Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương (24-03-2023)

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay mới chỉ có 9/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức Kiểm ngư địa phương. Theo đó, nhằm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương thành lập lực lượng Kiểm ngư địa phương.
Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương
Ảnh minh họa

Ngày 24/3/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã ký văn bản số 1797/BNN-TCTS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương nhằm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trước đó, ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), trong đó yêu cầu: “Khẩn trưởng thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh”. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành 3 văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập lực lượng Kiểm ngư để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Văn bản số: 6867/BNN-TCTS ngày 2/2/2020; 1246/BNN-TCTS ngày 2/3/2021; 5433/BNN-TCTS ngày 17/8/2022).

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 9/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức Kiểm ngư địa phương. Trong đó, 8 tỉnh thành lập theo mô hình cấp phòng và tương đương thuộc Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT (Kiểm ngư, Thanh tra và Pháp chế: Thanh tra, Kiểm ngư; Kiểm ngư, Thanh tra Kiểm ngư; Trạm Kiểm ngư); 1 tỉnh (Kiên Giang) thành lập theo mô hình cấp Chi cục (Chi cục Kiểm ngư) thuộc Sở NN&PTNT.

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển đang tiếp tục có xu hướng suy giảm nhanh chóng, cường lực khai thác lớn, phát triển thiếu bền vững; bên cạnh đó, tổ chức bộ máy để thực thi pháp luật tại các địa phương ven biển chưa được kiện toàn, thiếu đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên biển dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chiếm tỷ lệ rất cao (trung bình khoảng 20% số tàu cá có hành vi vi phạm trên tổng số tàu cá được kiểm tra khi Lực lượng Kiểm ngư tuần tra trên biển).

Ủy ban Châu Âu (EC) sau 3 đợt kiểm tra về tình hình triển khai các khuyến nghị, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, tiếp tục đánh giá: “Tình hình thực thi pháp luật tại Việt Nam chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các địa phương, chưa đảm bảo tính răn đe; đây là vấn đề còn tồn tại nghiêm trọng, do đó cần phải tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tàu cá vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt cần xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân và phát triển sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời thực thi pháp luật đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC trong năm 2023, nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế; Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển quan tâm, chỉ đạo, khẩn trương thành lập lực lượng Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc