Tác động của diễn biến dịch bệnh Covid-19 tới tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản (31-05-2021)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020 ở mức từ 6% đến 10%/tháng.
Tác động của diễn biến dịch bệnh Covid-19 tới tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản
Ảnh minh họa

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng, bùng phát tăng nhanh toàn cầu với những biến chủng mới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 bắt đầu đợt lây nhiễm cộng đồng thứ 4 với diễn biến nhanh chóng đã và đang tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Trong các hoạt động kinh tế, các hoạt động xuất-nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối tượng doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và quy mô kinh tế hộ. Đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, một số doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng của đơn hàng, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics) và sự thiếu hụt lao động. Các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không/đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tác động tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, nhằm đảm bảo các mục tiêu được giao, trước tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ cao điểm thu hoạch của nhiều địa phương, ngày 14/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 với mục tiêu bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài, ứng phó kịp thời trước các tác động của dịch Covid-19.

Kết quả sản xuất thủy sản trong những tháng đầu năm 2021: Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 687,2 nghìn tấn, tăng 2,1%; Lũy kế 4 tháng 2.484,9 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể là: Sản lượng khai thác thủy sản tháng 4 ước đạt 357,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; Lũy kế 4 tháng 1.215,1 nghìn tấn, tăng 1,4%; trong đó, khai thác biển 1.160 nghìn tấn, tăng 1,5%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4 ước đạt 329,6 nghìn tấn, tăng 1,9%; Lũy kế 4 tháng 1.269,9 nghìn tấn, tăng 2,8%; Trong đó, sản lượng cá tra 385,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng tôm 158,7 nghìn tấn, tăng 4,3% (tôm sú 62,5 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ chân trắng 96,2 nghìn tấn, tăng 6,5%).

Về tình hình xuất khẩu sản phẩm chủ lực: 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 601,6 nghìn tấn với trị giá 2,386 tỷ USD, tăng 7,14% về lượng và tăng 6,06% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Xuất khẩu tôm đạt 106,3 nghìn tấn với trị giá 944,38 triệu USD, tăng 8,03% về lượng và tăng 9,74% về giá trị; Xuất khẩu cá tra đạt 252,4 nghìn tấn với trị giá 495,6 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và 10,5% về giá trị; Xuất khẩu cá ngừ đạt 49,4 nghìn tấn với trị giá 220,4 triệu USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 13,16% về giá trị. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý II tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ 6% đến 10%/tháng so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo cơ hội xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19. Các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ, Thái Lan đang chịu tác động xấu từ dịch Covid-19 sẽ khiến nguồn cung và khả năng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Đối với sản phẩm cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Nguồn cung cá tra đang dần ổn định, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra tăng tốc trong quý II và quý III/2021. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ tới các nước EU vì đây là khối thị trường có nhu cầu cao và Việt Nam có nhiều lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế, Việt Nam cần giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc như: Tổn thất sau thu hoạch sản phẩm hải sản khai thác còn cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng lượng nhập khẩu để gia công chế biến. Đối với cá tra, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khiến giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm sút, bên cạnh đó chất lượng sản phẩm cũng đi xuống, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm cá tra Việt Nam. Mặt hàng tôm: chi phí đầu vào (giống, thức ăn, chế phẩm) tăng dẫn đến giá thành sản phẩm cao, làm giảm lợi nhuận và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Tác động của Covid-19 đến tình hình xuất khẩu đến một số thị trường trọng điểm

Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD tăng 2,6% so với năm 2019 đã tạo đà cho thị trường năm 2021. Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD; xuất khẩu sang châu Âu xấp xỉ bằng mức cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.

Hiện phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực, đạt hơn 5,5 tỷ USD tăng 27,8% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 4,023 tỷ USD tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt là, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng.

Qua các đợt dịch, các địa phương của Việt Nam đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh Covid-19: Thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản tại cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt. Nhờ đó, các tỉnh biên giới trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh đã lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam lan rộng nhiều địa phương, có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng, nối liền các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang vào mùa thu hoạch; Trong khi Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu chính, tạo áp lực lưu thông hàng hóa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thị trường EU: Theo cập nhật của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), GDP đã giảm 0,6% trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và giảm 0,4% trên toàn Liên minh châu Âu (EU) trong Quý I/2021, theo đó chính thức rơi vào suy thoái 02 quý liên tiếp. Trước diễn biến và hậu quả phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (888 tỷ USD) để tái thiết các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng Covid-19.

Về thương mại nông sản EU-Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 937,1 triệu USD sang EU (giảm 3,7%). Các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU có xu hướng giảm. Tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm container vẫn tiếp tục diễn ra ở các tuyến vận tải biển từ châu Á sang EU trong khi đó vận tải bằng đường hàng không có chi phí quá lớn đối với biên độ lợi nhuận của hàng nông sản nói chung.

Tại Hoa Kỳ, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Mỹ sẽ gặp khó khăn, bên cạnh tình trạng khan hiếm container, còn do cước vận chuyển từ châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Freightos Baltic, tuyến từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ ở mức hơn 4.000 USD/container 40 feet; Giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông nước Mỹ ở mức hơn 6.000 USD/ container 40 feet). Đây là mức cước cao nhất từ trước đến nay.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc: Với những nỗ lực chống dịch bao gồm các biện pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, nâng cao các biện pháp an toàn cho công dân di chuyển, tình hình xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong Quý I/2021 tăng trưởng tốt với mức tăng 5,9% và 7,2%. Các chuyên gia dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản sẽ khống chế được dịch bệnh trong Quý II/2021 nhờ nguồn cung vacxin dồi dào và các biện pháp quản lý hiệu quả hơn của Chính phủ. Do vậy, thị trường xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác