Năm 2021: Hạn ngạch cá trích tăng, cá thu giảm (08-01-2021)

Hội đồng Thám hiểm Biển Quốc tế đã công bố khuyến nghị sửa đổi hạn ngạch năm 2021 đối với vùng Đông Bắc Đại Tây Dương và đề xuất tăng 24% hạn ngạch cá trích, giảm 8% hạn ngạch cá thu. Nhu cầu đối với cá viên đông lạnh đang rất tốt, một phần do đại dịch COVID-19, vì người tiêu dùng đang có xu hướng mua cá đông lạnh để đảm bảo nguồn thực phẩm thủy sản trong thời kỳ khó khăn.
Năm 2021: Hạn ngạch cá trích tăng, cá thu giảm

Cá thu

Hội đồng Thám hiểm Biển Quốc tế (International Council for the Exploration of the Sea - ICES) đã công bố lời khuyên của mình cho mùa khai thác cá nổi năm 2021 ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Đối với cá thu, Hội đồng đề xuất giảm 8% hạn ngạch xuống 852.284 tấn. Vào năm 2020, tổng sản lượng được phép đánh bắt (TAC) đối với cá thu ở khu vực Đông Bắc Đại Tây Dương lên tới 1,1 triệu tấn (do một số quốc gia tự đặt hạn ngạch cho riêng mình, bên cạnh các hạn ngạch thương lượng).

Cuối tháng 9 năm 2020, hoạt động đánh bắt cá thu ở vùng biển Na Uy bị cản trở bởi thời tiết xấu. Gió rất mạnh đã khiến các đội tàu bị giữ chân trong cảng, không thể ra khơi. Tính chung cả tháng 9 năm 2020, chỉ có 3.300 tấn được cập cảng, mức sản lượng này rõ ràng quá thấp so với 139.000 tấn đã cập cảng vào tháng 9 năm 2015; Tháng 9 năm 2020 là tháng kỷ lục về mức sản lượng sụt giảm. Đến cuối tháng 9, các tàu của Na Uy mới cập bến vụ đầu tiên “cá thu mùa đông” (winter mackerel). Cá được đánh bắt ở phía Đông Shetland, nhưng chất lượng không tốt lắm.

Đối với Iceland, đã kết thúc mùa cá thu của mình. Hạn ngạch cho Iceland là 148.400 tấn, nhưng khi kết thúc năm đánh bắt, vẫn còn 18.900 tấn trong hạn ngạch. Tuy nhiên, ngư dân đã đánh giá tốt về mùa thu hoạch cá thu năm 2020. Sản lượng cập cảng cao hơn vụ khai thác năm 2019, với sản lượng đạt 125.500 tấn.

Một cuộc khảo sát quốc tế được tiến hành ở phía Đông Bắc Đại Tây Dương, hoàn thành vào đầu tháng 8 năm 2020, đã cho kết quả là: trữ lượng cá thu cao kỷ lục. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi 06 tàu nghiên cứu từ Na Uy, Iceland, Quần đảo Faroe, Greenland và Đan Mạch. Chỉ số điều tra về trữ lượng cá thu cao hơn 7% so với năm 2019. Trong khi cá thu không được tìm thấy ở vùng biển Greenlandic và giảm mạnh ở vùng biển Iceland. Cuộc khảo sát cũng cho thấy xuất hiện nhiều cá thu hơn trong vài năm trở lại đây ở các vùng biển miền Trung và Bắc của Na Uy.

Tồn kho cá thu ở các quốc gia đánh bắt thủy sản Bắc Đại Tây Dương tương đối thấp, đồng thời nhu cầu ở các thị trường lớn vẫn tốt. Do đó, giá tăng cao, tuy nhiên không cao như mức giá năm ngoái. Vào mùa thu năm 2019, giá cá thu vụ đầu của ngư dân Na Uy đạt mức cao nhất là 16 NOK/kg. Sau đó, giá giảm xuống khoảng 13 NOK/kg, vẫn được coi là mức giá khá tốt. Các nhà quan sát hiện kỳ ​​vọng giá sẽ ở quanh mức đó trong suốt cả năm 2021. Nhu cầu cá thu đông lạnh tốt, một phần cũng do đại dịch COVID-19, vì người tiêu dùng mua cá đông lạnh nhiều hơn.

Tại Hội nghị Biển Bền vững (the Marine Sustainability Conference) do Hiệp hội Nghề cá Quốc gia Peru (the National Fisheries Society in Peru) tổ chức vào tháng 7 năm 2020, các nhà khoa học cho biết sinh khối của cá thu đã tăng lên, bằng chứng là sản lượng đánh bắt của đội tàu đánh cá Peru tăng. Viện Hàng hải Peru (Peruvian Maritime Institute - IMARPE) cũng xác nhận điều này, có những thông tin chỉ ra rằng trong hai năm qua, số lượng cá thu dọc bờ biển Peru đã tăng lên.

Xuất khẩu cá thu nguyên con đông lạnh của Na Uy trong nửa đầu năm 2020 đã tăng ấn tượng 46,1% so với cùng kỳ năm 2019, lên 115.883 tấn. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính là Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ tăng 8,2% và 10,4% (tương đương tăng 16.161 tấn và 12.590 tấn) trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản tăng mạnh 45,4% (lên 11.536 tấn) và các nước khác tăng 67,8% lên 19.204 tấn.

Nhập khẩu cá thu nguyên con đông lạnh của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 nhìn chung vẫn ngang bằng so với cùng kỳ năm 2019 (ở mức 83.000 tấn). Tuy nhiên, đã có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Liên bang Nga đã tăng các chuyến hàng đến Trung Quốc lên 66%.

Cá trích 

Khuyến nghị mới cho năm 2021 của Hội đồng Thám hiểm Biển Quốc tế đối với các loài cá nổi Đông Bắc Đại Tây Dương bao gồm hạn ngạch cá trích tăng 24%, từ 525.594 tấn năm 2020 lên 650.033 tấn năm 2021. Do một số quốc gia đơn phương đặt hạn ngạch riêng nên tổng số của năm 2020 đã tăng lên 693.915 tấn. Thời điểm giữa tháng 9 năm 2020, nghề khai thác trứng cá trích (herring roe) ở Biển Bắc của Na Uy sắp kết thúc. Giữa tháng 9, 40.000 tấn cá trích trứng (roe herring) đã được đánh bắt. Nhu cầu đối với trứng cá trích trong năm 2020 cực kỳ tốt, giá trứng cá trích cũng rất tốt. Điều này chủ yếu do không đánh bắt được cá chuồn (capelin) ở Iceland và Na Uy trong năm 2020, và do đó không thu hoạch được trứng cá chuồn, và vì vậy trứng cá trích cũng được tiêu thụ nhiều hơn. 

Việc đánh bắt cá trích vụ đông ở Biển Bắc cho các mục đích khác nhau bắt đầu vào tuần 35 (ngày 1 tháng 9). Doanh thu của cá trích Biển Bắc đã giảm kể từ năm 2018, nhưng trái lại, giá đã tăng lên đáng kể. Giá của vụ thu hoạch đầu tiên trung bình khoảng 5,43 NOK/kg (năm 2019) nhưng sang năm 2020, giá đã tăng lên 6,42 NOK/kg.

Xuất khẩu cá trích nguyên con đông lạnh của Na Uy giảm 11,5% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 75.027 tấn. Trong khi xuất khẩu sang thị trường lớn nhất, là Ai Cập, giảm 1,7%, xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai, là Hà Lan, tăng 15,7%. Xuất khẩu cá trích nguyên con đông lạnh của Nga giảm 16,4% trong nửa đầu năm 2020, xuống còn 69.874 tấn. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm 57.338 tấn, bằng 82% tổng khối lượng xuất khẩu cá trích nguyên con đông lạnh của Nga.

Hàn Quốc nhập khẩu cá trích Nga ít hơn 62% trong giai đoạn này, trong khi Ukraine tăng nhập khẩu từ Liên bang Nga lên 4,2%. Nhập khẩu cá trích đã chế biến hoặc bảo quản của Đức đã tăng 15,7% trong nửa đầu năm 2020. Nhà cung cấp lớn nhất, là Ba Lan, đã tăng các lô hàng lên 23,3% đạt 18.730 tấn (chiếm 79% tổng khối lượng nhập khẩu cá trích đã chế biến/ bảo quản của Đức). Trái lại, nhà cung cấp lớn thứ hai cho Đức, là Đan Mạch, ghi nhận mức giảm 8,3% các lô hàng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019.

Cá cơm / cá sardine

Hội đồng Quản lý Nghề cá Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (US Pacific Fishery Management Council - PFMC) vào tháng 9 năm 2020 đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch tái xây dựng nghề cá sardine ở phía Bắc Thái Bình Dương. Kế hoạch bao gồm một lựa chọn giữ hạn ngạch tối đa ở mức 4.000 tấn mỗi năm, hoặc thay đổi tăng hoặc giảm tùy thuộc vào sinh khối. Quyết định này được hoan nghênh bởi những người đánh bắt cá thương mại, vì họ e ngại rằng sẽ có một giải pháp thay thế nghiêm ngặt hơn được đưa ra bởi các nhà bảo tồn nguồn lợi thủy sản và giải pháp nghiêm ngặt đó được chấp thuận. Việc tiếp tục cắt giảm hạn ngạch được các nhà bảo tồn ủng hộ, có thể khiến một số công ty phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghề đánh bắt cá sardine Thái Bình Dương có lịch sử lâu đời ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ, và việc sản xuất cá sardine đóng hộp ở khu vực này đã diễn ra trong hơn một thế kỷ qua.

Vào đầu tháng 8 năm 2020, Bộ Sản xuất Peru (Peru’s Production Ministry - PRODUCE) đã bắt đầu tiến hành mùa đánh bắt cá cơm tại khu vực phía Nam, với giới hạn đánh bắt là 435.000 tấn. Nghề đánh bắt cá cơm ở Peru được chia thành 02 khu vực Bắc-Trung và Nam, vì những vùng này có giới hạn đánh bắt (capture limit) và mùa vụ khai thác khác nhau. Ngành khai thác thủy sản ở khu vực Bắc-Trung kết thúc mùa vụ vào ngày 15 tháng 8 năm 2020 với một kết quả rất thành công, đạt gần 100% giới hạn đánh bắt 2,41 triệu tấn. Mùa khai thác ở khu vực phía Nam kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nhập khẩu cá sardine đông lạnh của Liên minh châu Âu từ Maroc dường như ít nhiều ổn định so với mức nhập khẩu của năm 2019. Tổng cộng 20.627 tấn đã được nhập khẩu từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 6 tháng 9 năm 2020, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị nhập khẩu bình quân tăng 20% ​​trong tháng 9 năm 2020.

Dự báo

Nguồn cung cá trích sẽ tăng vào năm 2021, trong khi nguồn cung cá thu có thể giảm nhẹ. Khuyến nghị của Hội đồng Thám hiểm Biển Quốc tế đã rất rõ ràng, nhưng đó không phải là mức hạn ngạch cuối cùng của năm. Thông thường, hạn ngạch cuối cùng của năm có xu hướng cao hơn những gì mà Hội đồng Thám hiểm Biển Quốc tế đã đề xuất. Giá cá thu có khả năng tăng cao hơn nữa, trong khi giá cá trích có nhiều khả năng sẽ giữ ổn định hoặc có thể giảm một chút. Nhu cầu đối với cả hai loài thủy sản này đều rất tốt. Trứng cá trích đang có cầu rất cao do trên thị trường đang thiếu vắng mặt hàng trứng cá chuồn. Vì cá chuồn (capelin) đã bị cấm khai thác ở cả Na Uy và Iceland vào năm 2021 nên sẽ không có mặt hàng trứng cá chuồn trên thị trường năm 2021, do đó, nhu cầu trứng cá trích rất lớn và giá trứng cá trích trên thị trường thế giới đang ở mức cao.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc