Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020 (29-10-2021)

Theo báo cáo của Trung tâm tin học và Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 năm 2021 ước đạt 3,42 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020
Ảnh minh họa

Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 17,35 tỷ USD, tăng 12,7%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; thuỷ sản ước đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản ước đạt 12,81 tỷ USD, tăng 22,3%; sản phẩm đầu vào sản xuất ước đạt 1,35 tỷ USD, tăng 22,3%; muối ước đạt 2,4 triệu USD, tăng 8,1%.

Mười tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 16,58 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Mỹ đạt 11,63 tỷ USD, tăng 25,5%; châu Âu đạt 4,43 tỷ USD, tăng 8,3%; châu Phi đạt 723 triệu USD, tăng 3,6%; châu Đại Dương đạt 594 triệu USD, tăng 4%. 

Thị phần của các khu vực Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2021 lần lượt là: 42,8%; 30%; 11,4%; 1,9% và 1,5%1. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.  Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 27,9%, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2020; Trung Quốc chiếm 19,3% ; Nhật Bản chiếm 6,8% và Hàn Quốc chiếm 4,3%.

Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 ước đạt 700 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.  Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021, chiếm 49,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất tại Nga (+42,1%).

Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 năm 2021 ước đạt 3,44 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 35,56 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 54%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 0,5%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,7%; giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 26,5%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 6 tỷ USD, tăng 31%; giá trị nhập khẩu muối ước đạt 16 tỷ USD, giảm 4,9%.

Mười tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ chiếm 24% thị phần, châu Phi chiếm 4,8%, châu Á chiếm 30,6%, châu Âu chiếm 4% và châu Đại Dương chiếm 5,3%, đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

 Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 14,8%; châu Phi đạt 1,7 tỷ USD, tăng 72%; châu Á đạt 10,9 tỷ USD, tăng 83,8%; châu Âu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 5,2%; châu Đại Dương đạt 1,9 tỷ USD, tăng 155,6%.

 Hoa Kỳ, Campuchia, Achentina là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu đạt lần lượt là 9,2% (giá trị nhập khẩu tăng 17,2%), 8,9% (+475,5%), 7,9% (+1,6%).

Thủy sản là một trong số những mặt hàng chính để nhập khẩu, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 10 đạt 140 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2021 chủ yếu từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng là 16,7%, Nauy chiếm 11,6% và Trung Quốc  chiếm 8,8%. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 từ ba thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là: 30,9%, 15,8% và 31,3%.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt thặng dư 3,22 tỷ USD, giảm 56,9% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2020.

Lâm sản và thủy sản là hai nhóm hàng có cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2021 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản đạt thặng dư 9,6 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2020; nhóm thủy sản thặng dư 4,71 tỷ USD, giảm 0,2%. Trong khi đó, cán cân thương mại các nhóm còn lại đều đang ở trạng thái thâm hụt. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, gạo, hàng rau quả, cà phê, và cá tra là các mặt hàng có thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1 tỷ USD. Cụ thể, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt thặng dư cao nhất trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản với 8,83 tỷ USD, tăng 30,7% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2020. Thặng dư thương mại của mặt hàng tôm đạt 2,42 tỷ USD (-0,2%); gạo đạt 1,86 tỷ USD (-22,6%); hàng rau quả đạt 1,68 tỷ USD (+8%); cà phê đạt 1,51 tỷ USD (-28%) và cá tra đạt 1,03 tỷ USD (+4,8%).

Ước 10 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt thặng dư 3,19 tỷ USD, giảm 63,2% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung, sản xuất nông lâm và thủy sản trong tháng 10 diễn ra trong điều kiện nhiều địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội đã tạo chuyển biến tích cực cho việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Mặc dù dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến phức tạp, sản xuất nông lâm và thủy sản tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn trong xu hướng tăng trưởng tích cực. Sản xuất thủy sản bắt đầu hồi phục sau thời gian dài các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác