Nhãn sinh thái biển của Nhật Bản có khả năng được công nhận theo Tiêu chuẩn Quốc tế (29-11-2019)

Theo các nguồn tin chính thống của Chính phủ Nhật Bản, hệ thống chứng nhận Nhãn sinh thái biển nhằm mục đích Bảo vệ tài nguyên biển, có tên gọi là MEL (Marine Eco-Label Japan), dự kiến sẽ được phê duyệt theo Tiêu chuẩn Quốc tế vào cuối năm nay.
Nhãn sinh thái biển của Nhật Bản có khả năng được công nhận theo Tiêu chuẩn Quốc tế
Ảnh minh họa

Năm 2018, bào ngư ở Iwaki (tỉnh Fukushima, Nhật Bản) đã được gắn Nhãn sinh thái biển "Marine Eco-Label".

Cũng như các quốc gia phương Tây luôn có ý thức về hệ sinh thái, Nhật Bản sẽ thúc đẩy các nỗ lực của mình để thể hiện sự quan tâm của Nhật Bản đối với Trái đất, và sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trong nước.

Được thành lập bởi Hiệp hội Nghề cá Nhật Bản vào năm 2007, MEL là một hệ thống chứng nhận nhằm duy trì hoạt động bền vững và có trách nhiệm của ngành Thủy sản. Các doanh nghiệp đạt được Chứng nhận MEL có thể gắn Nhãn sinh thái vào sản phẩm của họ để tạo sự khác biệt so với sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Nhật Bản có khoảng 20 đến 40 tiêu chí để đánh giá Nhãn sinh thái (tùy thuộc vào chủ thể khai thác như: ngư dân, chủ trang trại, nhà quản lý, nhà phân phối, nhà chế biến). Theo đó, các chủ thể khai thác này cần đưa ra các biện pháp đầy đủ trong Kế hoạch quản lý tài nguyên, để ngăn chặn đánh bắt quá mức; có khung pháp lý để ngăn chặn ô nhiễm môi trường bằng cách giảm lượng thức ăn và thuốc sử dụng cho thủy sản nuôi; và có cơ cấu quản lý để phân biệt rạch ròi các sản phẩm thủy sản đã được cấp chứng nhận với các sản phẩm chưa được cấp chứng nhận. Tính đến tháng 10, tổng cộng đã có 23 tổ chức đạt được chứng nhận tại Nhật Bản.

Châu Âu và Hoa Kỳ có nhận thức cao về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường. Các nhà bán lẻ lớn Walmart (của Hoa Kỳ) và Metro (của Đức) chỉ bán các sản phẩm thủy sản đáp ứng các Tiêu chuẩn chứng nhận được phê duyệt bởi GSSI (Sáng kiến Thủy sản Bền vững Toàn cầu) - một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Lan.

Vì vậy, Hội đồng Nhãn sinh thái biển Nhật Bản (đơn vị điều hành của MEL) đã nộp đơn cho GSSI vào tháng 9 năm ngoái với hy vọng xuất khẩu thủy sản trong nước sẽ có thêm động lực nếu MEL được GSSI chấp thuận.

Cuối năm nay, GSSI sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng để hoàn thiện việc xem xét, đánh giá MEL. Nếu được phê duyệt, MEL sẽ là tiêu chuẩn thứ chín trên thế giới và là tiêu chuẩn đầu tiên ở châu Á được GSSI công nhận.

Theo Cơ quan Nghề cá Nhật Bản, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của quốc gia này đạt tổng cộng 303,1 tỷ Yên (tương đương với khoảng 2,8 tỷ USD) trong năm 2018. Nếu xếp thứ tự quốc gia và khu vực theo giá trị xuất khẩu của Nhật Bản thì Hồng Kông đang dẫn đầu với 89,4 tỷ Yên; tiếp theo là Trung Quốc với 48,2 tỷ Yên và Hoa Kỳ 33,3 tỷ yên. Xuất khẩu sang các nước thành viên EU chỉ đạt ở mức 6,5 tỷ yên.

Chính phủ Nhật Bản tin rằng, sự chấp thuận của GSSI đối với MEL sẽ thúc đẩy nỗ lực mở rộng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trong nước.

Ngọc Thúy (Theo SFGATE)

Ý kiến bạn đọc