Dù giá giảm, sự lạc quan vẫn tồn tại trong lĩnh vực cá hồi nuôi (05-02-2021)

Nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương tiếp tục tăng đã gây áp lực giảm giá. Doanh số bán lẻ tăng nhưng không thể bù đắp đầy đủ cho sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng với nhu cầu tiêu thụ giảm. Dự đoán triển vọng trong trung hạn sẽ tích cực hơn do nguồn cung thắt chặt và thị trường có thể phục hồi vào năm 2021.
Dù giá giảm, sự lạc quan vẫn tồn tại trong lĩnh vực cá hồi nuôi

Sản xuất

Cá hồi Đại Tây Dương

Năm 2021, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương nuôi toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng là 3%. Các quốc gia đóng góp chính cho sự tăng trưởng này là Na Uy và Chile, với mức tăng lần lượt là 2% và 6%. Thu hoạch của Scotland sẽ xấp xỉ bằng năm 2020 sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2019. Cho đến nay, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đang diễn ra ở các nước sản xuất mới nổi như Úc, Iceland, Trung Quốc và Liên bang Nga. Tất cả đều đã phải thừa nhận rằng các nhà sản xuất truyền thống không thể đáp ứng được nhu cầu bùng nổ hiện nay. Trong những năm gần đây, các quy định pháp lý đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia này. Tổng nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương nuôi toàn cầu tăng từ các nhà sản xuất nhỏ (không bao gồm Na Uy, Chile, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada và Quần đảo Faroe) dự kiến ​​tăng khoảng 16% trong năm 2021.

Tại Na Uy, sản lượng cá hồi là 169,9 triệu con trong 6 tháng đầu năm 2020, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019. Tác động chính của đại dịch COVID-19 là về chi phí hậu cần và lịch trình thu hoạch, nhiều nông dân nuôi cá đã quyết định trì hoãn thu hoạch. Các nhà đầu tư đánh giá cao triển vọng thị trường vốn đang u ám. Nhìn chung, các công ty nuôi cá hồi Na Uy vẫn tiếp tục hoạt động tương đối thuận lợi. Các chỉ số khác (như: trọng lượng trung bình của cá thu hoạch, mức độ nhiễm rận biển...) nhìn chung đã cải thiện dần trong năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có một số lo ngại về sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thiếu máu ở cá hồi Đại Tây Dương (infectious salmon anaemia - ISA). Chi phí có thể kiểm soát được, nhưng giá cả vẫn tiếp tục tạm lắng trong nửa cuối năm 2020 do điều kiện thị trường suy yếu hơn và sản lượng lại cao hơn dự kiến.

Tại Chile, trong năm 2020, lĩnh vực cá hồi nuôi đã phải trải qua những tháng đầy thách thức do tác động tổng hợp của các hạn chế COVID-19, giá giảm và cuộc đình công của tài xế xe tải trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, các nhà máy hiện đã có thể hoạt động trở lại gần mức bình thường sau khi áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ và an toàn để tránh lây nhiễm cho người lao động. Mặc dù bị thua lỗ, hầu hết người nuôi cá hồi ở Chile đều có tình hình tài chính tương đối mạnh và có thể duy trì sản xuất. Sản lượng cá hồi của Chile tăng 8,2% lên 470.400 tấn trong 6 tháng đầu năm 2020. Cá hồi Đại Tây Dương chiếm 370.200 tấn, tương đương chiếm 80% trong tổng sản lượng cá hồi của Chile.

Các loài cá hồi khác

Đối với cá hồi coho (một loài cá hồi Bắc Thái Bình Dương): Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng cá hồi nuôi của Chile tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2019 lên 4. 800 tấn. Sự tăng vọt này là kết quả của sự tập trung mới vào việc nuôi cá coho ở Chile (bắt đầu từ năm 2019) với mục tiêu củng cố vị thế của ngành hàng này tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nguồn cung dư thừa đã khiến người nuôi cá hồi Chile phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Trong cùng thời kỳ, sản lượng thu hoạch cá hồi vân của Chile (rainbow trout) đã tăng 11,3% lên 52.100 tấn. Trong khi đó, những người nuôi cá hồi Na Uy thu hoạch 12,5 triệu con, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Cá hồi sống trong tự nhiên

Hoạt động sản xuất yếu kém và chi phí cao liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đánh bắt cá hồi hoang dã vào năm 2020 ở Alaska và vùng Viễn Đông của Nga. Theo báo cáo, 272.000 tấn cá hồi đã được đánh bắt trong ngành thủy sản Nga, thấp hơn 40% so với năm 2019 và ít hơn 50% so với năm 2018. Tại Alaska, sản lượng đánh bắt đạt khoảng 241.000 tấn, thấp hơn 42% so với năm 2019 và 12% so với năm 2018.

Thị trường

Cũng như ở các thị trường thủy sản khác, nhu cầu cá hồi bị ảnh hưởng đáng kể bởi lệnh phong tỏa, cùng với việc đóng cửa kinh doanh các nhà hàng và những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh khác diễn ra khắp toàn cầu bắt đầu từ năm 2020. Những thay đổi quan trọng nhất để tạo động lực trên thị trường đó là việc khai thác kênh bán lẻ, nhu cầu tăng mạnh đối với các sản phẩm sơ chế/ chế biến sẵn. Cùng với đó là sự gia tăng của các dịch vụ giao hàng tận nhà và các kênh phân phối thương mại điện tử. Tuy nhiên, cá hồi nói chung chống chọi với tác động của đại dịch tốt hơn hầu hết các loài thủy sản khác (nhất là tại thị trường châu Âu). Cùng với kinh nghiệm tiếp thị và nguồn lực tài chính mạnh của ngành cá hồi, đã hỗ trợ tích cực cho những điều chỉnh cần thiết, chuyển trọng tâm bán hàng sang kênh bán lẻ, thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Sự chuyển đổi này còn được hỗ trợ bởi sự giảm giá được nhìn thấy trong 6 tháng cuối năm 2020, mở ra nhiều cơ hội cho các chiến dịch khuyến mại. Thậm chí, một số bên liên quan trong ngành cá hồi còn nhận định: Nhu cầu bán lẻ mới phát triển thực tế đã bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm doanh thu từ hoạt động dịch vụ ăn uống.

Năm 2020, sự ổn định tương đối ở hầu hết các thị trường cá hồi trên thế giới, nhưng cũng có một số ngoại lệ. Trong những năm gần đây, thị trường Trung Quốc là mục tiêu quan trọng của nhiều nước trong những nỗ lực tiếp thị cá hồi. Điểm khác biệt so với các thị trường khác là phần lớn tiêu thụ cá hồi ở Trung Quốc đều rơi vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, lượng tiêu thụ tại nhà rất hạn chế. Theo quan điểm của ngành cá hồi, tình trạng này ở thị trường Trung Quốc đã làm tăng tác động tiêu cực của việc đóng cửa nhà hàng, nhất là sau khi phát hiện ra dấu vết của COVID-19 trên thớt dùng cho cá hồi nhập khẩu tại một chợ ở Bắc Kinh, đã dẫn đến việc ngừng hoạt động gần như hoàn toàn việc nhập khẩu cá hồi tươi. Để đáp lại, ngành công nghiệp Chile đã cam kết chi 200.000 USD cho một chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số để phục hồi nhu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, lại không có bằng chứng khoa học nào chứng minh có sự liên kết giữa cá hồi nuôi với sự lây lan của vi rút corona.

Tại Liên bang Nga, nhu cầu cá hồi nhìn chung suy yếu. Từ năm 2014, Nga đã thực thi lệnh cấm vận đối với cá hồi từ một số nước phương Tây, trong đó có Na Uy. Suy thoái thị trường đang tạo ra khó khăn cho các nhà xuất khẩu ở Chile và Quần đảo Faroe, những người đang tìm cách lấp đầy khoảng trống mà các đối tác Na Uy để lại. Chile cũng hợp tác tích cực với Hoa Kỳ và Brazil, nhưng cả hai quốc gia này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ngoài ra, nguồn cung cá hồi tươi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc hủy bỏ các chuyến bay (vốn là một trong những phương tiện vận chuyển chính mặt hàng cá hồi tươi).

Chi phí vận chuyển hàng không cao hơn đáng kể. Cùng với việc ngừng cung cấp dịch vụ thực phẩm nhà hàng quy mô lớn, đã tạo ra một thị trường đầy thách thức cho cá hồi philê tươi của Chile, trong đó doanh số nhà hàng ở Hoa Kỳ là đại diện cho một nguồn cầu quan trọng.

Thương mại

Trong 6 tháng đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, giá trung bình của xuất khẩu cá hồi Đại Tây Dương tươi nguyên con của Na Uy vẫn tăng lên so với cùng kỳ năm 2019. Với khối lượng vẫn ở mức tương tự (khoảng 500.000 tấn), điều này có nghĩa là tăng doanh thu 598 triệu NOK trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu cá hồi sang Liên minh châu Âu, thị trường quan trọng nhất của Na Uy, bị chậm lại trong thời kỳ cao điểm của đợt dịch COVID-19 đầu tiên nhưng sau đó khối lượng phục hồi nhanh chóng. Trái lại, xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang Trung Quốc đã có nhiều biến động trong năm 2020, giảm gần như bằng 0 vào tháng 2 với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên diện rộng, phục hồi lại, rồi tiếp tục giảm vào tháng 6 do nhập khẩu cá hồi tươi bị ngừng do nghi ngờ về nguy cơ lây nhiễm. Tổng nhập khẩu cá hồi tươi của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm 40.000 tấn, giảm khoảng 50%. Về phía Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC) đã báo cáo mức tăng trưởng ổn định ở thị trường Hàn Quốc, nơi doanh số thương mại điện tử đối với cá hồi đã nhanh chóng thay thế nhu cầu dịch vụ thực phẩm bị mất trong đại dịch.

Tại Chile, trong 6 tháng đầu năm 2020, 246.806 tấn cá hồi Đại Tây Dương đã được xuất khẩu với trị giá 1.731 triệu USD, tăng 2,62% về khối lượng và giảm 12,9% về giá trị. Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu của cá hồi Đại Tây Dương Chile. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (the US National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), nhập khẩu cá hồi vào Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 214.140 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 2% về lượng và giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các lô hàng của Chile sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng về lượng (+10%) nhưng giảm về giá trị (-1,6%). Các nhà xuất khẩu Chile đang tích cực tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số tại Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, nhập khẩu cá hồi được báo cáo đã tăng 5% trong nửa đầu năm 2020 lên 120.000 tấn. Thành phần chính của sự gia tăng này là cá coho nuôi của Chile, vốn có nguồn cung dư thừa trong năm 2020. Giá nhập khẩu cá hồi trung bình của Chile giảm đồng nghĩa với việc tổng nhập khẩu cá hồi của Nhật Bản giảm 10% về giá trị trong nửa đầu năm 2020 so với nửa đầu năm 2019. Ngoài ra, Chile đã xuất khẩu 82.764 tấn cá coho (+8,6%), đạt trị giá 421 triệu USD (-17%) và 30.778 tấn cá hồi vân (+6,7%), trị giá 271 triệu USD (+2,54%) trong nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, Na Uy xuất khẩu 31.600 tấn cá hồi vân trị giá 1,8 tỷ NOK so với cùng kỳ, tương ứng lần lượt tăng 29% về khối lượng và tăng 10% về giá trị.

Giá cả

Năm 2020, nguồn cung tăng cùng với thị trường không ổn định đã đẩy giá cá hồi giảm xuống thấp trong 6 tháng đầu năm. Trong tuần 41, chỉ số cá hồi NASDAQ, đo giá xuất khẩu trung bình đối với cá hồi Đại Tây Dương nuôi, tươi sống nguyên con của Na Uy là 43,39 NOK (4,70 USD)/kg, so với 45,70 NOK (5,01 USD)/kg trong tuần 41 năm 2019. Trong khi đó, giá tháng 9 đối với philê tươi cá hồi Chile xuất sang Hoa Kỳ đã giảm xuống 3,95 USD/kg, so với 4,95 USD cùng kỳ năm 2019. Cụ thể ở Chile, mức giá này đang tiến gần đến mức hòa vốn đối với một số công ty cá hồi.

Dự báo

Trong khi giá cá có phần chững lại so với mức cao lịch sử đạt được trong những năm gần đây, ngành cá hồi nói chung vẫn rất lạc quan. Lợi nhuận bán lẻ đã bù đắp phần lớn cho các khoản lỗ trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống tại nhà hàng và những khoản lợi nhuận này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian sau này (ngay cả khi lĩnh vực khách sạn được mở cửa trở lại hoàn toàn). Việc áp dụng rộng rãi hơn các dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng tận nhà, cũng như các sản phẩm mới tập trung phục vụ hoạt động nấu nướng tại nhà đã thể hiện sự phát triển thị trường có lợi trong dài hạn.

Đồng thời, sản lượng cá hồi của Chile dự kiến ​​sẽ giảm mạnh, gần 10% vào năm 2021 do khó khăn về COVID-19 và điều kiện thị trường yếu. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế chung và giúp duy trì sự cân bằng thị trường. Trong khi đó, ở Na Uy, sản lượng được dự báo sẽ tăng khoảng 4% vào năm 2021, và thu hoạch ở Scotland được dự đoán sẽ tăng 2%. Dự báo giá của cá hồi Đại Tây Dương tươi nguyên con của Na Uy trong năm 2021 ổn định ở mức 60 NOK (6,49 USD)/kg, phản ánh triển vọng thị trường lạc quan vừa phải. Trong dài hạn, mức độ thích ứng và khả năng cạnh tranh trong sản xuất cá hồi tiếp tục tăng lên. Một báo cáo gần đây của Kontali đã chỉ ra rằng các dự án được lên kế hoạch tại thời điểm hiện tại sẽ tương đương với mức tăng là 1,7 triệu tấn sản lượng khi hoàn thành.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc