Ủy ban châu Âu rút lại đề xuất đối với cá chình châu Âu và cá hồi Baltic (11-12-2020)

Tháng 10/2020, Ủy ban châu Âu đã rút lại hai đề xuất quan trọng nhằm bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững đối với hai loài đang gặp khó khăn: cá hồi Baltic và cá chình châu Âu. Cả hai đề xuất này đều đã được thông qua tại Nghị viện Châu Âu và được nhiều tổ chức môi trường thế giới ủng hộ.
Ủy ban châu Âu rút lại đề xuất đối với cá chình châu Âu và cá hồi Baltic

Đề xuất bảo vệ quần thể cá hồi Baltic

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2011, Ủy ban châu Âu đã công bố một đề xuất cho một kế hoạch dài hạn trong nhiều năm đối với nguồi lợi cá hồi Baltic và nghề khai thác nguồn lợi thủy sản đó (COM(2011)470). Mục tiêu của đề xuất này là đảm bảo rằng tình trạng bảo tồn của toàn bộ trữ lượng cá hồi Baltic – bao gồm tất cả các quần thể cá hồi độc nhất ở các sông khác nhau chảy vào biển Baltic – tạo thuận lợi và đảm bảo cho việc khai thác bền vững cá hồi Baltic. Các mục tiêu cụ thể của sáng kiến này ​​nhằm đảm bảo rằng: a) Nguồn cung cá hồi Baltic được khai thác một cách bền vững theo nguyên tắc sản lượng bền vững tối đa (maximum sustainable yield - MSY); và b) Tính toàn vẹn và đa dạng di truyền của cá hồi Baltic được bảo vệ.

Đề xuất này đã được đưa ra để trao đổi, bàn bạc trong lần trình bày đầu tiên tại Nghị viện Châu Âu (the European Parliament). Báo cáo của Ủy ban Nghề cá (the Committee on fisheries) đã được báo cáo viên Marek Józef Gróbarczyk trình bày. Sau đó, Ủy ban châu Âu đã phản hồi, nhưng không một điểm nào được nhất trí trong Hội đồng. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức môi trường trong khu vực và hơn thế nữa. Ủy ban châu Âu hiện đã rút lại đề xuất của mình mà không có thêm động thái nào.

Đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan đến cá chình

Vào năm 2012, Ủy ban châu Âu đã công bố một đề xuất (COM(2012)413) để sửa đổi Quy định về Cá chình (EC 1100/2007); theo đó, đã điều chỉnh cho phù hợp với Hiệp ước Lisbon (the Lisbon Treaty) và đáp ứng các yêu cầu mới của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (the Treaty on the Functioning of the European Union - TFEU), cụ thể là các điều 290 và 291 về các hành vi được phép thực hiện và ủy quyền.

Đề xuất đã được xem xét tại Nghị viện Châu Âu, dẫn đến Báo cáo Lövin (A7-0242/2013) và việc thông qua điểm 1. Ủy ban đã phản hồi với nội dung của điểm 1 nhưng sau đó nội dung này không bao giờ được xem xét trong Hội đồng. Vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, Ủy ban châu Âu chính thức rút lại đề xuất.

Gần đây, Ủy ban châu Âu đã công bố đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài có liên quan đến Quy định về Cá chình (EC 1100/2007) và cho biết Quy định này vẫn “phù hợp với tôn chỉ mục đích” ngay cả khi việc thực hiện có phần chậm chạp và chắp vá. Tuy nhiên, Quy định về Cá chình (EC 1100/2007) lại không phù hợp với Hiệp ước Lisbon và Quy định về Chính sách Thủy sản Chung (the Regulation on the Common Fisheries Policy) - EU 1380/2013. Trong thực tế, có vẻ như các quy tắc/ quy định đặt ra cho việc quản lý nguồn lợi thủy sản thương mại đôi khi không phù hợp với đối tượng cá chình châu Âu.

Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới

Sau khi rút lại hai đề xuất này, Ủy ban châu Âu sẽ cần phải làm rõ những gì sẽ thay thế chúng, và các quy định hiện hành đối với hai loài cá này sẽ được xử lý như thế nào về tính nhất quán với các chính sách khác của EU liên quan đến lĩnh vực thủy sản và môi trường.

Ngọc Thúy (theo FishSec)

Ý kiến bạn đọc