Nguồn cung bạch tuộc giảm trong năm 2020 (27-12-2020)

Nguồn cung bạch tuộc bị giảm trong năm 2020, do nghề cá của Mau-ri-ta-ni và Ma-rốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Triển vọng thị trường mực ống cũng đang biến động vì sản lượng khai thác mực ống tại khu vực Quần đảo Falkland (Malvinas) đang cho kết quả tốt, trong khi đó, khai thác thủy sản tại Argentina lại sụt giảm và Nhật Bản cũng đặt ra hạn ngạch rất thấp đối với loài mực ống Thái Bình Dương.
Nguồn cung bạch tuộc giảm trong năm 2020

Mặt hàng bạch tuộc

Trong nửa đầu năm 2019, sản lượng bạch tuộc được khai thác từ Ma-rốc và Mau-ri-ta-ni đã giảm khi cả hai quốc gia này đã hạn chế khai thác bạch tuộc để bảo vệ nguồn tài nguyên. Vào tháng 7 năm 2019, Liên minh châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận khai thác với Ma-rốc, cho phép 138 tàu cá châu Âu khai thác nguồn lợi bạch tuộc trong vùng biển Ma-rốc. Liên minh châu Âu cũng đang đàm phán một thỏa thuận tương tự với Mau-ri-ta-ni. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sẽ có lượng lớn bạch tuộc trên thị trường, do có những hạn chế khai thác đang được áp dụng đối với loài thủy sản này.

Với sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại châu Âu, trong đó Italia và Tây Ban Nha là hai trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, đã kéo theo sự sụt giảm đơn hàng bạch tuộc và mực. Các nhà hàng bị đóng cửa, trong khi hầu hết lượng bạch tuộc tiêu thụ ở các nước này đều thông qua hệ thống nhà hàng. Hơn nữa, việc mua bán cũng đã chậm lại ở Tây Ban Nha ngay cả trước đại dịch. Việc giao hàng cũng đã gặp nhiều khó khăn do nhiều tài xế xe tải lo ngại bị nhiễm virus. Nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản cũng đã giảm từ năm 2017 đến năm 2018 và đã có sự ổn định vào năm 2019 ở mức 42.624 tấn. Các nhà cung cấp chính vào thị trường này là Mau-ri-ta-ni (12.151 tấn), tiếp theo là Trung Quốc (10.134 tấn) và Việt Nam (7.788 tấn).

Nhập khẩu bạch tuộc vào Hàn Quốc cũng giảm nhẹ, từ 78.875 tấn năm 2018 xuống còn 71.002 tấn năm 2019. Hai nhà cung cấp chính cho thị trường này là Trung Quốc (30.064 tấn) và Việt Nam (27.911 tấn). Xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong năm 2019 và được dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã chặm lại xu hướng này. Việt Nam là nhà cung cấp mực và bạch tuộc lớn thứ bảy cho Hoa Kỳ, gần đây đã chiếm được thị phần từ Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Mặt hàng mực

Nghề khai thác mực ống illex ngoài khơi quần đảo Falkland (Malvinas) có sự phát triển tốt trong năm nay. Mùa khai thác bắt đầu từ giữa tháng 2 và kết thúc vào ngày 15 tháng 6 hàng năm. Sản lượng khai thác mực ống cho đến nay đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, sản lượng mực loligo lại sụt giảm và dự kiến ​​sẽ còn thấp hơn sản lượng của năm 2018 và 2019, báo hiệu cho một mùa vụ thất thu.

Tại Argentina, sản lượng mực ống illex đang giảm mạnh và giá loại mực này đã tăng lên vào đầu vụ khai thác. Các chủ tàu Argentina cho rằng nghề này đang gặp khủng hoảng, do sản lượng giảm đáng kể và cat ảnh hưởng của Covid-19 trong khi giá lại giảm do sản lượng khai thác tăng cao tại Quần đảo Falkland (Malvinas). Vào đầu năm 2020, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đưa ra mức sản lượng khai thác cho phép đối với mực ống Thái Bình Dương (Todarodes pacificus) ở mức 57.000 tấn, giảm 15% so với mức của năm 2019. Mùa vụ khai thác kéo dài từ ngày 20/4/2020 đến ngày 21/3/2021. Năm 2019, lượng mực khai thác của Nhật Bản đã giảm xuống chỉ bằng 80% mức của năm 2018. Nhiệt độ nước thấp hơn, gia tăng khai thác bất hợp pháp và đội tàu lớn khai thác mực của Nhật Bản giảm là những lý do chính dẫn đến hiện trạng này. Trong một thập kỷ qua, đội tàu khai thác mựcc của Nhật Bản đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng 60 tàu.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Tây Ban Nha hầu như không thay đổi trong ba năm qua, đạt 290.297 tấn vào năm 2019, giảm nhẹ 2% so với năm 2018. Nguồn cung lớn nhất là Quần đảo Falkland (Malvinas) với khối lượng 79.665 tấn. Pê-ru đứng thứ hai với 64.305 tấn và Ma-rốc đứng thứ ba với 29.543 tấn. Nhập khẩu mực ống và mực nang của Mỹ cũng đã giảm 18,4%, ở mức 65.559 tấn so với mức 80.316 tấn trong năm 2018. Lý do chính của sự sụt giảm này là do xuất khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là nguồn cung lớn nhất vào Mỹ, chiếm hơn 50% tổng lượng xuất khẩu.

Năm 2019, nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản tăng gần 6%, đạt 165.219 tấn. Trung Quốc là nhà cung cấp chính, với 100.713 tấn, chiếm 61% tổng lượng mực nhập khẩu của Nhật. Trung Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này ở mức 389.374 tấn vào năm 2019, tăng 69,5% so với năm 2018. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc lại không tăng, giảm 7,2% so với năm 2018, ở mức 484.005 tấn năm 2019. Thị trường lớn nhất của Trung Quốc là Nhật Bản, chiếm 21,5% tổng lượng xuất khẩu của nước này.

Các thị trường quan trọng khác là Hàn Quốc và Thái Lan. Các nhà cung cấp của Ấn Độ vốn có truyền thống xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu, nhất là Tây Ban Nha, đang dần nhận ra sự cạnh tranh từ Ma-rốc và Mau-ri-ta-ni. Năm 2019, xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Âu đã giảm. Nhận thấy thị trường châu Âu không còn tốt ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm kiếm thị trường thay thế, Hiện nay, Ấn Độ đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Một số nước châu Á khác như Thái Lan và Ma-lai-xia cũng là những điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ.

Năm 2020, do đại dịch Covid-19 tác động tới kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ mực và bạch tuộc tại thị trường châu Âu đã giảm sút đáng kể. Dự báo với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thương mại mực và bạch tuộc sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, kéo theo cả việc giá mực và bạch tuộc có thể sẽ giảm.

Nam Anh (theo GlobeFish, FAO)

Ý kiến bạn đọc