Nguồn cung cua tuyết đang được cải thiện, nhưng sinh khối cua tuyết đang di chuyển về phía Bắc (08-04-2021)

Nguồn cung cua tuyết có thể cải thiện hơn trong năm 2021. Những người đánh bắt cua ở Quebec đã đề xuất mùa khai thác nên bắt đầu sớm hơn để tránh việc phải tắt máy khi đúng thời điểm cá voi di chuyển đến ngư trường. Sinh khối cua tuyết ở Biển Bering dường như đang di chuyển xa hơn về phía Bắc do nước trong đại dương ấm hơn.
Nguồn cung cua tuyết đang được cải thiện, nhưng sinh khối cua tuyết đang di chuyển về phía Bắc
Ảnh minh họa

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), người ta đề cập rằng sự ấm lên của nước biển và hiện tượng băng tăng ở Biển Bering đã gây ra sự thay đổi về quần thể cua tuyết và cấu trúc của nó. Cua tuyết non sống ở vùng nước lạnh nhưng di cư đến vùng nước ấm hơn khi chúng trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy những con cua đực lớn đã gia tăng đáng kể ở các vùng biển phía Bắc, trong khi số lượng con non giảm đáng kể (cả ở vùng biển phía Đông và Bắc). Sự thay đổi này được cho là do các vùng nước quá ấm vào năm 2019.

Na Uy đã tăng hạn ngạch cho năm 2021 đối với cua huỳnh đế đực (red king crab), tăng thêm 18%, lên 1.530 tấn. Đối với cua cái, hạn ngạch vẫn giữ nguyên như năm 2020 là 120 tấn. Các lý do chính để tăng hạn ngạch đó là: Nhu cầu tốt ở các thị trường lớn và nguồn cung thấp hơn từ Liên bang Nga và Alaska.

Những người đánh bắt cua ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ đã trì hoãn trong việc bắt đầu mùa cua Dungeness. Một lý do cho sự chậm trễ này là sự thiếu sự thống nhất về giá giữa ngư dân Oregon và nhà thu mua lớn nhất - Tập đoàn Hải sản Thái Bình Dương (the Pacific Seafood Group). Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất cho sự chậm trễ. Lý do thứ hai có liên quan đến cá voi, vì chúng là đối tượng có nguy cơ vướng vào dây thừng của bẫy cua. Các nhà chức trách cho rằng, nguy cơ cá voi mắc phải dây thừng là quá cao, vì theo quan sát vẫn thấy cá voi xuất hiện ở các ngư trường khai thác cua vào đầu tháng 12 năm 2020.

Tại Prince William Sound, nghề đánh bắt cua hoàng đế vàng (golden king crab) đã bị đóng cửa từ năm 2006, nhưng một vụ đánh bắt thử nghiệm 15.000 lbs (tương đương 6,8 tấn) hiện đang được thực hiện. Cua hoàng đế vàng sống ở độ sâu rất lớn (lên đến khoảng 900 mét). Việc đánh bắt thử nghiệm nhằm mục đích thu thập thông tin có giá trị về trữ lượng, hy vọng rằng điều này sẽ mở ra một vụ đánh bắt cua thứ hai tại Prince William Sound, sau loài cua tanner đã được khai thác từ ba năm nay.

Một lý do thứ ba cho sự chậm trễ mùa vụ khai thác cua đó là sản lượng thịt thấp. Theo Cục Thủy sản và Động vật hoang dã Washington (the Washington Department of Fish and Wildlife - WDFW), các tiêu chí về hàm lượng thịt tối thiểu đã không được đáp ứng. Các tiêu chí này được đặt ra trong Quy trình Kiểm tra cua trước mùa vụ (the Tri-State Dungeness Crab Pre-Season Testing Protocols), yêu cầu tỷ lệ thịt là 23% đối với cua được đánh bắt ở phía Bắc của Cascade Head và 24% đối với cua được đánh bắt ở phía Nam của Cascade Head.

Do đó, năm 2020, mùa cua Dungeness ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ đã mở ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Oregon bắt đầu đánh bắt vào ngày 16 tháng 12, tiếp theo là California vào ngày 23 tháng 12, trong khi hoạt động đánh bắt ở bang Washington phải đến ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Sản lượng cua Dungeness trong vụ 2019/2020 của Alaska ước đạt 6,6 triệu lbs (tương đương 2.994 tấn), cao hơn 25% so với tổng sản lượng thu hoạch cả mùa 2019 và cao hơn 61% so với năm 2018.

Vụ đánh bắt mùa hè cua Dungeness của Alaska diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, trong khi vụ đánh bắt mùa thu diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12. Đặc biệt là, các hoạt động đánh bắt này không bị giới hạn bởi hạn ngạch đánh bắt theo mùa.

Vào cuối tháng 8 năm 2020, tại bang Oregon, sản lượng cua Dungeness cập cảng lên tới 20,0 triệu lbs (tương đương 9.072 tấn). Trong bốn vụ vừa qua, Oregon là nhà sản xuất loài cua này lớn nhất ở Hoa Kỳ, với 20,4 triệu lbs (9.253 tấn) trong vụ 2016/17; 23,1 triệu lbs (10.477 tấn) trong vụ 2017/18 và 18,7 triệu lbs (482 tấn) trong vụ 2018/19.

Giá tại tàu (ex-vessel prices) đã giảm 44% trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Thương mại quốc tế

Thương mại cua toàn cầu đang giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu toàn cầu giảm 14,7%, xuống còn 163.055 tấn. Nhà nhập khẩu lớn nhất, Hoa Kỳ, đã giảm nhẹ từ 60.200 tấn trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống 59.339 tấn trong cùng kỳ năm 2020 (-1,4%). Hàn Quốc đã giảm 1,8% xuống 26.569, trong khi nhà nhập khẩu lớn thứ ba, Trung Quốc, đã nhập khẩu 25.715 tấn trong giai đoạn này, ít hơn 31,2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc là Liên bang Nga (5.266 tấn, chiếm 20,5% tổng lượng cua nhập khẩu của Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ (3.044 tấn, chiếm tỷ trọng 11,8%) và Bangladesh (2.476 tấn, tương đương 9,6%).

Xuất khẩu cua của Nga trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13,5%, xuống 26.796 tấn, so với 30.986 tấn của cùng kỳ năm 2019. Thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, chiếm gần 2/3 tổng lượng lượng cua xuất khẩu của Nga.

Các nhà xuất khẩu cua của Nga sang thị trường Trung Quốc đã phải đối mặt với những cản trở về mặt thủ tục giấy tờ vào năm 2020 trong hoạt động buôn bán cua của họ. Cụ thể là, các quy tắc tại Nga thay đổi, các nhà xuất khẩu cua của Nga phải được chấp thuận khi qua một hệ thống xét duyệt hai cấp của Nga. Đầu tiên, họ phải có giấy phép xuất khẩu của Bộ Công Thương (the Ministry of Industry and Trade), sau đó là giấy chứng nhận của Cơ quan Kiểm soát Môi trường Liên bang Nga (the Russian Federal Service for Environmental Control). Vào năm 2020, việc lấy các loại giấy tờ này trở nên khó khăn hơn. Sau khi nhận được khiếu nại về việc ngành công nghiệp cua gặp bất lợi trong mối quan hệ với các nước khác, các nhà chức trách Liên bang Nga đã thay đổi thủ tục và chuyển giao toàn bộ chức năng giám sát cho Cơ quan Liên bang về Thủy sản (the Federal Agency for Fisheries), do đó đã đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu cua của Nga. Theo kế hoạch, các quy tắc mới được thực hiện vào đầu năm 2021.

Thị trường cua huỳnh đế Hàn Quốc hoàn toàn do Liên bang Nga thống trị. Khoảng 90% lượng nhập khẩu cua huỳnh đế tươi sống của Hàn Quốc vào năm 2020 là từ Liên bang Nga, chỉ khoảng 7% đến từ Na Uy. Các nhà xuất khẩu Na Uy hiện đang chuẩn bị vận chuyển nhiều cua tươi sống hơn đến thị trường Hàn Quốc. Mối quan tâm đặc biệt là kênh phân phối cho giới thượng lưu, nơi các nhà hàng và người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho các sản phẩm cua có chất lượng cao.

Dự báo

Nguồn cung cua tuyết dự kiến ​​sẽ cải thiện phần nào vào năm 2021, nhưng việc bảo vệ cá voi có thể là trở ngại phá vỡ điều này. Nguồn cung cua hoàng đế có thể bị thắt chặt hơn một chút do lượng hàng đổ bộ vào Liên bang Nga và Alaska dự kiến ​​sẽ giảm. Mùa cua Dungeness ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ đã bị trì hoãn. Không chắc chắn điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung. Thương mại quốc tế có thể sẽ không tăng trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Giá cả khá ổn định và dự kiến ​​sẽ vẫn như vậy trong thời gian tới.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc