Việt Nam củng cố vị trí hàng đầu trên thị trường thủy sản thế giới (10-08-2016)

Song song với việc chủ động sản xuất nguyên liệu tại chỗ và nhập khẩu để sản xuất - xuất khẩu, Thủy sản Việt Nam đang tích cực khẳng định và giữ vững vị thế trên trường quốc tế. Với thế mạnh chế biến - xuất khẩu, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 10%-20%/năm. Nhờ đó, thủy sản đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu toàn quốc.
Việt Nam củng cố vị trí hàng đầu trên thị trường thủy sản thế giới

Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam: tạo việc làm, trực tiếp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, rút ngắn khoảng cách nhập siêu thông qua việc nhập khẩu nguyên liệu chế biến - xuất khẩu. Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD, tương ứng với việc chúng ta phải nhập khẩu khoảng 2-2,2 tỷ USD mới đủ cho chế biến - xuất khẩu.

Việt Nam đang là điểm đến của đông đảo nhà nhập khẩu thủy sản thế giới vì đã tạo được uy tín chất lượng sản phẩm, với lợi thế về công nghệ chế biến và lao động có tay nghề cao, hơn hẳn các nước trong khu vực và trên thế giới. Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến-xuất khẩu (thiếu 30-40%) và để đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ các thị trường, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã quyết định: ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, sẽ tăng cường lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để gia công, chế biến, xuất khẩu, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tạo việc làm ổn định cho người lao động và khai thác tối đa  công suất chế biến trong nước.

Trong giai đoạn 2010-2015, sản lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng mạnh, từ 325 triệu USD (năm 2010) lên 1,06 tỷ USD (năm 2015). Nguyên liệu nhập khẩu dùng cho gia công, chế biến, xuất khẩu đã đóng góp 7-14% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng để giải quyết hiệu quả các mục tiêu kinh tế, xã hội và lợi thế cạnh tranh về chế biến. Giá trị nhập khẩu có thể đạt tới 1,1 tỷ USD (năm 2016), góp phần đạt 7 tỷ USD xuất khẩu thủy sản. Cần phải khẳng định, nguồn nguyên liệu nhập khẩu để chế biến - xuất khẩu là một phần mà các doanh nghiệp thủy sản thu mua, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu - chế biến - xuất khẩu đã tạo việc làm thường xuyên cho lao động ở các địa phương, giải quyết căn bản sự phụ thuộc vào "mùa vụ" của ngành thủy sản, cũng như tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu trong nước. Nhập khẩu cũng chính là một trong những giải pháp cho các doanh nghiệp, nhất là khi có nhiều đơn hàng tại thời điểm chưa tới vụ thu hoạch thủy sản ở địa phương; đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề khác như: kích cỡ, giá, chất lượng… giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng, tận dụng được công suất và thiết bị sản xuất của nhà máy.

Vì vậy, nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu là hoạt động thiết thực, là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước xuất khẩu khác trên thế giới. Để hoạt động này diễn ra thuận lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các vấn đề như: công bố hợp quy; quy định về dán nhãn sản phẩm, dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu; vấn đề ưu tiên miễn kiểm dịch…

Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác