Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ (04-10-2016)

Ngày 2/10/2016, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Soekarno Hatta, phía Indonesia đã trao trả 51 ngư dân Việt Nam về nước. Các ngư dân được trao trả lần này chủ yếu là thủy thủ quê ở Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, An Giang đã bị giam giữ khoảng 4 tháng tại đảo Natuna của Indonesia.
Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, từ đầu tháng 9 đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đưa tổng cộng hơn 300 ngư dân về nước, trong đó có 228 ngư dân được trao trả ngày 15/9/2016 bằng đường biển. Toàn bộ tàu và ngư cụ, tài sản trên các tàu bị bắt giữ đều bị phía Indonesia tịch thu và xử lý theo luật pháp Indonesia. Số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt, giam giữ tại Indonesia tăng mạnh trong thời gian qua đã gây khó khăn cho phía cơ quan chức năng của Indonesia cũng như Việt Nam trong việc đưa các ngư dân này về nước.

Trước tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ ngày càng gia tăng, Cục Kiểm ngư cho biết, Cục Kiểm ngư là đơn vị thường trực Tổ công tác 689 TW, thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan nắm bắt kịp thời tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổ công tác 689 đã tổ chức 02 đoàn công tác làm việc với chính quyền và ngư dân các địa phương (Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Định) về tình hình tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng với các địa phương bàn giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm. Bên cạnh đó, Cục Kiểm ngư cũng đã tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân, tập trung vào các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng về các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trên các vùng biển, ranh giới biển Việt Nam và các nước, yêu cầu bà con không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép đối với thuyền trưởng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về; đưa ra khỏi danh sách tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa… các cơ quan chức năng cũng đã triển khai kế hoạch điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng móc nối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, hoặc tổ chức chuộc tàu và ngư dân về trái phép. Trong tháng 9/2016, Cục Kiểm ngư đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và Bến Tre.

Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã có những biện pháp ngăn chặn, hành động quyết liệt để giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2016, số vụ tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước bị bắt giữ giảm 07 tàu/99 ngư dân so với cùng kỳ năm 2015, một số tỉnh trước đây ít có tàu cá hoặc không thường xuyên vi phạm nhưng trong 6 tháng đầu năm 2016 lại có dấu hiệu vi phạm như Tiền Giang, Bạc Liêu. Ngoài ra, tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 chủ yếu là tàu cá Trung Quốc với 10.944 lượt/chiếc tăng 9.044 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm 2015 (1.900 lượt/chiếc).

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn các trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép, trong thời gian tới Cục Kiểm ngư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng chủ thuyền, giúp họ nhận thức và hiểu biết sâu kỹ về các chủ trương, chính sách của Việt Nam và các nước, nhấn mạnh về quy định của pháp luật của Việt Nam là kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, từ đó giúp các chủ thuyền, ngư dân xây dựng ý thức tự giác, chủ động không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm ngư sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá sơn tàu giống tàu cá nước ngoài, lập danh sách các tàu cá vi phạm, theo dõi và xử lý nghiêm nếu tàu cá tái phạm, buộc viết cam kết, áp dụng các biện pháp tịch thu bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác, tịch thu phương tiện nếu tái phạm nhiều lần.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc