nhập khẩu, so với 139.000 tấn và 188.000 tấn của cùng kỳ năm 2020 và 2019. Quần đảo Falkland (Malvinas) vẫn là nhà cung cấp chính, nhưng Peru đã thành công trong việc tăng xuất khẩu mực của quốc gia mình lên 36.600 tấn vào năm 2021, tăng từ 22.000 tấn của năm 2020. Xuất khẩu của Peru chủ yếu bao gồm mực ống khổng lồ (giant squid), một sản phẩm được đánh giá cao với mức giá thấp hơn mực ống Illex (Illex squid) đến từ Tây Nam Đại Tây Dương. Trong năm 2021, giá trung bình các sản phẩm mực của Peru khoảng 2,20 USD/kg, trong khi mực Illex được bán với giá 3,50 USD/kg.

GIÁP XÁC (TÔM, CUA)

Nghề đánh bắt tôm xa bờ ở Argentina đã kết thúc, trong khi ngành đánh bắt tôm ven biển bị đình trệ do thời tiết xấu. Do đó, tồn kho tôm ở Argentina thấp. Kết hợp với khó khăn và chi phí tìm container cho các chuyến hàng sang châu Âu, tất cả đang cộng hưởng và đẩy giá tôm lên cao.

Tại châu Âu, nhu cầu thu mua tôm cho mùa Giáng sinh 2021 rất mạnh. Các nhà sản xuất tôm Indonesia báo cáo rằng một số nguồn cung tăng rất chậm, đặc biệt là đối với các kích cỡ tôm lớn hơn. Nhu cầu vẫn cao, nhưng các nhà cung cấp đang phải vật lộn với tình trạng thiếu container, nhất là khâu vận chuyển tôm đến Hoa Kỳ. Chi phí vận tải đang tăng nhanh chóng và được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục giữ ở mức cao (ít nhất cho đến cuối năm nay).

Các nhà sản xuất Indonesia đang do dự trong việc thả tôm giống vào các ao nuôi vì không có sự chắc chắn nào về triển vọng thị trường tôm thế giới, có nghĩa là nguồn cung có thể sẽ tiếp tục eo hẹp và việc giá tăng cao có thể vẫn diễn ra.

Hoạt động kinh doanh cua và tôm hùm đang được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của các nhà hàng với đầy đủ mọi hoạt động dịch vụ và lĩnh vực du lịch thì được cải thiện. Giá đang cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái, cho thấy căng thẳng cung - cầu sẽ tiếp tục khi các nhà chế biến và các ao nuôi tôm hùm tích trữ nguồn cung để bán vào dịp cuối năm.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc