Nhiều quốc gia EU tiếp tục phạm luật, khai thác thủy sản quá mức (05-01-2021)

Bằng cách vượt quá (khoảng 35%) so với các khuyến cáo khoa học về giới hạn đánh bắt, các bộ trưởng thủy sản của EU rõ ràng đang coi thường các mục tiêu và nghĩa vụ pháp lý trong Chính sách thủy sản của EU, vốn yêu cầu tất cả các nguồn lợi thủy sản phải được khai thác bền vững.
Nhiều quốc gia EU tiếp tục phạm luật, khai thác thủy sản quá mức
Ảnh minh họa

Chính sách nghề cá chung của EU bắt buộc các quốc gia thành viên phải đạt sản lượng bền vững tối đa (maximum sustainable yield) năm 2020. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 12 vừa qua, các bộ trưởng thủy sản của EU đã quyết định đặt một phần ba hạn ngạch đánh bắt thủy sản ở Đại Tây Dương cho năm 2021 do EU độc quyền quản lý về giới hạn bền vững (sustainable limits) theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Hiện tại, trên thế giới, dẫn đầu về nạn lạm thác vẫn là vùng biển Địa Trung Hải.

Việc từ chối đưa ra các quyết định phù hợp với luật của EU bất chấp những lời nhắc nhở gay gắt, nhiều lần từ các Tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường; có liên quan đến các hội đồng nghề cá kể từ khi cải cách nghề cá được thực hiện vào năm 2013. Một số hạn ngạch, hay tổng sản lượng được phép đánh bắt (Total Allowable Catches - TACs) chủ yếu áp dụng cho các loài thủy sản có trữ lượng hạn chế, bị khai thác quá giới hạn được đưa ra bởi các nhà khoa học, bao gồm những giới hạn đối với cá hake ở phía Nam, cá pollack ở Vịnh Biscay, cá tuyết ở Kattegat và một số giới hạn khác.

Theo Jenni Grossmann (Cố vấn Chính sách và Khoa học Thủy sản Client Earth): Điều này là không đủ. Một năm sau khi bỏ lỡ thời hạn pháp lý để chấm dứt việc đánh bắt quá mức, Hội đồng một lần nữa đã đặt ra nhiều giới hạn vượt quá lời khuyên khoa học, gây nguy hiểm cho việc phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Như mọi khi, các cuộc đàm phán của Hội đồng tháng 12 diễn ra căng thẳng và các bộ trưởng thủy sản lại mất nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận. Năm 2020, Hội đồng Agrifish không họp vào tháng 11, do đó các bộ trưởng phải đồng ý với 03 đề xuất về các cơ hội đánh bắt, ở Biển Bắc và Đại Tây Dương, ở Địa Trung Hải và Biển Đen, và trữ lượng đáy biển sâu (the deep-sea stocks).

“Bằng cách vượt quá khuyến cáo khoa học với khoảng 35% so với mức giới hạn được phép đánh bắt, các bộ trưởng thủy sản rõ ràng đang coi thường các mục tiêu và nghĩa vụ pháp lý trong Chính sách thủy sản của EU, vốn yêu cầu tất cả các nguồn lợi thủy sản phải được khai thác bền vững. Bất chấp tất cả tham vọng được nêu rõ trong Thỏa thuận Xanh (Green Deal), chủ nghĩa ngắn hạn vẫn tiếp tục đưa ra các quyết định sai lầm trong bối cảnh nguy cấp về môi trường”, Vera Coelho - Giám đốc Cấp cao của Bộ phận Vận động tại Oceana ở Châu Âu cho biết.

Về phía các Bộ trưởng Liên minh Châu Âu cũng phản đối mạnh mẽ đề xuất của Ủy ban Châu Âu về việc giảm 15% "số ngày được phép đánh bắt" cho các tàu khai thác thủy sản Địa Trung Hải vào năm 2021 và giới hạn mức giảm xuống 7,5% bên cạnh việc cắt giảm 10% đã được đưa vào kế hoạch nhiều năm ở Tây Địa Trung Hải. Quyết định này không quan tâm đến những khuyến cáo khoa học kêu gọi giảm "số ngày được phép đánh bắt" lên tới 80% đối với những đối tượng thủy sản đang bị khai thác quá mức. Điều này sẽ củng cố thêm cho nhận định: Địa Trung Hải chính là nơi dẫn đầu về thủy sản bị khai thác quá mức trên thế giới.

Virginijus Sinkevičius, Ủy viên về Môi trường, Đại dương và Thủy sản, cho biết: Tôi rất tiếc khi các bộ trưởng đã không sẵn sàng xem xét đầy đủ các lời khuyên khoa học và đồng ý về việc cắt giảm "số ngày được phép đánh bắt" giúp khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản trở lại bền vững; Đồng thời, đảm bảo khả năng kinh tế - xã hội lâu dài cho ngư dân và phụ nữ hoạt động ở Tây Địa Trung Hải. Các điều tra khoa học đã báo động tình trạng cực kỳ xấu đối với các đàn cá đáy, có tới 19 trong số 22 loài cá đáy đang bị lạm thác nghiêm trọng.

Các cuộc đàm phán về Đại Tây Dương và Biển Bắc hoàn toàn khác với những gì các bộ trưởng vẫn thường làm. Họ chỉ thảo luận về 25 TAC, vì phần lớn trữ lượng thủy sản được chia sẻ với Vương quốc Anh. EU đang tiếp tục đàm phán một thỏa thuận với Anh.

Như một biện pháp chuyển tiếp, các bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban đối với 25% năm 2020 đối với hầu hết các TAC được chia sẻ với các nước thứ ba, trong đó có Anh và Na Uy, như một kế hoạch dự phòng cho tháng 1 - tháng 3 năm 2021. Tuy nhiên, ngành khai thác cá nổi của EU đánh giá cao việc áp dụng tỷ lệ phần trăm hạn ngạch cao hơn 65% thay vì 25% đối với các loài thủy sản chính theo mùa nhắm vào các loài như cá thu, cá lăng xanh (blue whiting) và cá thu horse mackerel. “Đó là một sự đảm bảo… nếu không ngư dân sẽ không thể tiếp tục các hoạt động của họ vào ngày 1 tháng 1 năm 2021”, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner giải thích.

Có thể đúng là quyết định sẽ cho phép ngư dân tiếp tục các hoạt động của họ tại các vùng biển của EU khi các cuộc đàm phán với Vương quốc Anh được hoàn tất, nhưng tất cả các quyền tiếp cận vùng biển của Vương quốc Anh sẽ vẫn đang chờ phê duyệt. Ngoài ra, Na Uy đã thúc giục Vương quốc Anh và EU bắt đầu đàm phán và nói rõ rằng tàu cá của họ sẽ không được tiếp cận khu kinh tế của họ nếu không có thỏa thuận được thực hiện vào ngày 1 tháng 1 năm 2021. Rõ ràng, ngư dân EU được tiếp cận hợp pháp vào vùng biển của các nước thứ ba, là nơi có nhiều tàu của EU đánh bắt nhất, nhưng vẫn chưa được “đảm bảo” để hoạt động liên tục vào thời điểm này.

Jan Isakson, Giám đốc FishSec cho biết: “Nếu tất cả các tàu của EU bị ép vào các khu kinh tế của các quốc gia thành viên EU vào ngày 1 tháng 1 năm 2021, chúng ta sẽ khai thác quá mức ở những khu vực này”. Rainer Froese thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz của Đức khẳng định thêm: Điều đó nếu vẫn tiếp tục có thể dẫn đến việc đánh bắt quá mức các quần thể thủy sản đang cạn kiệt.

Froese cho biết, cần phải thiết lập các TAC năm 2021, không nên phớt lờ các cảnh báo khoa học để tránh nạn lạm thác. Ví dụ, ICES đã đưa ra khuyến nghị giảm 17% sản lượng khai thác cá tuyết Biển Bắc năm 2021 và mức giảm này nên được áp dụng cho tổng sản lượng được phép đánh bắt (Total Allowable Catches - TACs). Hơn nữa, việc đánh bắt quá mức ngay trong quý đầu tiên của năm 2021 sẽ dẫn tới hậu quả rất khó có thể đảo ngược sau này.

Một nhà khoa học khác, Didier Gascuel, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thủy sinh và Nghề cá tại Agrocampus Ouest ở Pháp nói rằng, biện pháp chống đối của các bộ trưởng thủy sản EU “rõ ràng là không thể chấp nhận được” và sẽ “tác động bất lợi đến quần thể thủy sản, nông ngư dân và hệ sinh thái biển”.

“Đối với trữ lượng cá tuyết suy giảm nghiêm trọng ở Kattegat và cá đáy (roundnose grenadier) ở biển sâu, ICES đều khuyến cáo không đánh bắt, nhưng cả hai đã nhận được 'bycatch' TACs (là hạn ngạch cho việc đánh bắt ngoài ý muốn). Một số TAC khác, mà Ủy ban châu Âu đã đề xuất theo lời khuyên của ICES, bao gồm cá hake ở phía Nam, cá bơn (sole) và cá pollack ở Vịnh Biscay, đã được các bộ trưởng thủy sản EU đẩy lên mức cao hơn các khuyến cáo khoa học”, Rebecca Hubbard - Giám đốc Chương trình Cá của chúng ta (Our Fish Program) cho biết.

Bất chấp những nỗ lực của Hội đồng Agrifish, ngành đánh bắt thủy sản vẫn bị cắt giảm một số hạn ngạch và các biện pháp hạn chế cũng được áp dụng đối với các loài thủy sản chính liên quan đến sinh kế của nhiều ngư dân và phụ nữ.

“Brexit và COVID-19 đã tạo ra một tình huống chưa từng có đối với các cộng đồng ngư dân của chúng tôi. Các cuộc đàm phán năm 2020, trong nhiều trường hợp, được thực hiện ở vùng biển chưa được thăm dò. Nhưng tôi nghĩ rằng thỏa thuận mà chúng tôi đã tạo ra, chính là kim chỉ nam cho những tháng tới. Nó cho phép chúng tôi đảm bảo tính liên tục và đảm bảo tương lai rõ ràng cho cộng đồng ngư dân của chúng tôi ở mức tối đa mà không làm suy yếu các cam kết bền vững của chúng tôi”, Julia Klöckner - Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức cho biết.

Andrea Ripol, Cán bộ Chính sách Thủy sản của các Vùng biển có nguy cơ cao (Fisheries Policy Officer of Seas At Risk) đã kết luận: “Các bộ trưởng thủy sản EU vẫn quyết định tiếp tục đánh bắt quá mức ngay cả với những nguồn lợi thủy sản do chỉ riêng EU quản lý. Điều này gửi đi thông điệp sai lầm trước các cuộc đàm phán sắp tới với Anh và Na Uy về việc chia sẻ nguồn lợi thủy sản; Đồng thời đi ngược lại tham vọng của EU nhằm giảm thiểu các cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khí hậu ”.

Ngọc Thúy (theo FishSec)

Ý kiến bạn đọc