3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản tăng kỷ lục đạt 2,4 tỷ USD (04-04-2022)

Sáng ngày 04/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị giao ban và triển khai nhiệm vụ kế hoạch tháng 4/2022 và quý II/2022. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản giá trị xuất khẩu thủy sản lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021.
3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản tăng kỷ lục đạt 2,4 tỷ USD

Trong quý I/2022, tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối gặp nhiều thuận lợi khi giá cả và sản lượng nuôi trồng thủy sản đều tăng. Thị trường xuất khẩu thủy sản đã phục hồi, tăng trưởng ấn tượng và hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, các sản phẩm tôm tôm và cá tra xuất khẩu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh cả về giá cả và giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác trong quý I/2022 lại diễn ra không mấy thuận lợi, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, hầu hết các vùng biển đều có gió Đông Bắc cấp 5-6 có nơi cấp 7, ảnh hưởng rét kéo dài nhiệt độ giảm sâu trước và sau tết nguyên đán  hoạt động khai thác trên biển gặp nhiều khó khăn.

Chi phí đầu vào cho chuyến biển tăng cao, đặc biệt, là giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh đây cũng là chi phí chính cho chuyến biển dẫn đến hiệu quả khai khác thấp. Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản khai thác không tăng, thậm chí có một số mặt hàng giá giảm so với cùng kỳ năm ngoái do đó khiến các chủ tàu không mặn mà ra khơi, tình trạng tàu cá nằm bờ đã xảy ra nhiều tại các địa phương.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2022 ước đạt gần 703 ngàn tấn, (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó sản lượng khai thác 326 ngàn tấn (bằng 96,3%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 375 ngàn tấn (tăng 9,9%). Đưa lũy kế đến hết tháng 3/2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 1,9 triệu tấn tăng 2,4% cùng kỳ 2021, trong đó sản lượng khai thác thủy sản là 875 ngàn tấn (giảm 1,2%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 995 ngàn tấn (tăng 5,9%).

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 900 triệu USD, tăng 22,4% so với vùng kỳ 2021, lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Lê Trần Nguyên Hùng nhấn mạnh, hoạt động thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản vừa qua đã được hầu hết các địa phương trên cả nước triển khai. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, các địa phương đã tiến hành phát động phong trào bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh thủy sản đã mang ý nghĩa to lớn và tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong người dân. Theo thống kê sơ bộ đã có khoảng 50 triệu con giống thủy sản được các địa phương trên cả nước thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản trong dịp 01/4 vừa qua.

Tuy nhiên, hiện nay việc đối mặt với xung đột lợi ích với các lĩnh vực kinh tế khác như: Du lịch, dịch vụ,…đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là tại các khu bảo tồn biển.

Về lĩnh vực khai thác thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, tình hình khai thác thủy sản thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác như: Nước đá, các vật dụng,  ngư cụ, phụ tùng thay thế,…để phục vụ cho chuyến biển cũng tăng theo. Trong khi đó, giá thu mua các mặt hàng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay không tăng, có loài hải sản giá lại thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê, cuối tháng 2, đầu tháng 3 có gần 10.000 tàu ngừng sản xuất, các tỉnh có số lượng tàu cá vùng khơi nằm bờ cao như Thanh Hoá, Hải Phòng, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt là các tàu cá nghề lưới kéo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tình hình thời tiết trên biển diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chuyến biển. Đặc biệt, trong cuối tháng 3 đã xuất hiện gió giật, sóng lớn bất ngờ đã đánh chìm tàu cá và lồng bè nuôi thủy sản gây thiệt hại lớn tại một số tỉnh Miền Trung.

Tại Hội nghị, Ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đánh giá tình hình nuôi trồng thủy sản trong quý I/2022 diễn ra rất thuận lợi; thời tiết thuận lợi cho thả nuôi do đó diện tích thả nuôi tăng mạnh, cùng với đó giá cả các mặt hàng đều tăng, đặc biệt là giá cá tra hiện nay tăng rất cao, người nuôi đang tăng diện tích thả nuôi. Thị trường xuất khẩu thủy sản đã phục hồi rất khả quan, các doanh nghiệp đã ký kết được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 900 triệu USD, đưa lũy kế kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%. Đây là mức tăng kỷ lục tính theo 1 tháng và quý của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Kết luận tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng kết quả sản xuất thủy sản trong quý I/2022 rất khởi sắc, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc tăng trưởng hiện nay vẫn chưa thực sự bền vững khi chi phí đầu vào các mặt hàng tiếp tục có xu hướng tăng cao. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch đề ra, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân giao các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Về khai thác thủy sản, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tập trung triển khai các đoàn kiểm tra trách nhiệm của các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ khắc phục thẻ vàng của EC. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng và triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp IUU, tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung sửa đổi bổ sung các Nghị định 26, 42, 67. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững giai đoạn 2021-2030.

Về nuôi trồng thủy sản, tiếp tục bám sát, tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, Ngành, Tham mưu cho Tổng cục, Tham mưu cho Bộ trình chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030; Dự thảo kế hoạch triển khai chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022 -2030. Tham mưu Bộ tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ngành nhuyễn thể năm 2022 dự kiến tổ chức trong trung tuần tháng 4.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng nuôi. Hướng dẫn thực hiện quan trắc môi trường năm 2022, triển khai dự án điều tra thực trạng và xác định tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện hồ sơ trình các dự án giống thuộc quyết định 703/QĐ-TTg.

Đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ, chủ động tham mưu tổ chức hội nghị về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ chuyên ngành thủy sản.

Đối với công tác quản lý hệ thống giám sát hành trình, phối hợp tổ chức tập huấn về lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình, thành lập đoàn công tác kiểm tra về tình hình sử dụng thiết bị giám sát hành trình tại các địa phương. Rà soát Dữ liệu trên phần mềm Vnfishbase liên quan đến giấy phép khai thác, đăng ký đăng kiểm tàu cá.

Liên quan đến Công tác Kiểm ngư, phối hợp với Vụ Tài chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện chế độ chính sách cho lực lượng Kiểm ngư.

Tổ chức ký sơ kết 02 năm công tác phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Ký Chương phối hợp công tác giữa Lực lượng Kiểm ngư và Báo Người lao động.

Tổ chức, triển khai chuyến kiểm tra địa phương về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản năm 2022 theo kế hoạch. Thực hiện các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.

Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần tập trung phối hợp rà soát các Chương trình, đề án, dự án ưu tiên để triển khai đồng bộ có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bên cạnh đó, cần tăng cường tính chủ động nắm bắt và phản ứng nhanh với các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể ảnh hưởng đến ngành (như mưa lũ, gió giật và các sự cố bất thường xảy ra vừa qua) để có phương án chỉ đạo kịp thời.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác