Đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão (12-10-2016)

Hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) của ngư dân trên biển thường gặp nhiều rủi ro tai nạn, nhất là trong mùa mưa bão.
Đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, còn rất nhiều tàu cá của ngư dân có công suất nhỏ, cũ kỹ, khả năng chịu đựng sự tác động của sóng gió rất yếu, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động KTTS trong mùa mưa bão. Nhất là khi thời tiết, khí hậu trên biển hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm có rất nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, đôi khi không theo quy luật, rất khó dự báo, trong khi đó ngư dân ta còn chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt trên tàu và trong quá trình KTTS nên thường gặp nhiều rủi ro khi hoạt động sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc (TTLL) của một bộ phận ngư dân chưa “hòa mạng” với hệ thống TTLL của các ngành chức năng, ngư dân chủ yếu là dùng để liên lạc với gia đình và một số tàu cá với nhau. Do vậy, khi có bão xảy ra, ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí, địa điểm của tàu để có biện pháp ứng cứu kịp thời cũng như thông tin, chỉ đạo và hướng dẫn ngư dân tránh trú bão trên các vùng biển, việc triển khai ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, thời gian qua các ngành chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức phòng chống lụt bão, nghiệp vụ đảm bảo an toàn đi biển và các quy định về điểm báo an toàn hàng hải khi hành trình và đánh bắt thủy sản đặc biệt vào ban đêm; cung cấp thông tin tần số liên lạc của các cơ quan chức năng cho ngư dân để tiện việc liên hệ khi có bão lũ, tai nạn xảy ra; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành giữa lực lượng Kiểm ngư, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát Giao thông đường thủy không cho tàu cá ra khơi khi tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa trang bị đủ phao cứu sinh và thiết bị an toàn hàng hải, chưa kẻ gạch hoặc kẻ gạch không đúng dấu hiệu nhận biết tàu cá đồng thời xử lý nghiêm những tàu cá cố tình vi phạm các trường hợp trên. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các bước kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá tại các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; tổ chức kiểm tra các điểm xung yếu, sắp xếp vị trí neo đậu cho các tàu thuyền ở các cửa biển khi có bão; tổ chức tốt công tác quản lý Trạm bờ thông tin liên lạc và trực ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đối với tàu cá để hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão, cập nhật và xử lý thông tin phòng chống lụt bão kịp thời. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng từng bước vận động ngư dân đóng tàu mới bằng vật liệu mới, lắp máy mới, không sử dụng tàu cá quá cũ (trên 15 tuổi), sử dụng máy cũ hoạt động khai thác tại các vùng biển xa; tăng cường mô hình tổ đội sản xuất trên biển để hổ trợ nhau trong sản xuất và khi có sự cố trên biển.

Để thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân khi hoạt động KTTS trên biển, các ngành chức năng yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng cần luôn chấp hành các quy định Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kiến thức nghiệp vụ đảm bảo an toàn cho thuyền viên, đồng thời tổ chức sản xuất theo tổ, đội để hỗ trợ, cứu giúp lẫn nhau khi hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo và tuân thủ việc chỉ dẫn khi ra và vào cảng, khu neo đậu; sắp xếp các trang thiết bị phù hợp nhằm đảm bảo tính chủ động trong công tác cứu chữa khi gặp sự cố; khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát Biên phòng nơi phương tiện cư trú; chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng về vị trí tàu nhằm chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển. Khi có tin bão thuyền trưởng phải xác định ngay vị trí của tàu so với vùng nguy hiểm của bão, theo dõi thường xuyên hướng đi của bão, tốc độ di chuyển của bão để quyết định hướng tàu thoát ra vùng nguy hiểm về nơi trú đậu an toàn gần nhất. Khi điều khiển tàu đi tránh trú bão, trong mọi trường hợp, không lái hoặc để tàu trôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. Khi gặp sóng to gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên thì nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn; không xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực để KTTS trái phép.

Đối với thuyền viên, phải chấp hành các quy định về an toàn cho người và tàu cá, tuân thủ mệnh lệnh của thuyền trưởng và các quy định khác của pháp luật. Khi phát hiện tai nạn xảy ra trên tàu cá của mình hoặc trên các tàu cá khác, phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Thuyền viên có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không đủ đảm bảo an toàn.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc