Một số quy định liên quan đến Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (20-05-2020)

Để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan, ngày 09 tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2020/NĐ-CP quy định Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.
Một số quy định liên quan đến Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN
Ảnh minh họa

Nghị định đã quy định các thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (gọi tắt là: Hệ thống ACTS); chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Đối tượng áp dụng là các Tổ chức/cá nhân thực hiện quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; Tổ chức/cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan; Cơ quan hải quan, công chức hải quan; Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; và Người bảo lãnh.

Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (Hệ thống ACTS)

Hệ thống ACTS là hệ thống công nghệ thông tin tích hợp do các nước thành viên ASEAN thiết lập và kết nối, trao đổi thông tin với nhau để thực hiện thủ tục quá cảnh điện tử, kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên ASEAN, hỗ trợ cơ quan hải quan các nước thành viên ASEAN tính tiền thuế hải quan, tiền bảo lãnh và trao đổi thông tin thu hồi nợ thuế hải quan trên cơ sở quy định tại Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan. Tại Việt Nam, Hệ thống ACTS do Tổng cục Hải quan xây dựng, quản lý và vận hành trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật được thống nhất giữa các quốc gia thành viên ASEAN tham gia Nghị định thư 7.

Theo đó, Người khai hải quan được Cơ quan hải quan hướng dẫn làm Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS theo quy định tại Nghị định; Được lựa chọn thực hiện Thủ tục hải quan quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS (hoặc Thủ tục hải quan quá cảnh theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam); Được sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Cơ quan hải quan để làm Thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS. Bên cạnh đó, Người khai hải quan còn có các quyền khác theo quy định tại Luật Hải quan.

Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS

(1) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS xuất phát từ Việt Nam, quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác phải tuân thủ Chính sách quản lý đối với Hàng hóa quá cảnh của nước quá cảnh; (2) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua các nước thành viên ASEAN khác và nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của các nước thành viên khác và chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của pháp luật có liên quan của Việt Nam; (3) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thời hạn thực hiện Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.

Có tất cả 05 địa điểm thực hiện Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS: (1) Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên, Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam; (2) Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, Chi cục hải quan cửa khẩu xuất đối với hàng hóa xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác; (3) Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN; (4) Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và Chi cục hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác; (5) Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam để tiếp tục vận chuyển đến các nước ngoài ASEAN. Thủ tục quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS kết thúc tại cửa khẩu nhập.

Đặc biệt là, Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS chỉ được đưa từ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN hoặc đưa từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế: Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh).

 

Hàng hóa xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác

Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác, gồm: Hồ sơ hải quan, trong đó có Tờ khai quá cảnh hải quan theo các chỉ tiêu thông tin do Bộ Tài chính ban hành; Giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc Chứng từ tương đương; Thư bảo lãnh hoặc Chứng từ đặt cọc tiền thuế; Tờ khai xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu.

Người khai hải quan (ngoài nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này) còn phải thực hiện thêm các trách nhiệm sau: Khai đầy đủ thông tin; Gửi kèm các chứng từ thuộc Hồ sơ hải quan quy định; Xuất trình hàng hóa để Cơ quan hải quan niêm phong (hoặc lập biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được); Xuất trình hồ sơ, hàng hóa theo yêu cầu của Cơ quan hải quan; Khai bổ sung tờ khai quá cảnh hải quan (theo quy định tại Điều 10 của Nghị định).

Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN

Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN, gồm: Hồ sơ hải quan, trong đó có Tờ khai quá cảnh hải quan theo các chỉ tiêu thông tin do Bộ Tài chính ban hành; Giấy phép quá cảnh hàng hóa (trong trường hợp pháp luật Việt Nam quy định phải có Giấy phép quá cảnh hàng hóa); Kết quả kiểm dịch của Cơ quan kiểm dịch hoặc Chứng từ kiểm dịch do Cơ quan kiểm dịch nước ngoài phát hành và được pháp luật về kiểm dịch công nhận; Giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc Chứng từ tương đương; Thư bảo lãnh hoặc Chứng từ đặt cọc tiền thuế.

Người khai hải quan có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Ngoài các quy định trên, Nghị định số 46/2020/NĐ-CP còn hướng dẫn các trường hợp: Khai bổ sung Tờ khai quá cảnh hải quan; Hủy Tờ khai quá cảnh hải quan.

Hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam/ Hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước ngoài ASEAN

Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước ngoài ASEAN, gồm: Hồ sơ hải quan, trong đó có TAD - Chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh (chính là Tờ khai quá cảnh hải quan đã được cơ quan hải quan điểm đi phê duyệt và in ra từ Hệ thống ACTS).

Người khai hải quan có trách nhiệm: Xuất trình hàng hóa kèm TAD; Gửi “thông báo hàng đến” cho hải quan điểm đích thông qua Hệ thống ACTS trước khi dỡ hàng hóa (trường hợp doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, thực hiện gửi “thông báo hàng đến” ngay khi hàng đến trụ sở của doanh nghiệp hoặc địa điểm doanh nghiệp đăng ký); Lưu giữ TAD đã được cơ quan hải quan điểm đích xác nhận; Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa hoặc thủ tục quá cảnh hàng hóa theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác

Thủ tục hải quan đối với Hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác, gồm: Hồ sơ hải quan, trong đó có TAD - Chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh; Giấy phép quá cảnh hàng hóa (trong trường hợp pháp luật Việt Nam quy định phải có Giấy phép quá cảnh hàng hóa); Thông báo kết quả kiểm dịch của Cơ quan kiểm dịch hoặc Chứng từ kiểm dịch do Cơ quan kiểm dịch nước ngoài phát hành và được pháp luật về kiểm dịch công nhận.

Người khai hải quan có trách nhiệm: Xuất trình Hồ sơ hải quan và hàng hóa cho Chi cục hải quan cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất (Chi cục hải quan quá cảnh); Trường hợp xảy ra bất thường trong hành trình quá cảnh, Người khai hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế ngăn ngừa thiệt hại xảy ra và thông báo cho Cơ quan hải quan theo số điện thoại đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Nghị định 46/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2020.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan cung cấp Danh mục hàng hóa cấm quá cảnh/ hạn chế quá cảnh/ hàng hóa quá cảnh phải có Giấy phép quá cảnh cho Bộ Tài chính để Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) gửi Ban Thư ký ASEAN ngay sau khi Nghị định có hiệu lực. Trường hợp Danh mục hàng hóa cấm quá cảnh/ hạn chế quá cảnh/ hàng hóa quá cảnh phải có Giấy phép quá cảnh được sửa đổi, bổ sung thì việc cung cấp Danh mục sửa đổi, bổ sung cho Ban Thư ký ASEAN thực hiện ngay sau khi Cơ quan có thẩm quyền ban hành Danh mục.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác