Cá đáy: Nguồn cung tăng nhưng giá vẫn cao (18-11-2020)

Năm 2020, tổng nguồn cung cá biển được dự đoán là tương đối ổn định. Các dự báo cho thấy nguồn cung cá tuyết sẽ tăng 2%, trong khi cá minh thái Alaska sẽ duy trì như mức của năm 2019. Bên cạnh đó, cũng sẽ có tăng nguồn cung đối với cá tuyết chấm đen và một số loài cá khác. Nhu cầu mạnh, do đó giá dự kiến ​​sẽ vẫn giữ ở mức cao hoặc thậm chí sẽ tăng lên.
Cá đáy: Nguồn cung tăng nhưng giá vẫn cao
Ảnh minh họa

Nguồn lợi cá đáy: Tại Diễn đàn Cá đáy Quốc tế (the International Groundfish Forum) được tổ chức vào tháng 10 năm 2019, dự báo công bố tổng nguồn cung cá biển (bao gồm cả cá trắng whitefish nuôi) năm 2020 sẽ tăng nhẹ lên 7,29 triệu tấn, từ mức 7,288 triệu tấn vào năm 2019. Tổng nguồn cung cá minh thái Alaska (là loài lớn nhất hiện nay) dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ từ 3,451 triệu tấn của năm 2019 xuống 3,442 triệu tấn vào năm 2020. Sản lượng cập cảng của cá tuyết Đại Tây Dương dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ, từ 1,131 triệu tấn của năm 2019 lên 1,132 triệu tấn vào năm 2020, trong khi cá tuyết chấm đen (haddock) dự kiến ​​sẽ tăng từ 299.000 tấn của năm 2019 lên 340.000 tấn vào năm 2020, và tương tự với cá minh thái (saithe) cũng được dự đoán là sẽ tăng từ 351.000 tấn lên 369.000 tấn vào năm 2020.

Sản lượng cá tuyết Thái Bình Dương và cá hake (một loài cá thực phẩm, thương mại có giá trị) được dự đoán sẽ giảm vào năm 2020. Trong khi nguồn cung cá tuyết (hake) sẽ giảm từ 1,273 triệu tấn xuống 1,25 triệu tấn, lượng cập cảng của cá tuyết Thái Bình Dương sẽ giảm từ 387.000 tấn xuống 365.000 tấn. Tháng 10 năm 2019, Ủy ban Nghề cá chung Nga - Na Uy (the Joint Russian – Norwegian Fisheries Commission) đã thống nhất mức hạn ngạch 738.000 tấn đối với cá tuyết biển Barents cho năm 2020, tăng 13.000 tấn hoặc gần 2% so với năm 2019. Đồng thời, hạn ngạch cá tuyết chấm đen biển Barents cũng đã được thiết lập ở mức 215.000 tấn năm 2020, tăng 20% ​​so với hạn ngạch 172.000 tấn năm 2019.

Liên minh châu Âu và Na Uy cuối cùng đã đồng ý về việc cắt giảm lượng lớn hạn ngạch cá tuyết Biển Bắc năm 2020, chỉ để ở mức 17.679 tấn, giảm 40% so với 29.437 tấn vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 70% so với 10.457 tấn được đề xuất bởi Hội đồng Quốc tế về Khai thác Biển (the International Council for the Exploration of the Sea – ICES). Lần đầu tiên, nghề đánh bắt cá tuyết Thái Bình Dương ở Vịnh Alaska sẽ đóng cửa cho mùa khai thác năm 2020. Thông thường, có một số năm, nguồn lợi thủy sản bị khan hiếm. Trong năm 2014, trữ lượng cá tuyết Thái Bình Dương ở Vịnh Alaska đạt mức 114.000 tấn, nhưng đã giảm mạnh, chỉ còn 46.000 tấn vào năm 2017. Nhiệt độ nước tăng cao càng khiến trữ lượng cá tuyết Thái Bình Dương ở Vịnh Alaska giảm nhanh chóng. Nhiệt độ nước tăng lên đã xảy ra vào năm 2014 và được gọi là "Blob" (có nghĩa là “cô đặc”), đó là một khu vực rộng lớn của đại dương, có nhiệt độ siêu nóng, nằm ở ngoài khơi biển Alaska.  

Trong khi TAC của Mỹ đối với cá tuyết Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2020, thì TAC của Nga sẽ tăng lên. Vào tháng 12 năm 2019, các nhà chức trách Nga đã đặt mức TAC cuối cùng cho cá minh thái Alaska vào khoảng 3 triệu tấn (tăng từ 2,84 triệu tấn của năm 2019). Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nghề cá Thái Bình Dương (the Pacific Fishery Scientific Research Centre - TINRO), tổng sinh khối của cá minh thái Alaska của Nga là 12 triệu tấn, cao hơn mức trung bình trong những năm gần đây. Tháng 12 năm 2019, Hội đồng quản lý nghề cá Bắc Thái Bình Dương (the North Pacific Fishery Management Council) đã đặt TAC cho cá minh thái Alaska ở Đông Bering ở mức 1,425 triệu tấn, tăng 2% so với 1,397 triệu tấn năm 2019. Tổng nguồn cung cá minh thái Alaska từ Bắc Thái Bình Dương đã giảm nhẹ trong 5 năm qua (từ 3,476 triệu tấn năm 2016 xuống 3,442 triệu tấn năm 2020); Trong hạn ngạch năm 2020 thì 1,528 triệu tấn được phân bổ cho Hoa Kỳ; 1,7 triệu tấn cho Liên bang Nga và 214.000 tấn cho Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.

Thương mại: Hoạt động buôn bán cá đáy trên thế giới bị chi phối bởi hai loài chủ yếu là: cá minh thái Alaska và cá tuyết. Trong 9 tháng đầu năm 2019, khối lượng giao dịch cá tuyết giảm, trong khi khối lượng giao dịch cá minh thái Alaska tăng. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tuyết Đại Tây Dương nguyên con đông lạnh của Na Uy tăng nhẹ, từ 38.085 tấn cùng kỳ năm 2018 lên 40.903 tấn cùng kỳ năm 2019 (tăng 7,4%). Xuất khẩu cá tuyết của Na Uy trong năm 2019 khá thấp so với các năm 2017 và 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Na Uy đạt 47.453 tấn, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhập khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Hà Lan trong 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục giảm, từ 34.720 tấn năm 2018 xuống 29.879 tấn năm 2019 (-14%). Nhập khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Trung Quốc cũng giảm trong giai đoạn này, từ 147.248 tấn trong 9 tháng đầu năm 2018 xuống 132.184 tấn trong cùng kỳ năm 2019 (-10,2%). Tuy nhiên, sự sụt giảm này không hoàn toàn được phản ánh trong số liệu xuất khẩu philê cá tuyết đông lạnh từ Trung Quốc, vì chỉ có mức giảm rất nhẹ (-1%). Xuất khẩu phi lê cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc tăng tại tất cả thị trường các nước (trừ Hoa Kỳ).

Đối với cá minh thái Alaska, bức tranh hoàn toàn khác. Xuất khẩu của Nga tăng 11,7% lên 672.326 tấn. Nhập khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh của Trung Quốc đã tăng 22%, lên 598.947 tấn. Có vẻ như một phần trong số các mặt hàng nhập khẩu này thực sự đã được tiêu thụ ở Trung Quốc, vì tái xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh không tăng nhiều như dự đoán.

Tiêu dùng: Tiêu thụ cá minh thái Alaska tại thị trường nội địa của Hoa Kỳ (114.680 tấn) dường như đã tăng khoảng 50% trong 10 tháng đầu năm 2019. Điều này dựa trên số liệu thống kê thương mại của Hoa Kỳ, cho thấy sản lượng sản phẩm cá minh thái Alaska của Hoa Kỳ trong năm 2019 đã tăng 7% lên 215.500 tấn. Đồng thời, xuất khẩu giảm 8% xuống 131.210 tấn, và nhập khẩu khối đông lạnh kép (double frozen blocks) từ Trung Quốc tăng rõ rệt.

Iceland đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trong xuất khẩu cá tuyết chấm đen. Trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tuyết chấm đen của nước này đã tăng 52% lên 14.441 tấn. Cá tuyết chấm đen tươi nguyên con là sản phẩm chính, nhưng xuất khẩu philê cá tuyết chấm đen đông lạnh cũng tăng lên. Vương quốc Anh là thị trường chính của cá tuyết chấm đen Iceland, với thị phần gần 80%. Tuy nhiên, đối với philê cá tuyết chấm đen tươi, Hoa Kỳ mới là thị trường chính của Iceland.

Surimi: Sản lượng Surimi ở vùng Hokkaido của Nhật Bản đã tăng 32% trong 10 tháng đầu năm 2019, lên 17.900 tấn. Đồng thời, hàng tồn kho cũng ở mức rất cao là 2.441 tấn, gấp hai lần so với cùng thời điểm năm 2018. Nhập khẩu surimi vào Hàn Quốc giảm trong 10 tháng đầu năm 2019. Nhập khẩu surimi cá minh thái Alaska (tất cả từ Hoa Kỳ) giảm 14% xuống 18.235 tấn, trong khi nhập khẩu các loại surimi khác của Hàn Quốc giảm tăng 13% xuống 80.697 tấn. Tất cả các quốc gia cung cấp (ngoại trừ Indonesia) đều giảm các lô hàng. Tại Hoa Kỳ, xuất khẩu các loại surimi đã giảm 23% về khối lượng trong 8 tháng đầu năm 2019, xuống còn 6.553 tấn, trong đó 35% được xuất khẩu sang Tây Ban Nha và 24% sang Hàn Quốc.

Giá cả: Giá cá tuyết toàn cầu đã có xu hướng tăng trong khoảng 5 năm qua. Giá cá tuyết tươi từ Na Uy đã tăng 26,4% vào tháng 9 năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018; Trong khoảng thời gian từ tháng 1 - tháng 9 năm 2019, bình quân mức giá cá tuyết Đại Tây Dương tươi đã tăng 16,8%. Nhu cầu về cá tuyết (đặc biệt là cá tuyết tươi) ngày càng tăng, và điều này chắc chắn sẽ duy trì ở mức giá cao. Đối với năm 2020, người ta phải kỳ vọng rằng giá cá tuyết sẽ tiếp tục cao, hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt khi nhìn về triển vọng của nguồn cung.

Với giá cá tuyết Đại Tây Dương H&G quá cao, các nhà kinh tế kỳ vọng người mua sẽ tìm đến cá tuyết Thái Bình Dương có mức giá thấp hơn hoặc chọn cá tuyết chấm đen để thay thế. Hạn ngạch cá tuyết Đại Tây Dương tăng 2% vào năm 2020, nhưng hạn ngạch cá tuyết chấm đen sẽ tăng mạnh, 25%. Với nhiều cá tuyết hơn trên thị trường, chênh lệch giá giữa cá tuyết cod và cá tuyết chấm đen haddock chắc chắn sẽ rất lớn so với những năm trước đây (khi mức chênh lệch vào khoảng 10%). Đối với cá tuyết Thái Bình Dương, trong khi TAC của Hoa Kỳ dự kiến ​​giảm, TAC của Nga sẽ tăng 15% và do đó giá cá tuyết Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ giữ ở mức hiện tại hoặc thấp hơn một chút.

Dự báo: Sẽ không có bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào trên thị trường cá đáy vào năm 2020. Nguồn cung sẽ tăng nhẹ, với mức tăng rất khiêm tốn đối với cá tuyết và mức tăng lớn hơn đối với cá tuyết chấm đen. Năm 2020, nguồn cung cá minh thái Alaska dự kiến sẽ giống như năm 2018. Những thay đổi chính có thể sẽ là về giá cả: Giá cá tuyết dự kiến sẽ ở mức cao hoặc thậm chí tăng do nhu cầu tiêu thụ mạnh; Nhu cầu về philê cá minh thái Alaska đang tăng lên ở Bắc Mỹ, nhưng không cao ở châu Âu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc