Triển vọng ảm đạm đối với cá đáy khi tác động của COVID-19 ngày càng gia tăng (27-01-2021)

Mặc dù nhu cầu nhìn chung khá ổn định, nhưng dự kiến ​​sẽ yếu đi do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch. Giá dự kiến ​​sẽ giảm khi nhu cầu và sức mua suy yếu trên nhiều thị trường. Nguồn cung dự kiến ​​sẽ giảm phần nào, đặc biệt là đối với cá minh thái Alaska.
Triển vọng ảm đạm đối với cá đáy khi tác động của COVID-19 ngày càng gia tăng
Ảnh minh họa

Nghề cá tuyết Đại Tây Dương của vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và Canada là một câu chuyện về Sự phong phú nguồn lợi thủy sản - Nạn lạm thác (đánh bắt quá mức) - Suy giảm nguồn lợi - Cạn kiệt nguồn lợi. Trong những năm 1960 - 1970, ngành khai thác cá tuyết Đại Tây Dương của Đông Bắc Hoa Kỳ và Canada đạt sản lượng 300.000 đến 400.000 tấn mỗi năm, và vào đầu những năm 1980, sản lượng đánh bắt đã tăng lên hơn 560.000 tấn, vào đầu thế kỷ này thì tất cả đã kết thúc. Trong năm 2017, tổng sản lượng khai thác cá tuyết Đại Tây Dương của Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn 842 tấn, trong khi sản lượng cập cảng của Canada giảm xuống còn 22.743 tấn.

Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí đã đề xuất cắt giảm thêm tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) cho cá tuyết ở Tây Baltic giảm 11%, xuống còn 395 tấn; Đối với Đông Baltic thì Ủy ban đề xuất cắt giảm 70% xuống còn 595 tấn. Theo Quy định thực thi của Ủy ban châu Âu 2019/1248 ngày 22 tháng 7 năm 2019, đánh bắt cá tuyết bị cấm trong phân khu “ICES 24, 25 and 26 Baltic subdivision”.

Vào tháng 9 năm 2020, có nguồn tin cho biết ngành cá minh thái Alaska ở Liên bang Nga có thể bị cắt giảm 50% trong hạn ngạch năm 2021, nhưng theo Hiệp hội những người đánh bắt cá minh thái Nga (the Russian Pollock Catchers Association) hạn ngạch sẽ giảm từ 15% đến 20% vào năm 2024, dao động trong khoảng 1,60 đến 1,65 triệu tấn. Hạn ngạch năm 2020 là 1,83 triệu tấn. Đây là mức cao nhất trong 20 năm qua, trong đó có tới 1,2 triệu tấn được phân bổ chỉ riêng cho vùng biển Okhotsk. Tính đến ngày 14 tháng 9 năm 2020, sản lượng khai thác cá minh thái Alaska của Nga đạt 1,545 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường

Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (the Association of Genuine Alaska Pollock Producers - GAPP) đang đẩy mạnh nỗ lực tiếp thị ở Châu Âu. Hiệp hội đang tiến hành nghiên cứu thị trường tại một số thị trường chính của cá minh thái Alaska, bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland). Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (GAPP) đang đầu tư hơn 1 triệu USD vào việc nghiên cứu, xác định nhu cầu đối với cá minh thái Alaska ở thị trường Châu Âu. Điểm nhấn là nguồn gốc của sản phẩm: “Cá minh thái Alaska khai thác trong tự nhiên” (Wild Alaska Pollock).

Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (GAPP) cũng rất tích cực trên thị trường Bắc Mỹ và hiện đang có kế hoạch mở rộng “Tuần lễ cá minh thái Alaska có nguồn gốc tự nhiên” (Wild Alaska Pollock Week) từ cơ sở ở Seattle đến các thành phố khác. Đặc biệt, Hiệp hội GAPP đang nhắm đến lĩnh vực nhà hàng, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động xấu của đại dịch COVID-19. Mặc dù trong lĩnh vực bán lẻ, cá minh thái Alaska là một mặt hàng phổ biến tại các cửa hàng thức ăn nhanh (fast-food) và quầy thực phẩm đông lạnh, nhưng cá minh thái Alaska không thành công trong phân khúc dịch vụ ăn uống tại nhà hàng (the white-tablecloth restaurant). Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (GAPP) hy vọng sẽ thay đổi điều này với chiến dịch “Đưa cá minh thái Alaska có nguồn gốc tự nhiên vào các nhà hàng cao cấp”. Nhu cầu đối với cá minh thái Alaska ở Liên minh châu Âu đang tăng mạnh và đạt mức cao nhất vào năm 2019, khi tổng cộng 305.000 tấn được nhập khẩu (ở tất cả các dạng sản phẩm). Điều này đã thể hiện nhu cầu đối với cá minh thái Alaska ở Liên minh châu Âu năm 2019 tăng 9% so với năm 2018. Giá cũng tăng lên, dẫn tới giá trị kim ngạch nhập khẩu cá minh thái Alaska của Liên minh châu Âu tăng 38%, đạt 840 triệu EUR.   

Trong số các nhà nhập khẩu trên thế giới, Hoa Kỳ (95.000 tấn), Liên minh Châu Âu (44.000 tấn) và Trung Quốc (165.000 tấn) chiếm phần lớn lượng nhập khẩu toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là nhà chế biến chính sản phẩm cá minh thái Alaska dành cho thị trường Liên minh Châu Âu; đã nhập khẩu khoảng 93% trong tổng khối lượng nhập khẩu cá minh thái Alaska từ châu Âu (bao gồm cả mặt hàng cá minh thái philê đông lạnh). Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2019 tiếp tục kéo dài sang năm 2020, nhập khẩu của châu Âu đã tăng 2% lên 87.000 tấn trong nửa đầu năm 2020.

Thương mại

Xuất khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Na Uy duy trì mức độ ổn định trong suốt ba năm qua. Xuất khẩu trong nửa đầu năm 2020 đạt 29.923 tấn, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm một chút (-7,3%) xuống 11.804 tấn, trong khi xuất khẩu sang Lithuania tăng 23% lên 9.923 tấn. Xuất khẩu cá tuyết tươi của Na Uy giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2020, từ 28.211 tấn năm 2019 xuống 27.317 tấn năm 2020. Tuy nhiên, đơn giá tăng khiến giá trị FOB xuất khẩu tăng từ 1,05 tỷ NOK (tương đương 115 triệu USD) vào năm 2019 lên 1,09 tỷ NOK (120 triệu USD) vào năm 2020.

Xuất khẩu cá minh thái Alaska của Nga trong nửa đầu năm 2020 đã tăng so với cùng kỳ năm 2019, từ 497.957 tấn lên 510.800 tấn. Một lần nữa, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm, nhưng xuất khẩu sang Hàn Quốc lại tăng mạnh (+23,2%) và tăng vừa phải sang Belarus. Hà Lan đã nhập khẩu tăng hơn 34,5% cá tuyết nguyên con đông lạnh trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Nhà cung cấp lớn nhất là Na Uy, chiếm hơn 50%, tiếp theo là Liên bang Nga và Quần đảo Faroe.

Nhập khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh của Trung Quốc gần như vẫn tương đương với mức của cùng kỳ năm 2019, chỉ giảm 1,0%. Nhà cung cấp lớn nhất là Liên bang Nga, tăng 2,4% lên 434.958 tấn, trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm 33,3% xuống 16.808 tấn. Xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh của Trung Quốc đã giảm đáng kể 30% trong nửa đầu năm 2020. Các lô hàng đến thị trường lớn nhất là Đức, giảm hơn 33%, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm gần 40%. Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh cắt khoanh (round frozen cod) vào thị trường Trung Quốc giảm nhẹ trong sáu tháng đầu năm, từ 89.885 tấn năm 2019 xuống 80.777 tấn năm 2020. Liên bang Nga là nhà cung cấp chính, chiếm 45.890 tấn, tương đương 57% tổng lượng nhập khẩu cá tuyết đông lạnh cắt khoanh vào thị trường Trung Quốc, tiếp theo là Na Uy chiếm hơn 19%. Trung Quốc đã xuất khẩu 48.426 tấn philê cá tuyết đông lạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2019 (58.494 tấn). Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 10%, trong khi xuất khẩu sang Đức giảm tới 35%.

Surimi

Khai thác surimi ở Alaska trong vụ B đã có một khởi đầu chậm, với sản lượng khai thác thấp hơn với rất nhiều cá nhỏ. Tốc độ đánh bắt tính đến ngày 8 tháng 8 năm 2020 là 67% hạn ngạch, so với 74% trong cùng kỳ năm 2019. Sản lượng surimi cho đến ngày 8 tháng 8 năm 2020 là 41.000 tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu cá minh thái Alaska của Mỹ sang Nhật Bản đã giảm. Trong nửa đầu năm 2020 (từ tháng 1 đến đầu tháng 7), khối lượng xuất khẩu giảm mạnh (-74%) xuống còn 18.896 tấn, giảm từ 73.131 tấn trong cùng kỳ năm 2019. Đơn giá cũng giảm khoảng 7%. Trái lại, trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu cá minh thái Alaska của Mỹ sang Liên minh Châu Âu đã tăng 30%. Khối lượng xuất khẩu tăng từ 13.132 tấn năm 2019 lên 17.070 tấn năm 2020. Giá cũng tăng, dẫn tới giá trị xuất khẩu tăng từ 34,1 triệu USD lên 46,0 triệu USD (+35%).

Giá cả

Mùa cá minh thái Alaska bắt đầu chậm có thể dẫn đến giá tăng lên. Giá cá minh thái Alaska rút xương (pin-bone out) đã giảm kể từ cuối năm 2019, nhưng do nguồn cung hiện đang thắt chặt, các nhà sản xuất đang kỳ vọng rằng giá sẽ phục hồi.

Giá cá tuyết có xu hướng tăng trong khoảng 5 năm qua, nhưng đại dịch COVID -19 đã cản trở xu hướng tăng lên của giá. Lĩnh vực nhà hàng thực tế đã đóng cửa, doanh số bán hàng thông qua lĩnh vực dịch vụ ăn uống suy giảm đáng kể, trong khi lĩnh vực bán lẻ chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Dự kiến, nhu cầu thấp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và doanh số tăng mạnh trong lĩnh vực bán lẻ. Tình trạng này đã tiếp tục trong những tháng cuối cùng của năm 2020.

Với sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, tại thị trường Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, giá philê cá đáy giảm do sự suy yếu trong kinh doanh mặt hàng cá và khoai tây chiên (fish-and-chips). Tuy nhiên, nhu cầu đã nhanh chóng phục hồi khi các cửa hàng bắt đầu áp dụng hình thức giao hàng tận nhà và sau đó mở cửa trở lại. Cá haddock (một loài cá tuyết có màu xám bạc, sống ở tầng đáy của vùng biển Bắc Đại Tây Dương, phổ biến như một loại thực phẩm thủy sản, có giá trị thương mại cao) và cá tuyết đều phục hồi về giá sau đợt giảm giá ban đầu do dịch bệnh. Đến đầu tháng 8 năm 2020, nhu cầu cá haddock và cá tuyết đã tăng lên. Các nhà quan sát đang kỳ vọng giá sẽ tiếp tục ổn định và có thể tăng lên, trừ khi tình hình COVID-19 không chuyển biến xấu hơn nữa.

Dự báo

Đánh giá mức độ tác động của đại dịch COVID-19 có lẽ chưa thể thực hiện một cách toàn diện ở thời điểm này. Các nhà quan sát đã đề cập đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, với sức mua giảm ở hầu hết các thị trường trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và giá của các loài cá đáy.

Nguồn cung cấp cá minh thái Alaska dự kiến sẽ thắt chặt do vụ B ở Alaska đã bắt đầu muộn và cá khai thác được có kích cỡ nhỏ. Tuy nhiên, điều này vô tình lại giúp chống lại các tác động xấu do suy thoái kinh tế gây ra. Cụ thể là, giá cá minh thái Alaska có thể cao hơn dự kiến. Nhu cầu về cá tuyết và một số loài cá đáy khác đã ổn định trở lại sau đợt dịch bệnh COVID-19, nhưng giá bắt đầu giảm nhẹ.

Doanh số cá tươi giảm do lĩnh vực dịch vụ nhà hàng đóng cửa. Bên cạnh đó, doanh thu các mặt hàng cá đáy cũng được phục hồi nhờ các phương pháp tiếp cận bán hàng sáng tạo, như: dịch vụ giao hàng tận nhà (home delivery) và mua hàng mang về (take-out), nhưng dự báo chung vẫn có sự suy giảm trong toàn ngành hàng. Các nhà xuất khẩu Mỹ Latinh cho biết nhu cầu cao đối với cá hake, trong khi các nhà sản xuất Nam Phi và Namibia có nhu cầu ổn định.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc