Thực trạng của thị trường thủy sản toàn cầu (12-03-2021)

Thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. So với các loại thủy sản khác, mức sụt giảm thương mại đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ là cao nhất. Đối với nhuyễn thể chân đầu, việc các nhà hàng và khách sạn đóng cửa cũng khiến doanh số mực ống, mực nang và bạch tuộc sụt giảm. Trái lại, thị trường cá rô phi cho đến nay vẫn ổn định sau đại dịch COVID-19 với thiệt hại tương đối ít so với nhiều loài thủy sản khác. Thị phần cá thịt trắng toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định vào năm 2021.
Thực trạng của thị trường thủy sản toàn cầu
Ảnh minh họa

Nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Thị trường hai mảnh vỏ thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Vì các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu được bán trên thị trường ở dạng tươi sống, nên các hạn chế về dịch vụ hậu cần do COVID-19 gây ra và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, lệnh phong tỏa tại biên giới... đã dẫn đến sự sụt giảm lượng hàng hóa tham gia dịch vụ thương mại quốc tế. So với các loại thủy sản khác, mức sụt giảm thương mại đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ là cao nhất. Do nhu cầu thấp nên năm 2020, giá đã giảm, trong khi thông thường mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá khá ổn định.

Cua: Nguồn cung cua tuyết có dấu hiệu cải thiện, nhưng sinh khối cua tuyết đang di chuyển về phía Bắc. Theo dự đoán, nguồn cung cua tuyết có thể cải thiện một chút vào năm 2021. Những người đánh bắt cua ở Quebec đã đề xuất mùa khai thác bắt đầu sớm hơn. Sinh khối cua tuyết ở Biển Bering dường như đang di chuyển xa hơn về phía Bắc do nước ở đại dương ấm hơn.

Bột cá, dầu cá: Sản lượng khai thác cá cơm tiếp tục tăng ở Peru. Hạn ngạch của vụ đánh bắt thứ hai ở Peru được đặt ở mức 2,78 triệu tấn và hoạt động khai thác đang tiến triển khá tốt. Nguồn cung toàn cầu đã đủ và cầu vẫn ổn định. Giá dự kiến ​​sẽ ở mức vừa phải do nguồn cung dồi dào.

Cá đáy: Cá tuyết xuất hiện nhiều hơn, tình hình không thay đổi đối với cá minh thái Alaska. Các dự báo cho thấy cá tuyết Đại Tây Dương tăng hơn 11% vào năm 2021, trong khi lượng cá minh thái Alaska cập cảng sẽ tương đương với mức sản lượng của năm 2020. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguyên liệu thô cho surimi hiện nay có thể đẩy giá tăng lên. Giá trên thị trường Hoa Kỳ được dự đoán là có thể tăng (do xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc dự kiến ​​sẽ còn kéo dài).

Tôm hùm: Có những điều không chắc chắn cho mặt hàng tôm hùm trong tương lai. Năm 2020 là một năm đầy biến động, về cơ bản chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19. Đối với ngành công nghiệp tôm hùm, mô hình thương mại đã thay đổi và vị trí thị trường cũng bị thay đổi. Khi thế giới bước sang năm 2021, vẫn còn nhiều bất ổn liên quan đến các chính sách thương mại có thể có của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, rất khó đoán về sự phát triển của xung đột thương mại và sự không chắc chắn về tác động của Brexit đối với thương mại ở châu Âu. Trong mọi trường hợp thì giá tôm hùm được dự đoán là tiếp tục giảm.

Cá hồi: Biên lợi nhuận của nông dân bị siết chặt bởi tác động của COVID-19 nhưng năm 2021 mở ra nhiều hy vọng hơn. Đại dịch toàn cầu mang lại một loạt thách thức cũng như một số cơ hội cho ngành cá hồi toàn cầu. Việc đóng cửa dịch vụ ăn uống đã dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh, đặc biệt là đối với Chile, nhưng lợi nhuận từ bán lẻ và nguồn cung thắt chặt hơn sẽ cho phép một năm 2021 khả quan hơn.

Cá mú, cá tráp: Nguồn cung khan hiếm giúp cá mú và cá tráp thoát khỏi những ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Với những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 kéo dài trong suốt mùa du lịch (mùa hè), ngành cá mú và cá tráp Địa Trung Hải đã chứng kiến ​​doanh số nhà hàng giảm mạnh vào năm 2020. Tuy nhiên, nguồn cung thu hẹp sau sự tăng trưởng của nhiều năm trước đã giúp đẩy giá lên cao.

Tôm: Nhu cầu tôm có thể giảm do COVID-19 tái diễn. Mặc dù nhu cầu từ khu vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm (the hotel, restaurant and catering - HORECA), nhưng nhập khẩu tôm ở nhiều thị trường vẫn tăng lên trong ba quý đầu năm 2020 do giá tôm thấp kỷ lục. Nhu cầu bán lẻ đối với tôm tươi và đông lạnh tăng trên toàn thế giới.

Cá nổi nhỏ: Hạn ngạch cá thu giảm, hạn ngạch cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting) tăng. Các quốc gia Đông Bắc Đại Tây Dương đã đồng ý với hạn ngạch cá nổi cho năm 2021, theo đó, tăng đối với cá trích và cá trích xanh; giảm đối với cá thu, theo khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (International Council for the Exploration of the Sea - ICES). Tuy nhiên, trên thực tế, hạn ngạch cuối cùng mà các nước nhất trí có xu hướng lớn hơn mức khuyến nghị của ICES.

Cá rô phi: Ngành cá rô phi dự kiến ​​sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh chóng sau khi tạm thời chững lại vào năm 2020. Thị trường cá rô phi cho đến nay vẫn ổn định sau đại dịch COVID-19 với thiệt hại tương đối ít so với nhiều loài thủy sản khác, do sự hiện diện mạnh mẽ của mặt hàng này ở kênh bán lẻ và sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Thị phần cá thịt trắng toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định vào năm 2021.

Cá ngừ: Thương mại toàn cầu mạnh mẽ đối với mặt hàng cá ngừ đóng hộp, tình hình này đã được duy trì trong suốt năm 2020. Mức tiêu thụ cá ngừ đóng hộp (giá rẻ) tăng trên toàn thế giới vào năm 2020 đã tạo ra hoạt động thương mại quốc tế sôi nổi. Nhu cầu về nguyên liệu đông lạnh cũng tăng lên từ các cơ sở sản xuất lớn ở châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, thị trường cá ngừ không đóng hộp vẫn bị kìm hãm cùng với việc dịch vụ ăn uống bị hạn chế do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc): Ngành công nghiệp thủy sản chân đầu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng hy vọng sẽ được cải thiện vào năm 2021. Ngành động vật chân đầu phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Với việc các nhà hàng và khách sạn đóng cửa do COVID-19, doanh số bán hàng sụt giảm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, có một số dấu hiệu phục hồi và có tia hy vọng trong năm 2021. Nguồn cung bạch tuộc, cũng như mực, có thể sẽ thắt chặt hơn trong những tháng tới.

Cá tra: Doanh thu giảm mạnh vào năm 2020 nhưng triển vọng năm 2021 tích cực hơn. Tác động của COVID-19 đến các thị trường nhập khẩu trọng điểm đã tạo ra nhiều thách thức cho ngành cá tra Việt Nam vào năm 2020, kìm hãm hoạt động nuôi và đẩy nhanh xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, sự phục hồi một phần của thị trường Trung Quốc và tình hình nguồn cung thắt chặt hơn đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng cho năm 2021.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc