Hoa Kỳ dự kiến triển khai Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản nâng cao (20-11-2024)

Cơ quan phụ trách các vấn đề về Thủy sản thuộc Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA Fisheries) dự định sẽ triển khai một kế hoạch hành động nhằm tăng cường Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP).
Hoa Kỳ dự kiến triển khai Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản nâng cao
Ảnh minh họa

Tháng 11 năm ngoái, NOAA đã tiến hành đánh giá toàn diện Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản nhằm xác định các lĩnh vực cần được tăng cường và cải thiện với sự tham gia của hơn 7.000 chủ thể, bao gồm các chuyên gia trong ngành thủy sản, chính phủ các quốc gia, các nhà nghiên cứu và các nhóm xã hội dân sự.

Dựa trên các ý kiến ​​đóng góp, NOAA đã xây dựng một kế hoạch hành động nhằm tăng cường tác động của Chương trình, tập trung vào việc chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản.

NOAA cho biết họ sẽ nỗ lực hạn chế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong quá trình triển khai kế hoạch này, cũng như cố gắng giảm thiểu các thách thức về việc tuân thủ quy trình, xác định rủi ro trong chuỗi cung ứng và tăng cường mức độ tin cậy của quy trình này.

Mục tiêu của chương trình nhằm củng cố ngành thủy sản của Hoa Kỳ thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại công bằng trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, đồng thời xây dựng năng lực để duy trì và phát triển Chương trình SIMP. Những cải tiến lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng ngăn chặn và hạn chế các sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ cũng như góp phần vào nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm giải quyết tình trạng lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng thủy sản.

Theo NOAA, một số giai đoạn của kế hoạch hành động sẽ được triển khai ngay lập tức, trong khi một số giai đoạn khác sẽ cần phải có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, NOAA cam kết sẽ triển khai một công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời vẫn duy trì sự ổn định của hoạt động nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ. Trong thời gian triển khai kế hoạch hành động mới, các yêu cầu hiện tại và nghĩa vụ báo cáo theo quy định của SIMP vẫn sẽ có hiệu lực

Các chi tiết cụ thể trong kế hoạch hành động sẽ nhằm đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Chương trình giám sát nâng cao nhằm cải thiện năng lực của NOAA trong việc chống lại hoạt động đánh bắt IUU thông qua việc cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và phát hiện rủi ro, tăng cường tính bền vững của thủy sản trên toàn cầu bằng cách cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và ngăn chặn thủy sản khai thác bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Để thực hiện mục tiêu này, chương trình mới sẽ mở rộng yêu cầu truy xuất nguồn gốc SIMP đối với tất cả các mặt hàng thủy sản nhập khẩu của Hoa Kỳ bằng cách tạo ra một hệ thống hai cấp ưu tiên theo loài dựa trên mức độ rủi ro của chúng. Bên cạnh đó, sẽ triển khai chương trình cho phép sàng lọc các đối tượng trước khi nhập khẩu và phát triển một chương trình thí điểm dữ liệu nhập khẩu tự nguyện giữa các chính phủ.

Bên cạnh đó, Chương trình mới sẽ góp phần vào các nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc được cải thiện, SIMP sẽ giúp Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ nâng cao khả năng trong việc bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ, đưa an ninh lương thực toàn cầu và tính bền vững của các nguồn tài nguyên đại dương chung lên một tầm cao mới. Việc tiếp cận sớm hơn đối với thông tin về các lô hàng thủy sản nhập khẩu cũng giúp các cơ quan chức năng ngăn ngừa các hành vi lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ và Bộ Lao động Hoa Kỳ sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đồng thời dữ liệu cũng được thu thập để giải quyết các rủi ro do lao động cưỡng bức gây ra trong chuỗi cung ứng thủy sản

Không chỉ có vậy, Chương trình mới còn nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại thủy sản công bằng trên toàn thế giới nhờ vào hoạt động cập nhật các thủ tục cấp phép và báo cáo hiện có, sửa đổi các yêu cầu dữ liệu hiện tại, phát triển thêm các tài liệu tuân thủ quy định SIMP và hiện đại hóa hệ thống cấp phép quốc gia.

NOAA đang ưu tiên thực hiện các thay đổi nêu trên cùng với nỗ lực cải thiện việc triển khai và xây dựng năng lực để duy trì và phát triển Chương trình SIMP trong tương lai nhằm mục tiêu thúc đẩy tính minh bạch và tối đa hóa hiệu quả chung của quy trình. Bước đầu, các quy tắc sẽ được đề xuất để lấy ý kiến của công chúng trước khi được ban hành chính thức và áp dụng khi nguồn lực cho phép.

Hương Trà (theo seafoodnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác