Quảng Bình: phấn đấu đến năm 2030 tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt 140 -150 triệu USD (15-09-2021)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Quảng Bình phấn đấu thực hiện đến năm 2030, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đạt 140 -150 triệu USD.
Quảng Bình: phấn đấu đến năm 2030 tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt 140 -150 triệu USD
Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Kế hoạch là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của Tỉnh; nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm đáp ứng các quy định của các thị trường nhập khẩu và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đạt khoảng 80 - 90 triệu USD, trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 10 đến 12 triệu USD; phấn đấu 20% sản lượng nông lâm thủy sản xuất khẩu của tỉnh xây dựng được thương hiệu có uy tín, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; 40% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.

Đến năm 2030, phấn đấu thực hiện tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt 140 -150 triệu USD (mức tăng bình quân 9 đến 11%/năm so với năm 2025), trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 20 đến 22 triệu USD; phấn đấu 30% sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của tỉnh xây dựng được thương hiệu có uy tín, 60% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu cụ thể như: các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản và các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; phát triển, mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu ra các nước trên thế giới, giữ vững ổn định các thị trường truyền thống. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp chủ yếu để thực hiệu quả các nhiệm vụ trên.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản: hoàn thiện các chính sách, pháp luật thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Cùng đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh phục vụ xuất khẩu; triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu: tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đối với các vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản,.. nhằm tạo nguồn nguyên liệu hàng hóa tập trung có năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

 Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu: hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu; đồng thời tạo sự phát triển bền vững vùng nguyên liệu, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái,..

Nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên một cách đồng bộ, hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn quốc; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

Phối hợp với đơn vị chức năng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu thông qua chương trình thương hiệu quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hiệp hội ngành hàng, các chuỗi liên kết trong xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Sở khoa học và công nghệ: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến sâu, đóng gói đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; thực hiện các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh; nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước và thị trường quốc tế.

 Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác liên kết theo chuỗi và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.

Sở Công Thương: xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đặc biệt là FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP, VJEPA…) nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, thế mạnh của Tỉnh trên thị trường trong nước và nước ngoài.

 Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương, các thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp cận thông tin về thị trường, việc áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại,… để định hướng sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng các quy định thị trường xuất khẩu; triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng cường quảng bá sản phẩm,..

Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ: các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm; ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông lâm thủy sản.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn, đề xuất cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kịp thời nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý khu kinh tế, Cục Hải quan tỉnh thực hiện nghiêm theo chức năng, nhiệm vụ được giao để đạt được các mục tiêu theo Kế hoạch đề ra.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác