Nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm cá ngừ không đóng hộp đang giảm dần (12-01-2021)

Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020, sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới vẫn ở mức thấp tới trung bình, trong khi giá cá ngừ vằn tăng từ 15% đến 20% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực cá ngừ đóng hộp vẫn có nhu cầu tốt trong cuộc khủng hoảng đại dịch khó khăn này.
Nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm cá ngừ không đóng hộp đang giảm dần

Nguồn cung

Nhìn chung, sản lượng khai thác cá ngừ ở các ngư trường lớn trên toàn thế giới đều đạt ở mức thấp trong quý 3 năm 2020. Sản lượng đánh bắt kém ở Tây và Trung Thái Bình Dương (the Western and Central Pacific Ocean - WCPO) trong suốt 3 tháng FAD đóng cửa đánh bắt (từ tháng 7 đến tháng 9). Ở Đông Thái Bình Dương (the Eastern Pacific Ocean - EPO) thì cá ngừ đổ bộ với mức vừa phải trong 72 ngày đầu tiên áp dụng lệnh cấm đánh bắt ‘veda’ (từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 8 tháng 10 năm 2020) khi 46% hạm đội Đông Thái Bình Dương ngừng hoạt động.

Sản lượng khai thác ở Ấn Độ Dương cũng thấp trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2020 nhưng được cải thiện trong tháng 9 với việc giảm bớt nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy đồ hộp trong khu vực cũng như cung cấp cho hoạt động trung chuyển. Đánh bắt cá ngừ ở Đại Tây Dương duy trì ở mức thấp đến trung bình trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020 đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy đồ hộp ở Abidjan.

Nhập khẩu nguyên liệu thô

Nhu cầu cá ngừ đóng hộp trên toàn thế giới tăng đã giúp doanh số bán cá ngừ đông lạnh và thăn nấu chín tăng mạnh với mức giá cao hơn năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cá ngừ vằn đông lạnh của Thái Lan giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019, xuống 208.000 tấn, cho thấy nguồn dự trữ nội địa tốt cho các hoạt động của nhà máy đóng hộp. Nhập khẩu cá ngừ vây vàng đông lạnh, cá ngừ albacore và thăn lưng đông lạnh nấu chín trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Nhập khẩu cá ngừ đông lạnh của Philippines cũng tăng trong giai đoạn xem xét lên 80.115 tấn (so với 64.350 tấn vào năm 2019), trong đó 74% là cá ngừ vằn, do nhu cầu tăng từ thị trường xuất khẩu đối với thăn nấu chín và cá ngừ đóng hộp. Tây Ban Nha đã nhập khẩu 146.785 tấn cá ngừ nguyên liệu, tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng số này bao gồm gần 70.000 tấn thăn đông lạnh nấu chín và 77.000 tấn cá ngừ đông lạnh nguyên con (trong đó có 47.500 tấn cá ngừ vây vàng và 24.000 tấn cá ngừ vằn). Nhập khẩu cá ngừ đông lạnh của Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 đã giảm từ 38.710 tấn năm 2019 xuống chỉ còn 14.735 tấn năm 2020. Tuy nhiên, các báo cáo trong ngành cho thấy việc thương nhân Trung Quốc mua cá sống ở vùng biển khơi để chế biến thành thăn đông lạnh nấu chín đã tăng lên. Xuất khẩu sản phẩm này của Trung Quốc sang Liên minh Châu Âu đã tăng 45% lên 37.630 tấn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh (không đóng hộp)

Kể từ khi bùng phát COVID-19, buôn bán cá ngừ tươi (cả xuất khẩu và nhập khẩu) vẫn bị hạn chế trên toàn thế giới do doanh số nhà hàng giảm và các chuyến bay quốc tế hạn chế. Nhu cầu đối với thăn cá ngừ đông lạnh tốt hơn, nhưng với mức khối lượng thấp hơn.

Nhật Bản

Trong ba quý đầu năm 2020, doanh số bán hải sản ở Nhật Bản (bao gồm cả cá ngừ sashimi) đã giảm 40-50% do hoạt động kinh doanh của các cửa hàng sushi, nhà hàng, khách sạn và siêu thị bị thu hẹp. Thị trường Nhật Bản chỉ nhập khẩu 3.670 tấn cá ngừ tươi từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, thấp hơn gần 38% so với cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu thăn cá ngừ đông lạnh sâu (deep frozen tuna loins) giảm 9,6% xuống còn 29.230 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trái lại, nhập khẩu cá ngừ đông lạnh đã tăng 21% trong giai đoạn này do nguồn cung cá ngừ vằn tăng 62% dùng để chế biến cá ngừ đóng hộp và các sản phẩm khô/ giăm bông. Không giống như những năm trước, doanh số bán cá ngừ sashimi vẫn giảm trong kỳ nghỉ hè tháng 7 - tháng 8, do nhiều người Nhật hạn chế đi du lịch địa phương và ở nhà do lo ngại dịch bệnh.

Mỹ

Nhu cầu nhà hàng kém khiến thị trường cá ngừ không đóng hộp của Mỹ tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh trong 6 tháng giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Phi lê cá ngừ đông lạnh chiếm ưu thế về nguồn cung ở mức 17.225 tấn, tuy nhiên, nhập khẩu sản phẩm này lại giảm 14%.

Thị trường khác

Đáng chú ý, nhập khẩu thăn cá ngừ đông lạnh vẫn ổn định ở thị trường Liên minh Châu Âu với mức tăng nhập khẩu vừa phải (+5% lên 17.110 tấn) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Trong số các thị trường hàng đầu, nhập khẩu tăng ở Pháp (+12%), Ý (+5.0%) và Đức (+30%), nhưng giảm ở Tây Ban Nha (-6.0%) và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (-5.7%).

Nhập khẩu thăn cá ngừ đông lạnh cũng giảm 28% xuống còn 650 tấn tại Liên bang Nga trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Nhập khẩu tại Hàn Quốc thấp hơn 13% ở mức 3.700 tấn. Xu hướng suy yếu trong ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế nhập khẩu 60% xuống chỉ còn 180 tấn trong giai đoạn này.

Thương mại cá ngừ đóng hộp

Nhu cầu của các hộ gia đình đối với các gói bán lẻ cá ngừ đóng hộp và các loại cá ngừ chế biến khác tăng mạnh ở các thị trường truyền thống và thị trường mới nổi có liên quan đến cuộc khủng hoảng của đại dịch năm 2020. Trong khi đó, sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm diễn ra rất chậm ngay cả trong những tháng nghỉ hè ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Nhu cầu nhập khẩu thăn cá ngừ đông lạnh nấu chín cũng tăng từ các nhà máy đồ hộp châu Âu và từ Thái Lan để chế biến các gói bán lẻ giá trị gia tăng.

Xuất khẩu

Sản lượng cá ngừ chế biến và xuất khẩu tiếp tục tăng ở tất cả các khu vực (trong 6 tháng đầu năm 2020). Xuất khẩu tăng từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Tại châu Phi, nguồn cung từ Mauritius và Ghana giảm nhưng lại tăng từ Senegal và Madagascar. Xuất khẩu tăng từ Ecuador, Mexico, El-Salvador, Peru, Costa Rica và Colombia. Tại châu Âu, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Bồ Đào Nha đều báo cáo xuất khẩu tăng với thương mại nội khối EU tăng mạnh.

Nhập khẩu

Bắc và Nam Mỹ

Thị trường cá ngừ đóng hộp vẫn mạnh ở Châu Mỹ. Tại Hoa Kỳ, nhu cầu bán lẻ đối với các sản phẩm thông thường (cá ngừ ngâm dầu, ngâm nước muối) và các sản phẩm có giá trị gia tăng (đựng trong túi, đựng trong cốc) đều tăng mạnh, nhưng vẫn yếu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Hoa Kỳ cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục tăng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 (+24%) so với cùng kỳ năm 2019. Dẫn đầu là các nhà cung cấp Thái Lan (+ 33%), Ecuador (-14%), Việt Nam (-2.6%) và Mexico (tăng mạnh, +196%).

Tại Canada, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong nửa năm đầu năm 2020 tăng 28,6% lên 20.344 tấn, trong đó 84% do Thái Lan cung cấp. Tại Nam Mỹ, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tăng ở Colombia, Peru và Chile trong giai đoạn này, nhưng giảm ở Brazil (-50% xuống chỉ còn 734 tấn) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020.

Liên minh Châu Âu

Ở châu Âu, tiêu thụ tại nhà đối với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp/ chế biến sẵn tăng lên, trong khi nhu cầu ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA) giảm đáng kể trong suốt cả năm 2020. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung vào thị trường Liên minh châu Âu từ những nước không phải là thành viên của EU. Các nhà đóng hộp của châu Âu ở những nước như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha phần lớn đều được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu bán lẻ.

Nhập khẩu ngoài EU của nhóm sản phẩm này (HS 160414) là 300.110 tấn (+9%), trong đó 35% (tương đương 105.430 tấn) là thăn cá ngừ đã nấu chín. Các nhà cung cấp hàng đầu là Trung Quốc, Ecuador, Indonesia, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Bên ngoài châu Âu, nhập khẩu ở Thụy Sĩ cao kỷ lục ở mức 5.705 tấn với mức tăng 49% về khối lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020. Tại Liên bang Nga, nhập khẩu cũng tăng 18,5% lên 3.950 tấn so với 3.333 tấn trong cùng kỳ năm 2019. Ukraine đạt mức tăng là 86% về khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020.

Châu Á / Thái Bình Dương và các nước khác

Đối với ngành cá ngừ đóng hộp của châu Á thì khu vực Trung Đông và Bắc Phi (the Middle East and North Africa - MENA) vẫn là một thị trường trọng điểm quan trọng để phát triển. Lũy kế nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại khu vực này ước tính đạt 130.000 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, giảm 7% do nhập khẩu giảm ở Ai Cập (-4%). Tuy nhiên, nhu cầu tổng thể của khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn rất tích cực trong bối cảnh đại dịch khủng hoảng.

Tại Đông Á và Thái Bình Dương, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tăng ở Nhật Bản, Úc, Singapore, Malaysia, Đài Loan (thuộc Trung Quốc) và Sri Lanka trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Tiêu thụ nội địa cũng tăng ở hai cơ sở  sản xuất lớn là Thái Lan và Philippines.

Giá cả

Nhu cầu cá ngừ đóng hộp tăng cao và sản lượng khai thác tương đối thấp ở các khu vực đánh bắt chính đã đẩy giá cá ngừ vằn đông lạnh cao hơn 20% trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Vào tháng 9 năm 2020, giá cá ngừ vằn giao đến Bangkok từ Tây Thái Bình Dương đạt 650 USD/tấn. Tuy nhiên, giá đã giảm gần một nửa, xuống còn 350 USD/tấn vào giữa tháng 10 năm 2020.

Tại Ecuador, giá cá ngừ vằn tăng lên 850 USD/tấn vào tháng 9 nhưng giảm xuống còn 650 USD/tấn vào tháng 10. Xu hướng giá này khiến các sản phẩm cá ngừ của Ecuador trở nên đắt đỏ đối với người mua châu Âu so với các sản phẩm thay thế khác đến từ châu Á. Giá cá ngừ vằn đông lạnh ở châu Âu vẫn ổn định trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2020 nhưng giá suy yếu đối với cá ngừ vây vàng (do nhu cầu thấp hơn từ các nhà máy đồ hộp Tây Ban Nha). Giá thăn cá ngừ vằn đông lạnh nấu chín vẫn ổn định ở châu Âu.

Dự báo

Hoạt động đánh bắt thường xuyên, liên tục, đã bắt đầu tại Tây và Trung Thái Bình Dương (the Western and Central Pacific Ocean - WCPO) từ ngày 1 tháng 10 năm 2020. Sản lượng đánh bắt đã được EPO báo cáo đạt được ở mức vừa phải và có thể tiếp tục duy trì như vậy cho đến khi có lệnh cấm đánh bắt "veda" thứ hai –bắt đầu từ ngày 9 tháng 11 năm 2020 (lệnh cấm đánh bắt ‘veda’ đầu tiên kéo dài trong 72 ngày, từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 8 tháng 10 năm 2020). Đánh bắt cá ngừ ở Ấn Độ Dương cũng được cải thiện trong tháng 10 năm 2020 cho phép nhiều tàu trung chuyển hơn từ nguồn này. Ngoài ra, tình trạng nguồn cầu giảm (đặc biệt là cá ngừ vằn từ các nhà máy đồ hộp Thái Lan) được dự báo sẽ xảy ra trong những tháng tới. Tất cả những yếu tố này có khả năng khiến giá cá ngừ vằn chịu áp lực trong thời gian hai tháng (từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020).

Đối với cá ngừ đóng hộp, nhu cầu bán lẻ có thể sẽ vẫn ổn định ở Hoa Kỳ. Về sản xuất mặt hàng đóng gói sẵn, tiện lợi cho tiêu dùng, các nhà sản xuất châu Âu sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các mặt hàng thăn cá ngừ đông lạnh nấu chín nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, bài toán về nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trong tương lai vẫn chưa có lời giải chắc chắn cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lắng xuống.

Đối với lĩnh vực cá ngừ không đóng hộp, việc kinh doanh cá ngừ tươi sẽ bị hạn chế. Nhu cầu của các nhà hàng đối với cá ngừ (sushi và sashimi) có thể rất khó đoán ở mọi thị trường. Điều này có thể hạn chế hơn nữa nhu cầu đối với thăn cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to đông lạnh sâu (deep frozen bigeye and bluefin loins) dùng cho sashimi và sushi, đặc biệt là ở Nhật Bản.

Nhu cầu đối với thăn cá ngừ đông lạnh (không dùng làm sashimi) có thể được cải thiện, dùng để tiêu thụ tại nhà ở các thị trường phương Tây. Tại Nhật Bản, tiêu thụ cá ngừ sashimi có thể tăng trong giai đoạn tiêu thụ cao: cuối năm cũ/ bắt đầu năm mới. Doanh số bán hàng được dự đoán là sẽ tăng lên đối với các sản phẩm cá ngừ được đóng gói ở dạng mua-mang đi (take-away packs) hơn là các mặt hàng cá ngừ dùng trong dịch vụ ăn uống tại nhà hàng.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc