Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng ấn trượng trong 6 tháng đầu năm 2021 (06-07-2021)

Sáng nay, ngày 06/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021. Ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng trong 6  tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng ấn trượng trong 6 tháng đầu năm 2021

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Pháp chế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Viên Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cùng các phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới và cả trong nước, tuy nhiên, với sự quan tâm vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, các địa phương cùng các doanh nghiệp và người dân, ngành thủy sản đã đạt được kết quả ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành thủy sản tiếp tục duy đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng cũng như khai thác thủy sản, giá cả các mặt hàng xuất khẩu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 2 triệu tấn (tăng 1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch.

Tại Hội nghị, Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chính của Việt Nam đã từng bước được ổn định nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trưởng lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác đang tiếp tục có xu hướng giảm do các nước này vẫn chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Ước sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020 – 331 nghìn tấn), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.

Đối với lĩnh vực Cá tra, diện tích thả nuôi trong 6 tháng đầu năm đạt 1.750 ha, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 21.800-22.500 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 31/5/2021 đạt 637,9 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài tôm nước lợ, cá tra, các sản phẩm nhuyễn thể xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng đã có những kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Nhận định trong 6 tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng do cuối năm thường diễn ra các dịp lễ hội, tết dương lịch, lễ Noel. Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan...đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, chúng ta cần kiểm soát tốt dịch và tận dụng tốt cơ hội thị trường để tăng thị phần xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chia sẽ những thông tin liên quan đến rào cản từ thị trường, thông tin tiêu thụ sản phẩm để chủ động có những giải pháp kịp thời tránh những rủi ro từ thị trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định trong 6 tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng do cuối năm thường diễn ra các dịp lễ hội, tết dương lịch, lễ Noel. Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan...đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, chúng ta cần kiểm soát tốt dịch và tận dụng tốt cơ hội thị trường để tăng thị phần xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chia sẽ những thông tin liên quan đến rào cản từ thị trường, thông tin tiêu thụ sản phẩm để chủ động có những giải pháp kịp thời tránh những rủi ro từ thị trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam đều có những tăng trưởng rất khả quan. Cụ thể, tôm nước lợ tăng 13%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 24%, nhóm mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 45%. Một trong những thông tin đáng vui mừng là hiện mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam đang đứng đầu thị phần của thế giới. Trong 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến hầu hết các thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh như: Mỹ tăng 37%, Nga  tăng 61%, Châu Âu tăng 21%, khối các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do CPTPP tăng 12% (chỉ trừ Trung Quốc giảm 6%).

Tại Hội nghị các đại biểu đã đánh giá cao kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 của ngành thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn vướng mắc mà ngành thủy sản cần phải tháo gỡ như: Hạ tầng phục vụ cho thủy sản vẫn còn yếu kém, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường, thông lệ quốc tế ngày càng khắt khe, đòi hỏi chúng ta cần phải kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Quy định về truy xuất nguồn gốc liên quan trực tiếp đến công tác cấp mã số vùng nuôi đến nay vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, đây sẽ là rào cản lớn đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới... Bên cạnh đó, việc tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC vẫn chưa được giải quyết triệt để, ngoài ra, việc Mỹ sẽ áp dụng các quy định nhập khẩu của Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển vẫn là những rào cản lớn đối với thị trường trong thời gian tới. Trong nước, dịch bệnh covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, nơi đặt hầu hết các nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp.

Phát biểu tại kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những nỗ lực chung của toàn ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả đạt được đã thể hiện sự chung sức của toàn ngành vượt qua những thách thức khó khăn để đạt được những mục tiêu đề ra. Trong khó khăn, ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã đóng góp thể hiện vai trò trụ đỡ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong cả năm 2021, trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung các giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, tập trung đánh giá tác động, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thể chế chính sách trong phát triển thủy sản. Cần đưa vào các quy định, thông lệ quốc tế phù hợp với xu thế hội nhập và thực tiễn của Việt Nam vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, trong lĩnh vực khai thác thủy sản cần có phân tích đánh giá lộ trình giảm cường lực khai thác, giảm sản lượng đi cùng với giải pháp tăng cường bảo tồn và phát triển nguồn lợi. Quản lý chặt chẽ, quyết liệt đối với hạn ngạch khai thác hải sản. Thúc đẩy phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại. Tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản các sản phẩm thủy sản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, cần có những định hướng chính sách để chuyển đổi nghề phù hợp từ đó giảm cường lực khai thác ven bờ và đảm bảo sinh kế người dân. Mặt khác, đảm bảo an toàn tàu cá, đặc biệt trong mùa mưa bão đang đến gần. Hoàn thiện việc đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức triển khai một số quy định mới trong nuôi trồng thủy sản: Quy định điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong nuôi trồng thủy sản hiện dư địa để tăng năng suất nuôi trồng còn rất lớn, cần nghiên cứu khoa công nghệ sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nuôi trồng, chế biến. Tập trung giải pháp quan trắc môi trường, phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh để áp dụng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tìm giải pháp quản lý chặt chẽ các yếu tố vật tư đầu vào, đảm bảo ổn định giá cả.

Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện Dự án Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý khu bảo tồn biển. Tăng cường giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn lợi đảm bảo diện tích khu bảo tồn biển theo định hướng mục tiêu đã đề ra. Tổ chức thẩm định và công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản (ở biển và vùng nội đồng) theo quy định.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, chất lượng công trình, phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, sai phạm trong công tác quản lý và thi công công trình theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ sáu, khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, xây dựng sản phẩm quốc gia. Tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản; triển khai các hoạt động của Dự án Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á.

Thứ bảy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp cần thông tin, tuyên truyền chỉ đạo các doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt các hướng dẫn đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Phối hợp với các đơn vị liên quan để kiến nghị ưu tiên các đối tượng làm việc trong nhà máy chế biến, các đối tượng thường xuyên tiếp xúc và có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản được tiêm vắc xin trước.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác