Con đường duy nhất để thủy sản Việt Nam có thể đứng vững tại thị trường khó tính như châu Âu (21-10-2020)

Ngày 15/10/2020, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 2 của Ban Cố vấn Trách nhiệm Xã hội ngành Thủy sản nhằm thúc đẩy thực hành Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong Chuỗi cung ứng thủy sản ở Việt Nam, giúp thủy sản Việt Nam đứng vững tại thị trường khó tính như châu Âu.
Con đường duy nhất để thủy sản Việt Nam có thể đứng vững tại thị trường khó tính như châu Âu

Hiện nay, Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở thành phương thức phổ biến để tổ chức, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại trong nền kinh tế toàn cầu hoặc khu vực. Tại nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển, Chuỗi cung ứng này đã tạo việc làm và cơ hội phát triển cho nền kinh tế - xã hội của quốc gia. Chuỗi cung ứng còn tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dần dịch chuyển sang các hoạt động thương mại có giá trị cao hơn; Đồng thời, cho phép người lao động tiếp cận việc làm với đòi hỏi về trình độ kỹ thuật và kỹ năng cao hơn, có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Khi người sử dụng lao động tuân thủ các quy định lao động và Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS), điều này sẽ giúp tăng cường việc làm bền vững trong Chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, Dự án "Chuỗi cung ứng có trách nhiệm ở châu Á" (RSCA) đang góp phần nâng cao sự tôn trọng quyền con người, các tiêu chuẩn lao động và môi trường ở các doanh nghiệp tham gia Chuỗi cung ứng thủy sản và gỗ, đảm bảo các bên liên quan hiểu rõ hơn và có những thực hành tốt về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC). Dự án RSCA được hợp tác triển khai bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thông qua nhà tài trợ là  Liên minh châu Âu (EU).  Dự án hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra môi trường chính sách thuận lợi để tận dụng cơ hội và xử lý kịp thời những thách thức đối với việc thực hiện CSR/RBC trong ngành Thủy sản và ngành Lâm nghiệp. Mặc dù chế biến thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng đây là lần đầu tiên ILO có một dự án hỗ trợ cho ngành hàng này

Tiếp theo việc tổ chức triển khai, phổ biến kết quả nghiên cứu sơ bộ về ngành Chế biến thủy sản ở Việt Nam, để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và các đối tác triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, gắn liền với nâng cao Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp trong Chuỗi cung ứng thủy sản, thì điều cần thiết trước tiên là phải xây dựng được các chiến lược, can thiệp kịp thời và phù hợp theo định hướng thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững, gắn liền với việc lồng ghép các thực hành tốt về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong ngành Thủy sản Việt Nam; Xác định tầm quan trọng ngày càng tăng của các thực hành Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp, đặc biệt trong Chuỗi cung ứng thủy sản - là ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn tới các thị trường thuộc quốc gia thành viên EVFTA và CPTPP. Đây chính là yêu cầu cấp thiết làm nảy sinh sáng kiến thành lập Ban Cố vấn về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong ngành Thủy sản.

Ban Cố vấn Trách nhiệm Xã hội ngành Thủy sản

Tại cuộc họp đầu tiên, ngày 20/02/2020, Ban Cố vấn (Think-Tank) đã chính thức ra mắt với các thành viên là lãnh đạo và chuyên gia có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm và uy tín: Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Vụ Khai thác Thủy sản (D-FISH); Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (AGROTRADE), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA), Hiệp hội Cá da trơn (VINAPA), VCCI HCM, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), Dự án Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á (RSCA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trong đó, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc ICAFIS, làm Trưởng ban; ông Trần Minh Trí - Điều phối viên quốc gia của Dự án RSCA, là Thư ký Ban.

Ban Cố vấn được thành lập trong khuôn khổ Dự án Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á - RSCA (ILO), bao gồm 14 chuyên gia. Các thành viên của Ban Cố vấn hoạt động trên cơ sở tự nguyện, góp phần đạt được các mục tiêu chỉ định. Trong quá trình hoạt động, các thành viên sẽ tổng hợp và chia sẻ thông tin cần thiết nhằm mục đích: Tham mưu quá trình hoạch định chiến lược và chính sách; Can thiệp kịp thời, phù hợp theo định hướng thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững gắn liền với việc lồng ghép các thực hành tốt về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong Chuỗi cung ứng thủy sản ở Việt Nam. Tất cả thông tin đều được chia sẻ; các tài liệu và kế hoạch được xây dựng bởi Ban Cố vấn chỉ dành cho mục đích tư vấn Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tổng cục Thủy sản toàn quyền quản lý việc sử dụng tài liệu và kế hoạch được phát triển bởi Ban Cố vấn.

Trong khuôn khổ mục tiêu của Dự án RSCA, Ban Cố vấn hỗ trợ kỹ thuật, hướng tới việc tăng cường thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong Chuỗi cung ứng thủy sản vì lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, thông qua các hoạt động chủ yếu như: Xây dựng một diễn đàn mở cho các bên đối tác chủ chốt tham gia vào đối thoại, chia sẻ thông tin và mở rộng hợp tác trong những vấn đề cơ bản của ngành. Đặc biệt là tăng cường quan hệ đối tác giữa các nhà cung cấp và nhà mua hàng quốc tế từ EU và Mỹ; Xây dựng năng lực và tăng cường kiến thức để thực hiện các thực hành CSR/RBC (Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp và Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm) cho các đơn vị trong nước, bao gồm các hiệp hội ngành hàng và tổ chức công đoàn, các cơ quan thực thi… đảm bảo việc làm bền vững; Tham gia quá trình vận động chính sách ở cấp quốc gia, cấp hiệp hội và cấp doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt CSR/RBC với các giải pháp đồng bộ và phù hợp.

Các nhóm giải pháp của Ban Cố vấn CSR/RBC

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Cố vấn Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong ngành Thủy sản sẽ tiến hành các hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ 03 nhóm giải pháp: Đối thoại - Xây dựng năng lực - Vận động chính sách.

Về Đối thoại: Ban Cố vấn sẽ khởi xướng và hỗ trợ đối thoại cấp ngành, tập hợp các đối tác chính nhằm xác định và thảo luận những thách thức, cơ hội và lĩnh vực hợp tác để đạt được những tiêu chuẩn chung; gia tăng đối thoại và thúc đẩy mối liên hệ giữa các nhà cung cấp trong nước với các bên mua hàng quốc tế, đặc biệt là từ EU; chia sẻ và lan tỏa những thực hành lao động có trách nhiệm xã hội giúp củng cố hoạt động, quy tắc ứng xử có trách nhiệm và tính bền vững của Chuỗi cung ứng thủy sản tại Việt Nam. Xác định những thách thức liên quan tới thực hành CSR/RBC và các cơ hội đặc thù của 03 nhóm thủy sản chế biến - xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: tôm (doanh số xuất khẩu trên 4,4 tỷ USD/năm), cá da trơn (2 tỷ USD/năm) và cá ngừ (trên 500 triệu USD/năm).

Xây dựng năng lực: Thúc đẩy việc áp dụng thực hành CSR/RBC trong Chuỗi cung ứng tôm, cá da trơn và cá ngừ qua các hội thảo chuyên đề về kinh doanh có trách nhiệm, phát triển thương mại bền vững và các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS), các thực hành tốt và các chủ đề được quan tâm liên quan tới CSR/RBC và chương trình việc làm bền vững cho các đối tác trong nước (bao gồm: các nhà cung cấp, hiệp hội ngành và các tổ chức công đoàn, đại diện của người lao động). Đề xuất các mục tiêu về CSR/RBC, thiết kế các giải pháp can thiệp ở cấp cơ sở của doanh nghiệp, các bên liên quan cũng như xác định và phổ biến các thực hành tốt để chia sẻ và nhân rộng trong ngành Thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình lồng ghép CSR/RBC một cách bền vững vào các Chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản chủ lực (trên cơ sở các cuộc đối thoại/ hội thảo với các đối tác chính) nhằm mục đích mở rộng và lan tỏa thực hành CSR/RBC trong tất cả các khâu đánh bắt - nuôi trồng - chế biến - thương mại.

Vận động chính sách: Đề xuất các ý tưởng chính sách, tham vấn và việc vận động chính sách liên quan tới thương mại và phát triển bền vững ngành Thủy sản, bao gồm việc hỗ trợ nghiên cứu và phổ biến các trường hợp thực hành tốt CSR/RBC và xây dựng bộ công cụ vận động chính sách. Đồng thời, vận động và nâng cao năng lực cho các đối tác để tăng cường CSR/RBC và chương trình việc làm bền vững, để trong thời gian tới các nội dung này trở thành nội dung cốt yếu trong các chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững của doanh nghiệp tham gia Chuỗi cung ứng thủy sản tại Việt Nam.

Nhìn chung, kể từ tháng 02/2020, Ban Cố vấn đã, đang, và sẽ bắt đầu thực hiện công tác tham mưu để ngành Thủy sản Việt Nam gia tăng đối thoại thường kỳ, hợp tác đối tác giữa các bên liên quan chủ chốt (đặc biệt là giữa các nhà cung ứng trong nước và nhà mua hàng quốc tế đến từ EU và Mỹ), chú trọng chuyển giao và lan tỏa các thực hành tốt để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; duy trì việc thực hiện tốt hơn nữa về CSR/RBC trong Chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam. Tăng cường năng lực và kiến thức của các đơn vị trong nước, bao gồm các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và công đoàn/ tổ chức của người lao động, nhằm nhân rộng các thực hành tốt về CSR trong Chuỗi cung ứng thủy sản tại Việt Nam, đào tạo cho các hội viên về thực hành CSR/RBC; thúc đẩy việc thực hiện của các bên liên quan nhìn từ góc độ việc làm bền vững và các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS). Đẩy mạnh vận động chính sách ở cấp quốc gia nhằm thực hiện tốt cách tiếp cận CSR/RBC của ILO và OECD cũng như tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất đối với các giải pháp tuân thủ cho doanh nghiệp.

Cuộc họp lần thứ 2 của Ban Cố vấn

Theo kế hoạch, mỗi năm Ban Cố vấn Trách nhiệm Xã hội ngành Thủy sản sẽ tổ chức họp 02 lần. Cuộc họp lần thứ 1 đã được tổ chức vào ngày 20/02/2020 tại Khách sạn Lakeside (Hà Nội). Cuộc họp lần thứ 2 này vừa được tổ chức ngày 15/10/2020 tại Khách sạn Ninh Kiều Riverside (thành phố Cần Thơ) nhằm đánh giá các công việc đã thực hiện được trong Cuộc họp khởi động lần 1, bàn tiếp lộ trình cho Ban Cố vấn và xây dựng kế hoạch 6 tháng tiếp theo; Bên cạnh đó, giới thiệu Tiêu chuẩn Xã hội ASIC (Asian Seafood Improvement Collaborative) và kế hoạch thúc đẩy áp dụng ASIC trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam. Điều hành Cuộc họp lần thứ 2 là ông Lê Thanh Lựu (Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững) và ông Nguyễn Việt Thắng (Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam). Thực hiện sự ủy quyền của Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, ông Phạm Ngọc Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản) đã đến dự và chỉ đạo Cuộc họp lần thứ 2.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi Trách nhiệm Xã hội, các vấn đề như hợp đồng lao động, độ tuổi lao động, thời gian lao động, bảo hiểm xã hội… được đề cập nhiều và xoáy đi xoáy lại ở các góc nhìn khác nhau, từ góc độ bảo vệ Người lao động đến góc độ bảo vệ Người sử dụng lao động. Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu một số thực trạng trong lao động ngành Thủy sản, ví dụ như: lao động đánh bắt đã nhận tiền tạm ứng từ chủ tàu, nhưng lại tìm lý do thoái thác không lên tàu như đã định, hay việc người được thuê chăm sóc trại cá tự ý bỏ việc… Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, phải suy nghĩ tích cực (hai chiều), chứ không nghĩ tiêu cực, hay chỉ nghĩ một chiều (bảo vệ Người lao động, mà bỏ quên không bảo vệ Người sử dụng lao động). Ông cho biết, không phải ai và không phải ở đâu, người sử dụng lao động cũng là kẻ bóc lột. Hiện đâu đó vẫn còn những người lao động lạm dụng việc được bảo vệ để làm những việc sai quấy.

Kết thúc cuộc họp, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc ICAFIS, Trưởng Ban Cố vấn Trách nhiệm Xã hội đã nhận định: Ở Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện khá tốt CSR, nhưng doanh nghiệp khai thác và nuôi trồng gặp nhiều vướng mắc do khó hài hòa lợi ích giữa Người sử dụng lao động và Người lao động. Hơn nữa, việc các nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện Trách nhiệm Xã hội thông qua nhiều bộ quy chuẩn, đã tạo áp lực lớn trong việc thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Vì vậy, ngành Thủy sản Việt Nam cần đánh giá, xem xét, giúp các doanh nghiệp có được bộ tiêu chuẩn nền tảng chung về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và xây dựng phương án tập huấn đạt hiệu quả mong muốn.

Đặc biệt là, cần có sự tương đồng giữa Luật trong nước và yêu cầu quốc tế. Đây là vấn đề cần được cơ quản chủ quản ngành Thủy sản xem xét, vận động Chính phủ nhằm xóa bỏ sự khác biệt quá lớn giữa luật của Việt Nam (Luật Thủy sản 2017, Bộ Luật Lao động 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Hợp tác xã 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2005…) và các quy định quốc tế. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ Người lao động, Chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng những chính sách hỗ trợ Người sử dụng lao động (doanh nghiệp) để thúc đẩy doanh nghiệp mở cơ sở hoạt động, tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động.

Về phía Tổng cục Thủy sản, đại diện Lãnh đạo Tổng cục cũng đã nhấn mạnh: Sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nhiều sản phẩm; Vấn đề là, dễ tạo sản phẩm nhưng khó lưu thông trên thị trường (liên quan đến Trách nhiệm Xã hội). Tổng cục Thủy sản luôn ủng hộ, đồng hành với doanh nghiệp và người lao động. Theo ông, có hai vấn đề liên quan đến Trách nhiệm Xã hội, ngoài vấn đề “nguồn lực” còn phải bàn kỹ vấn đề “nguồn nguyên liệu”. Thủy sản Việt Nam đang hướng đến sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Bên cạnh các nguồn lực từ Chính phủ, Tổng cục Thủy sản hết sức trân trọng và cảm ơn các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài của các nhà tài trợ như Oxfam.

Việt Nam sẽ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện CSR dựa trên nỗ lực kết nối nhà mua hàng quốc tế với các doanh nghiệp trong nước. Việc kết nối thông qua đối thoại với nhà mua hàng về các Tiêu chuẩn Lao động. Trong đó, chú trọng tới hình thức đối thoại, thiết kế các chương trình mục tiêu, xây dựng năng lực, vận động để ban hành chính sách mới hoặc điều chỉnh chính sách (nhất là những chính sách hiện đang gây cản trở năng lực và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam).

Trong thời gian tới, Dự án RSCA sẽ hợp tác cùng Tổng cục Thủy sản và các tổ chức NGOs tổ chức tập huấn, tổ chức diễn đàn, in ấn truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp trong Chuỗi cung ứng thủy sản của Việt Nam (theo hướng đáp ứng các Tiêu chuẩn quốc tế). Bên cạnh việc phát triển kinh tế, sẽ đẩy mạnh, đẩy nhanh việc thực hiện các Tiêu chuẩn Văn hóa - Xã hội - Môi trường, giúp thủy sản Việt Nam có thể đứng vững tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, hướng đến phát triển “Nghề cá có trách nhiệm và bền vững”.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác